Kỷ vật thời chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau chiến tranh, trong hành trang của những người lính trở về, từng tấm chăn, chiếc khăn quàng, chiếc bi đông, chiếc võng,... vốn là những vật dụng nơi chiến trường lại trở thành vật chứng cho lịch sử, mang trong mình biết bao câu chuyện buồn, vui của đời lính.

Mốt thời trang của lính

Có một kỷ vật mà cựu chiến binh Nguyễn Hữu Khuê (75 tuổi, trú tại 61/41 Nguyễn Đình Chiểu, TP. Pleiku) ví von như là mốt thời trang của thời chiến. Đó chính là tấm đắp, chiếc khăn quàng cổ làm bằng vải dù-chiến lợi phẩm thu được từ những lần phi công địch nhảy dù hay thả hàng tiếp tế. “Khi đó, hầu như ai cũng có một tấm đắp hoặc một chiếc khăn làm bằng vải dù ấy. Tấm đắp vừa nhẹ vừa bền, đắp mùa đông thì ấm mà mùa hè thì mát. Giữa đường hành quân, gặp máy bay địch chỉ cần lấy ra trùm lên người để ngụy trang không bị phát hiện, giặt một chút là khô ngay. Mặc dù nhìn khá to, nhưng khi gói gọn lại, tấm đắp chỉ bằng cái nắm tay, bỏ trong ba lô tiện lợi vô cùng”-ông Khuê hồi nhớ. “Mốt thời trang ấy” cũng chia thành hai loại, một loại làm bằng dù của phi công, thường gọi là dù hoa, đẹp hơn so với dù thả hàng, thường chỉ có một màu xanh cũ kỹ nhưng cả hai đều có chung đặc điểm là bền chắc vô cùng.

 

Tấm khăn choàng bằng vải dù từng được coi là mốt thời trang của người lính. Ảnh: Phương Linh
Tấm khăn choàng bằng vải dù từng được coi là mốt thời trang của người lính. Ảnh: Phương Linh

Trong trận đánh vây ép đồn Đak Péc (trận Đak Tô-Tân Cảnh), vợ chồng ông Khuê cũng thu được chiến lợi phẩm là những mảnh vải dù hoa và dù hàng. Với sự khéo léo của mình, bà Châu may thành một tấm đắp hai lớp có thể đắp từ ba đến bốn người. Tấm đắp ấy theo ông bà cho tới ngày hòa bình lập lại, chở che, đem lại hơi ấm cho những người con của họ lớn lên. Có người yêu thích tấm đắp ấy mà trả tới mấy chỉ vàng, nhưng ông bà vẫn nhất định không bán. Ông Khuê còn kể, giữa mưa bom bão đạn, tấm đắp ấy còn dùng để thay cho chiếc áo quan của những đồng đội hy sinh... Bây giờ, một tấm đắp đã bị thất lạc, ông bà còn giữ lại một tấm, thường dùng để trùm xông lá mỗi khi nhức đầu, cảm lạnh...

Sở hữu một tấm vải dù, ông Đoàn Châu Bảy (83 tuổi, trú tại 34 Lý Tự Trọng, TP. Pleiku) khéo léo may thành một chiếc màn chống muỗi. Chiếc màn tự chế của ông Bảy được may bọc vừa chiếc võng, bên trên có phần bèo nhún để phủ ngang qua mặt võng. Những lúc hành quân, dừng chân nghỉ lại giữa rừng, “chiếc màn” từ tấm vải dù đã giúp ông Bảy có những giấc ngủ tròn. “Chiếc màn” ấy cùng với ba lô con cóc và chiếc võng dù màu xanh được cấp từ năm 1961 vẫn được ông Bảy gìn giữ cẩn thận, như một cách để lưu lại những kỷ niệm một thời tham gia kháng chiến.

Kỷ niệm còn mãi

Trong suốt cuộc gặp gỡ, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Khuê và bà Võ Thị Minh Châu luôn nhắc đến những câu chuyện thời chiến gắn liền với từng chiếc bi đông, ống coóng, chiếc ca US, chiếc mũ sắt,... Những vật dụng ấy dường như quá thân thiết với đời lính cho nên bao kỷ niệm cứ lần lượt ùa về, nối dài mãi theo câu chuyện của 2 cựu binh. Chiếc ca US là một trong những kỷ vật mà hai ông bà vẫn còn giữ lại, dù nó đã bị mất đi chiếc quai cầm.

“Ngày đó, chiếc ca US thường được chúng tôi dùng thay cho bát ăn cơm. Theo chế độ, mỗi người chỉ được lấy cơm một lần nên ai mà có cái ca US thì ăn cơm được nhiều hơn so với cái bát sắt bộ đội do nó to hơn. Vì thế mà ai lấy cơm bằng chiếc ca đó, anh em la ó dữ lắm, rồi dần dần lại có cả những câu thơ vui về cái ca US ấy”. Nói rồi, bà Châu liền đọc cho chúng tôi nghe 3 câu thơ  về chiếc ca US trong giọng cười giòn giã: “Đả đảo ca US/Đánh chết nắp ăng gô/Ủng hộ bát sắt cụ Hồ...”. Từng câu chuyện vui cứ kéo dài ra mãi. Bà Châu còn nhắc đến cả tiêu chuẩn “vui” chọn người yêu của con gái thời chiến, cũng gắn liền với từng vật dụng của lính. “Đèn pin đeo chéo/Đài S-tăng-đa/Khẩu K59...”. “Những anh nào mà có được những vật dụng đó thì tức là đang giữ chức vụ khá cao trong đơn vị, do đó mà cũng trở thành một điểm để tụi nữ chiến sĩ chúng tôi trêu đùa làm thành tiêu chuẩn chọn người yêu lúc bấy giờ”-bà Châu vui vẻ kể lại.

Trong những kỷ vật còn giữ lại sau kháng chiến, chiếc mũ sắt của Mỹ là vật dụng gắn liền với cuộc sống của cả gia đình mà ông Khuê còn nhớ mãi. Ông Khuê kể: “Sau khi hòa bình lập lại, vợ chồng tôi về xây dựng kinh tế. Trong suốt những năm bao cấp, chiếc mũ sắt-chiến lợi phẩm lấy được ở kho của Ngụy là vật dụng đắc lực, trở thành chiếc cối để giã chuối nuôi heo, nuôi gà. Chiếc mũ ấy vậy mà chắc chắn lắm, nó theo gia đình ông, mãi mà vẫn không bị hỏng. Về sau, có người cháu thích nên ông bà cho đem về để giã bột.

Từng kỷ vật theo người lính từ chiến trường trở về thời bình, có những vật vẫn tiếp tục hữu ích, có những vật dụng mãi được xếp cất gọn gàng nơi góc tủ-nhưng tất cả đều mang những mảnh ký ức về một thời đạn bom tuy gian khổ nhưng oanh liệt. Thế rồi, trong một lúc nào đó, chủ nhân của chúng lại lấy ra để ngắm nhìn, để lại được thấy mình, thấy đồng đội của những tháng ngày bom đạn...

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm