Kỷ luật thế nào để không oan sai cho tổ chức, đảng viên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 117-QĐ/TW về việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức Đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Nhiều cán bộ, đảng viên cho rằng đây là việc làm cần thiết, nhắc nhở tổ chức Đảng có thẩm quyền cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, cân nhắc kỹ càng trước khi ra quyết định kỷ luật để không xảy ra oan sai.

Sở dĩ Bộ Chính trị ban hành quy định này là vì trong thực tế đã xảy ra oan sai trong quá trình thi hành kỷ luật của Đảng. Cũng bởi, khác với xử lý oan sai trong hệ thống hành chính, thường được quyết định bằng các bản án tuyên công khai, xử lý kỷ luật Đảng thường tiến hành trong nội bộ, trên tinh thần chấp hành tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng.

Đây là lần đầu tiên Đảng ta có văn bản quy định chặt chẽ, hoàn chỉnh từ đối tượng áp dụng, hình thức tổ chức, thời hạn áp dụng… để khắc phục hậu quả đối với tổ chức Đảng, đảng viên bị kỷ luật oan sai. Không chỉ áp dụng với tổ chức Đảng, đảng viên đang làm việc, quy định này còn áp dụng cả những tổ chức Đảng đã giải tán, đảng viên đã qua đời, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

Nhìn lại hơn 93 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã từng nhận lỗi và chịu kỷ luật. Vì những sai lầm trong cải cách ruộng đất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải thay mặt Đảng, Chính phủ nhận khuyết điểm và xin lỗi toàn dân. Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Văn Lương cũng phải rút khỏi vị trí để nhận trách nhiệm về sai lầm trong công tác chỉnh đốn Đảng. Ngoài ra, nhiều vị lãnh đạo cao nhất trong Ban Chỉ đạo cải cách ruộng đất trung ương cũng nhận trách nhiệm về mình và chịu kỷ luật như Tổng Bí thư Trường Chinh xin từ chức; ông Hoàng Quốc Việt thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, ông Hồ Viết Thắng ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng…

Thiết nghĩ cũng không quên nhắc lại câu chuyện ông Kim Ngọc (tên thật là Kim Văn Nguộc)-Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú từng bị kỷ luật Đảng vì chủ trương “khoán hộ”. Nhưng năm 2009, Đảng, Nhà nước đã nhìn nhận lại, truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ông Kim Ngọc, đánh giá cao những đóng góp của ông vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, đặc biệt là chủ trương thực hiện đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp thông qua hình thức “khoán hộ”. Điều đó cho thấy, dù chưa có một văn bản xin lỗi chính thức nào, nhưng trong nhận thức, lãnh đạo Đảng đã nhận ra nỗi oan của ông và bày tỏ lòng biết ơn đối với công lao của ông. Nhất là khi từ chủ trương của ông mà Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 10 về khoán hộ, tạo nên sự thay đổi ngoạn mục trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Gây oan sai, tất phải xin lỗi. Đảng ta luôn công minh, rạch ròi công tội. Cán bộ, đảng viên vi phạm tất phải bị xử lý kỷ luật nghiêm minh. Ngược lại, nếu oan sai phải được xin lỗi, khắc phục và tôn vinh.

Tuy nhiên, không ai muốn có ngày được nhận lời xin lỗi ấy từ tổ chức. Bởi nhân cách, lòng tự trọng, sự nghiệp chính trị của mỗi người, một khi đã bị xâm phạm sẽ để lại nhiều hệ lụy. Có người vì đau buồn mà đã mất trước khi nhận được lời xin lỗi; có người khi được xin lỗi thì đã quá muộn, bởi gia đình, con cái đều đã phải gánh chịu hậu quả của những quyết định oan sai, có khi làm hỏng cả cuộc đời.

Vì vậy, vấn đề không phải là xin lỗi, khắc phục mà làm sao để không xảy ra oan sai trong thi hành kỷ luật Đảng mới là điều quan trọng nhất mà Quy định số 117-QĐ/TW muốn hướng đến. Vì thế, Quy định số 117 là lời cảnh báo đối với tổ chức Đảng có thẩm quyền khi ra quyết định kỷ luật và cán bộ tham mưu kỷ luật không thể tùy tiện, bất chấp quy định của Đảng, của pháp luật, vì động cơ không trong sáng, yêu ghét cá nhân hay vì một lợi ích nào đó mà ra quyết định kỷ luật không chính xác, thiếu công bằng, gây oan sai cho tổ chức Đảng và cá nhân cán bộ, đảng viên.

Dư luận xã hội cho rằng, đi liền với trách nhiệm xin lỗi, khắc phục khi để xảy ra oan sai trong việc thi hành kỷ luật Đảng cũng cần các biện pháp xử lý đối với tổ chức Đảng có thẩm quyền ra quyết định và cá nhân tham mưu kỷ luật, giúp hệ thống quản lý công tác cán bộ, đảng viên ngày càng hoàn chỉnh và chặt chẽ hơn, để công tác kỷ luật của Đảng thực sự là một trong những công cụ hữu hiệu bảo vệ sự trong sạch vững mạnh của Đảng ta.

Có thể bạn quan tâm

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.