Kỳ bí "rừng ma" của người Giẻ Triêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong cộng đồng người Giẻ Triêng ở vùng rẻo cao Bắc Tây Nguyên, thuộc làng Vai Trang, xã Đắk Long, huyện Đắk Glei (Kon Tum) đã từng tồn tại tục “thiên táng” kỳ bí cho người chết. Chất chứa trong tục lệ đó là nhiều điều nhuốm màu sắc tâm linh, huyền bí theo cộng đồng thổ dân và tín ngưỡng nguyên thủy...
Ám ảnh "rừng ma" Vai Trang
Chiều tà, ánh nắng cao nguyên óng ánh như rót mật thả ngang qua làng Vai Trang. Trên con đường làng lác đác vài người phụ nữ Giẻ Triêng gùi củi trên lưng trở về nhà chuẩn bị cho bữa cơm tối. Ngoài vẻ đẹp yên bình của ngôi làng Tây Nguyên, Vai Trang còn nổi tiếng với những câu chuyện tâm linh kỳ bí.
Đó chính là tục thiên táng của thổ dân Giẻ Triêng. Khu nghĩa địa treo trên mặt đất là vùng bất khả xâm phạm. Nơi chỉ dành riêng cho thế giới người chết mà theo tín ngưỡng của cộng đồng địa phương, người trần đặt chân tới sẽ bị trừng phạt, thậm chí phải đánh đổi bằng cả tính mạng nếu làm “con ma” nổi giận.
 
Những quan tài theo hình thức thiên táng tại “rừng ma” làng Vai Trang.
Sau nhiều ngày chuẩn bị, tôi quyết băng rừng, vượt núi đi tìm lời giải cho tập tục “thiên táng” ở khu nghĩa địa treo của làng Vai Trang, hay còn được cộng đồng thổ dân quen gọi là “rừng ma”. Nói tới “rừng ma”, cả làng Vai Trang ai cũng khiếp hãi và hầu như tất cả đều lảng tránh, không muốn nhắc tới khu vực “cấm kỵ” này.
Ngay cả những người lớn tuổi, có chức sắc trong làng như ông A Blă, trưởng làng Vai Trang cũng tỏ ra rụt rè khi tôi đặt vấn đề muốn tìm hiểu về khu nghĩa địa treo phía Tây của làng. Cái nhiệt thành của người Giẻ Triêng hôm nào trong con người A Blă hôm nay bỗng biến mất.
Như có một điều gì đó đang ngăn cản cuộc nói chuyện giữa chúng tôi, ông A Blă cố lái hướng câu chuyện, trả lời dè chừng khi nói về “rừng ma”. Mãi hồi lâu, tôi mới biết vì sao trưởng làng A Blă dè dặt khi nói về những cỗ quan tài treo trong khu nghĩa địa đến vậy.
Chuyện là cách đây vài năm, khi ấy A Blă cùng đoàn cán bộ vào khu “rừng ma” để khảo sát, tìm hiểu về tục thiên táng của người Giẻ Triêng xưa. Vài tháng sau, A Blă thấy trong người mệt mỏi, đổ bệnh. Cho rằng đã bị “con ma” ám hại, muốn bắt mình về thế giới bên kia nên gia đình A Blă tức tốc mổ bò, mời thầy về để cúng ma...
Từ đó đến nay, A Blă chết khiếp khi nói đến “rừng ma” phía Tây làng mình. Lúc tôi đặt vấn đề nhờ dẫn vào “rừng ma”, A Blă liền thoái thác ngay: “Mình sợ lắm, không dám đi nữa đâu. Vừa rồi mình đã làm thịt 2 con bò để cúng con ma, mình hết bò rồi không có để cúng nữa. Mình nghèo rồi, năm nay làm ăn vất vả khổ cực không đủ lo cho vợ con, nếu ra đó (rừng ma) không có bò cúng cho con ma là nó sẽ bắt mình đi theo nó”.
Đêm Vai Trang trầm mặc, đâu đó có tiếng nhạc cất lên từ một nóc nhà nào phía bên kia sườn đồi. Cuộc sống hiện đại đã thổi vào làng Vai Trang những luồng sinh khí mới của cuộc sống văn minh. Thế nhưng, trong tiềm thức của người Giẻ Triêng, “rừng ma” và thế giới người chết vẫn rất linh thiêng, kỳ bí, là nỗi ám ảnh qua nhiều đời.
Những cỗ quan tài treo trên mặt đất      
Trưa hôm sau, khi mặt trời đã đứng bóng, tôi lần vào khu “rừng ma” theo hướng chỉ tay của trưởng làng A Blă. Cách làng chưa đầy 2km, “rừng ma” nằm ở phía mặt trời lặn, tĩnh mịch đến lạ thường. Khu “rừng ma” không có những cây cổ thụ nhưng âm u bởi cây bụi rậm rạp, um tùm che khuất.
 
Nhiều cổ vật được chia cho người chết tại “rừng ma” Vai Trang.
Cơn gió trưa xào xạc thổi qua giật vài chiếc lá lồ ô rơi xào xạo khiến tôi nổi da gà, chân lông dựng ngược. Cố lấy hết can đảm, tôi dùng dao phát bụi cây gần nhất để bước sâu vào bên trong, một mùi lờm lợm xộc vào mũi. Thế rồi, những chiếc quan tài cũ kỹ cũng hiện hữu trước mắt tôi.
“Rừng ma” hoang phế, không ai hương khói, từng mẩu xương người lộ rõ trên mặt đất. Dù không sợ “con ma” bắt đi như người Giẻ Triêng nhưng từ khi đặt chân vào khu nghĩa địa treo huyền bí này, bất cứ ai dù can đảm tới đâu cũng phải hồi hộp, “cảnh giác” cao độ. Tôi lăm lăm con dao phát rẫy trong tay.
Tôi tiến đến hai chiếc quan tài đẹp nhất “rừng ma”, được đặt song song nhau, đầu hướng thẳng về phía làng Vai Trang. Trước khi vào “rừng ma”, trưởng làng A Blă đã giới thiệu người nằm trong cỗ quan tài ấy là vợ chồng A Brót - Y Bay. Bộ quan tài bằng nhôm, được treo trên 4 cọc gỗ kiên cố to bằng bắp đùi người lớn.
Điều này cho thấy người nằm trong đó từng thuộc dòng dõi của gia đình giàu có, quyền quý bậc nhất trong làng. Phía dưới của hai quan tài là lỉnh kỉnh những đồ vật mà gia đình chia cho người chết đem về thế giới bên kia. Nổi bật lên là hai chiếc ghè rượu cổ, một cái còn khá nguyên vẹn.
Theo ông A Blă, con cháu của vợ chồng ông A Brót là những người giàu có và họ đặt mua cặp quan tài cho ông bà với giá hàng chục triệu đồng. Đây cũng là hai người cuối cùng của cộng đồng Giẻ Triêng ở làng Vai Trang được an táng theo tục lệ này.
Trong khu “rừng ma”, nhiều quan tài được làm bằng gỗ quý chúc đầu xuống đất bởi cọc đỡ đã mục nát. Hầu hết những chiếc quan tài trên được treo cách đất không quá 70cm. Lý giải điều này, một số người lớn tuổi làng Vai Trang cho rằng để “con ma” tiện bề đi lại. Những cỗ quan tài trong khu “rừng ma” đều được làm từ các loại gỗ tốt. Khi gỗ rừng dần khan hiếm và bị cấm khai thác, người dân Vai Trang bắt đầu mua những cỗ quan tài bằng nhôm hoặc tự chế bằng tôn sắt.
Với người Giẻ Triêng ở Vai Trang, người sống ứng xử với người chết như ứng xử với một đấng siêu nhiên, có sức mạnh vạn năng khiến người sống vừa thuần phục, vừa sợ hãi. Do vậy, dù rất thương nhớ người chết nhưng khi đã đưa ra “rừng ma” thì không ai dám đặt chân tới để thăm mộ nữa.
Ngày nay, người Giẻ Triêng ở Bắc Tây Nguyên không còn duy trì tục thiên táng. Người chết mặc dù không bị lấp xuống lòng đất nhưng được xây gạch bao quanh quan tài để nổi trên mặt đất. Cộng đồng Giẻ Triêng ở vùng đất Bắc Tây Nguyên có một niềm tin tuyệt đối vào tâm linh, nhất là linh hồn người chết.
Theo quan niệm của người đang sống, người chết có một sức mạnh hãi hùng làm khuynh đảo trật tự cõi trần. Linh hồn người chết có quyền bắt những người đang sống phải chết nếu làm họ phật ý. Chính vì tín ngưỡng tuyệt đối đó nên chẳng may trong gia đình có người chết, những thành viên còn lại phải lo chôn cất, cúng vái theo đúng phong tục tín ngưỡng của cộng đồng Giẻ Triêng. Mọi sơ suất đều có thể dẫn đến những tác hại khôn lường về sau, lúc “con ma” bỗng nhiên “nổi giận”. 
Theo trưởng làng A Blă, người Giẻ Triêng ở Kon Tum có nhiều hình thức mai táng người chết nhưng nổi bật là tục thiên táng trên mặt đất. Đây là hình thức an táng chỉ dành riêng cho những gia đình quyền quý và có tầm ảnh hưởng nhất định đối với cộng đồng. Để chứng minh những lời vừa nói, trưởng làng Vai Trang, ông A Blă dẫn chúng tôi đến bên cỗ quan tài được gia đình chuẩn bị sẵn cho cụ A Nan, bố vợ ông.
Cỗ quan tài nguyên là một khối gỗ lớn, nặng đến cả tấn cho thấy sự kỳ công của gia chủ khi tìm cây gỗ lớn làm áo quan cho cha vợ. Để có được cỗ quan tài này, cách đây từ nhiều năm, gia đình ông A Blă đã phải huy động gần 30 trai tráng khỏe nhất làng vào rừng sâu săn lùng, làm việc liên tục 3 ngày liền mới đưa được khối gỗ về nhà. Theo ông A Blă, đây là một bộ quan tài rất quý bởi nó bằng gỗ sao, nay không dễ tìm ra.
 
Tục thiên táng của người Giẻ Triêng Bắc Tây Nguyên nhuốm màu kỳ bí.
Theo thời gian, nhưng ngôi mộ thiên táng ở Bắc Tây Nguyên hư hỏng rồi mất dần. Hiện cả làng Vai Trang chỉ còn hơn 10 chiếc quan tài treo trong rừng. Tương lai không xa, những cỗ quan tài ở “rừng ma” chỉ còn sót lại trong tiềm thức của cộng đồng Giẻ Triêng về một lối tâm linh kỳ bí.
Khoảng 30 năm qua, được sự tuyên truyền của cán bộ địa phương cùng các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn, tục táng treo trên cây của người Giẻ Triêng ở Bắc Tây Nguyên không còn nữa. Tuy nhiên, người chết vẫn không được chôn cất xuống lòng đất mà xây bệ bằng xi măng nổi trên mặt đất rồi cho quan tài vào. Hầu hết các làng mà chúng tôi đi qua, theo lời kể của những người lớn tuổi, xưa kia đều có tục “táng treo” nhưng sau giải phóng, những tập tục này đã vơi dần rồi mất hẳn.
Hiện những ngôi mộ an nghỉ theo hình thức thiên táng trong các khu rừng rậm chỉ còn ghi nhận ở làng Biên Loong, Đắk Xay, Dục Lang và Vai Trang, xã Đắk Long, huyện Đắk Glei (Kon Tum). Nhưng với người Giẻ Triêng ở Bắc Tây Nguyên, “thiên táng” vẫn là một sự kỳ bí và ẩn chứa nhiều nỗi niềm thuộc về tâm linh, tín ngưỡng thổ dân mà mỗi khi nhắc tới “rừng ma” khiến ai cũng phải khiếp vía.
Ngô Khắc Lịch (Cảnh sát toàn cầu Online)

Có thể bạn quan tâm

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Mùa vàng dưới những rặng cây

Mùa vàng dưới những rặng cây

Những quả cây vàng ươm rụng xuống nằm lổn nhổn dưới rừng cây đã đến mùa thu hoạch. Từng đoàn người lụm cụm nhặt lấy phần hạt tinh túy nhất mang về cho chủ vườn, đưa vào các nhà máy, chế biến thành loại hạt giá trị cao cung ứng cho thị trường khắp thế giới.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.