Kiến nghị xử lý chủ đầu tư giải ngân dưới 60%

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tính đến ngày 30-9, khối lượng vốn đầu tư công toàn tỉnh thực hiện hơn 1.333 tỷ đồng, đạt 52,12% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân gần 1.596 tỷ đồng, đạt 62,4% kế hoạch. Tuy là tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao so với mức trung bình cả nước, song vẫn còn một số chủ đầu tư giải ngân nguồn vốn này chưa đạt yêu cầu.

Cải tạo, nâng cấp đường Lê Duẩn (đoạn trước Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy
Cải tạo, nâng cấp đường Lê Duẩn (đoạn trước Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Kế hoạch vốn đầu tư công của Gia Lai được giao năm 2021 (kể cả vốn năm 2020 chuyển tiếp sang) là 3.573,5 tỷ đồng, trong đó, kế hoạch vốn từ đầu năm giải ngân là 2.558,3 tỷ đồng (do số thu tiền sử dụng đất kế hoạch năm 2021 giao đợt 1 là 608,452 tỷ đồng, tuy nhiên dành cho đầu tư là 468,037 tỷ đồng, còn lại 140,415 tỷ đồng chi đền bù giải phóng mặt bằng nên không tính vào số giải ngân của kế hoạch). Sau khi Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn ngân sách địa phương là 752,191 tỷ đồng và ngân sách trung ương là 263 tỷ đồng.

Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Hàng tuần, UBND tỉnh tổ chức đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công và chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với các dự án trọng điểm. Tính đến ngày 30-9, đối với nguồn vốn giao từ đầu năm, khối lượng thực hiện là 1.333,5 tỷ đồng, đạt 52,12% kế hoạch vốn; giải ngân 1.595,7 tỷ đồng, đạt 62,4% kế hoạch vốn đã giao. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương, khối lượng thực hiện được 790,5 tỷ đồng, đạt 58,3% kế hoạch; giải ngân 798,7 tỷ đồng, đạt 58,9% kế hoạch. Đối với vốn ngân sách trung ương, khối lượng thực hiện được 354 tỷ đồng, đạt 41,1% kế hoạch vốn đã giao; giải ngân 575,5 tỷ đồng, đạt 67% kế hoạch. Còn nguồn vốn năm 2020 chuyển tiếp sang năm 2021 thực hiện được 189 tỷ đồng, đạt 55,6% kế hoạch; giải ngân được 221,5 tỷ đồng, đạt 65,11% kế hoạch.

Đối với các dự án khởi công mới năm 2021 (giao đợt 3), theo Quyết định số 505/QĐ-UBND ngày 11-8-2021 của UBND tỉnh, có 31 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương đã được giao là 752,191 tỷ đồng. Hiện nay, 18 dự án đang lập hồ sơ thiết kế dự toán, 7 dự án đã tổ chức đấu thầu, 6 dự án đã thi công. Đến ngày 30-9, tỉnh ta giải ngân 104,1 tỷ đồng, đạt 13,84% kế hoạch. Còn vốn ngân sách trung ương giao đợt 3 theo Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 24-9-2021 của UBND tỉnh là 263 tỷ đồng hiện đang triển khai các thủ tục lập thiết kế, dự toán công trình.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 30-9, toàn tỉnh có 18 chủ đầu tư giải ngân đạt trên 60% và 9 chủ đầu tư giải ngân dưới 60%. Các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp như: Sở Nông nghiệp và PTNT là 20,5%; các ban quản lý rừng phòng hộ 33,1%; huyện Ia Pa 37,2%; huyện Đak Pơ 40,5%; thị xã Ayun Pa 47,1%...

Thi công tỉnh lộ 665 (huyện Chư Prông). Ảnh: Hà Duy
Thi công tỉnh lộ 665 (huyện Chư Prông). Ảnh: Hà Duy
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải xử lý nghiêm các chủ đầu tư cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của tổ chức, cá nhân liên quan. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc phát sinh, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình hình thực hiện giải ngân 8 tháng năm 2021 của cả nước chỉ đạt 183.320 tỷ đồng, đạt 39,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng); dự kiến giải ngân đến ngày 30-9 là 218.550 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch. Nói về nguyên nhân chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lý giải: Ngoài một số nguyên nhân tồn tại cố hữu (công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu; tính chất đặc thù của chi đầu tư là giao vốn đầu năm, quyết toán cuối năm), năm 2021 xuất hiện thêm một số nguyên nhân như: đây là năm chuyển tiếp giữa 2 nhiệm kỳ và kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự; năm đầu tiên của chu kỳ kế hoạch mới, ưu tiên đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới. Trong khi phải dồn tâm sức và nguồn lực cho công tác phòng-chống đại dịch, nhiều tỉnh, thành phải thực hiện các biện pháp giãn cách.

Ông Đinh Hữu Hòa cho hay: Ngay từ đầu năm, tỉnh cũng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả giải ngân. Ngày 19-8, Chủ tịch UBND tỉnh có Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố phải xem xét năng lực của trưởng ban quản lý dự án các cấp, nếu không có khả năng, thiếu quyết liệt, không hoàn thành nhiệm vụ thì thay thế ngay. Đặc biệt, đối với các dự án đầu tư công do địa phương quản lý đến ngày 30-9 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn đã được giao từ đầu năm thì Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo, tham mưu trình cấp có thẩm quyền điều chuyển sang các dự án có tiến độ giải ngân cao. Đồng thời, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh phê bình các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân không đạt theo cam kết.

 

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.