Việc máy bay tiêm kích Trung Quốc bay liên tục 10 tiếng ở Biển Đông báo hiệu những rủi ro lớn khi không quân nước này có thể tăng cường năng lực tác chiến ở Biển Đông.
Máy bay chiến đấu Trung Quốc bay qua bãi đá Xu Bi hồi tháng 8.2020 - Ảnh: Truyền hình tỉnh Hồ Nam |
Hôm qua 8.11, đài CGTN của Trung Quốc đăng tải đoạn video có nội dung “khoe” rằng máy bay tiêm kích của nước này vừa bay liên tục 10 tiếng ở Biển Đông. Đây là “kỷ lục” mới nhất của không quân nước này, trong khi “kỷ lục” trước đó là 8 tiếng 30 phút.
Tuy nhiên, đoạn clip trên không nêu chi tiết là lần xuất kích trên được thực hiện từ thời điểm nào, hành trình bay từ đâu đến đâu…
Hình ảnh 4 máy bay Su-30 tham gia hoạt động bay 10 tiếng liên tục ở Biển Đông hồi tháng 8.2020 - Ảnh: Truyền hình tỉnh Hồ Nam |
Máy bay tiêm kích bay liên tục 10 tiếng
Trong khi đó, vào tháng 8 vừa qua, tờ Hoàn Cầu thời báo có bài viết cho biết không quân Trung Quốc vừa điều động máy bay tiêm kích Su-30 thực hiện chuyến bay dài liên tục 10 tiếng ở Biển Đông.
Theo đó, chuyến bay được thực hiện bởi lực lượng không quân của Chiến khu Nam bộ của quân đội Trung Quốc và hành trình bay kéo dài đến tận bãi đá Xu Bi ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Bài báo tiết lộ, trong chuyến bay, máy bay Su-30 đã được tiếp dầu trên không một lần và phi công đã ăn trong quá trình bay để phục hồi sức khỏe, bởi bình thường thì một chuyến bay của phi công lái máy bay tiêm kích chỉ kéo dài khoảng 4-5 tiếng.
Hoàn Cầu thời báo dẫn lời một chuyên gia quân sự nước này cho rằng diễn biến vừa nêu “mang giá trị quan trọng” trong hoạt động của không quân nước này ở Biển Đông.
Thực tế, thời gian qua, Trung Quốc đã xây dựng nhiều hạ tầng để phục vụ việc triển khai máy bay chiến đấu ở các bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Tuy nhiên, bài báo tiết lộ việc bảo trì chiến đấu cơ của Trung Quốc ở các thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa đang gặp khó khăn vì nhiều lý do. Vì thế, không quân nước này cần tăng cường năng lực tấn công tầm xa để triển khai tác chiến ngay từ các căn cứ trong đại lục.
Cùng thời điểm tờ Hoan Cầu thời báo đăng tải thông tin trên, truyền hình chính quyền tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) cũng đăng tải đoạn clip được cho là đã ghi lại từ hoạt động của phi vụ xuất kích trên. Trong đó, hình ảnh cho thấy có 4 máy bay Su-30 tham gia và có cả hình ảnh tiếp nhiên liệu trên không.
Máy bay chiến đấu Trung Quốc tiếp nhiên liệu trên không trong phi vụ bay ở Biển Đông suốt hơn 8 tiếng hồi tháng 8.2020 - Ảnh: Truyền hình tỉnh Hồ Nam |
Nhiều ý đồ
Với các máy bay ném bom chiến lược tầm xa như H-6 mà Trung Quốc đang có, thì việc thực hiện các chuyến bay liên tục 10 tiếng không hề quá khó, bởi tính chất của loại máy bay này khác với máy bay tiêm kích.
Thế nhưng, việc thực hiện chuyến bay dài như vậy là thách thức lớn của máy bay tiêm kích, vì đòi hỏi năng lực của phi công và hệ thống hỗ trợ tương ứng, theo TS.Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét khi trả lời Thanh Niên.
Trong khi đó, các máy bay ném bom tầm xa luôn cần sự hộ tống của máy bay tiêm kích. Vì thế, máy bay tiêm kích cũng phải nâng cao năng lực bay liên tục trong thời gian dài để đảm nhiệm việc bảo vệ máy bay ném bom tầm xa. Có như thế, thì không quân Trung Quốc mới có thể đủ khả năng thực hiện các phi vụ tấn công tầm xa với máy bay ném bom. Vì đây là loại chiến đấu cơ có thể mang theo lượng lớn vũ khí chiến lược, trong đó thậm chí bao gồm cả bom và tên lửa chứa đầu đạn hạt nhân.
Chính vì thế, việc máy bay tiêm kích Trung Quốc thực hiện chuyến bay liên tục 10 tiếng cho thấy nước này đã có bước tiến mới về năng lực tấn công tầm xa ở Biển Đông. Điều đó ẩn chứa rủi ro không hề nhỏ cho Biển Đông khi Bắc Kinh không ngừng thể hiện tham vọng độc chiếm ở vùng biển này.
Theo HOÀNG ĐÌNH (thanhnien)