Không học sinh nào bị bỏ lại phía sau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Em nào cũng có thể tiến bộ hơn so với ngày hôm qua”-Đó là niềm tin kiên định của cô Nguyễn Thị Minh-Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Chí Thanh (xã Ia Bă, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) trong suốt 13 năm gắn bó với nghề.

Trên hành trình ấy, cô giáo trẻ luôn tận tâm đồng hành và không ngừng sáng tạo, quyết không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

1. Năm ngoái, một người quen đã giới thiệu với tôi về cô Nguyễn Thị Minh khi cô được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”. Thế nhưng, mãi đến chương trình gặp mặt, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2024 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức mới đây, tôi mới có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện cùng cô giáo sinh năm 1988 này.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn (bìa phải) và Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long (bìa trái) trao biểu trưng của tỉnh và bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho cô giáo Nguyễn Thị Minh vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác giai đoạn 2021-2024. Ảnh: Đ.T

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn (bìa phải) và Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long (bìa trái) trao biểu trưng của tỉnh và bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho cô giáo Nguyễn Thị Minh vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác giai đoạn 2021-2024. Ảnh: Đ.T

Như đã hẹn, tôi tìm về điểm Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Chí Thanh tại làng Păng Gol-Phù Tiên. Dưới nắng sớm, 2 cây phượng trước cổng khoe sắc đỏ rực, báo hiệu mùa hè đang “gõ cửa”. Lớp 1A do cô Minh chủ nhiệm nằm ở dãy phòng học bên phải. Trên bục giảng, trong bộ áo dài xinh xắn, cô Minh nắn nót từng nét phấn viết bài thơ “Gửi lời chào lớp một”. Bên dưới, những học trò nhỏ ngồi chăm chú dõi theo, rồi chậm rãi chép vào vở.

Sau đó, cô Minh bắt đầu đi từng bàn kiểm tra học sinh luyện chữ. Thỉnh thoảng, cô dừng lại, nhẹ nhàng nhắc nhở những em ngồi chưa đúng tư thế hoặc nét chữ còn nguệch ngoạc. Xoa đầu cậu học trò nhỏ, cô giới thiệu với tôi: “Đây là em Hoàng Tuấn Kiệt. Khoảng thời gian đầu tới lớp, Kiệt khá nhút nhát, học lực cũng yếu hơn so với các bạn. Việc đọc và viết tiếng Việt đối với em vô cùng khó khăn. Vậy là, cô trò cùng quyết tâm đồng hành, nỗ lực cùng nhau. Đến nay, Kiệt đã có sự tiến bộ rõ rệt”.

Vừa nắn nót từng nét chữ, Kiệt vừa thủ thỉ: “Con rất thích đi học. Đến trường, cô Minh và các bạn chỉ cho con cách đọc, viết, cách làm toán sao cho nhanh và đúng. Về nhà, con tự luyện tập vào buổi chiều và tối. Giờ con đã đọc, viết được, con vui lắm!”.

Kiệt không phải là trường hợp duy nhất được cô Minh quan tâm dìu dắt. Trong quá trình đứng lớp, nhận thấy em nào học yếu, chậm là cô can thiệp ngay. Bên cạnh đó, cô còn tìm tòi, áp dụng nhiều sáng kiến trong giảng dạy một cách phù hợp nhằm giúp học trò tiến bộ hơn mỗi ngày, đặc biệt là từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cô Minh chia sẻ: Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 1. Tôi được phân công dạy ở điểm trường làng Bek. Lớp có hơn 70% học sinh dân tộc thiểu số. Nhận thấy kỹ năng học Toán của các em còn hạn chế, thiếu sự hứng thú, tôi đã tự làm và sử dụng linh hoạt đồ dùng trực quan để dạy học gắn với các trò chơi nhỏ. Sau một thời gian, các em có sự tiến bộ rõ rệt.

Những năm sau đó, cô Minh tiếp tục có những sáng kiến hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của lớp chủ nhiệm. Riêng năm học 2023-2024, cô Minh đã triển khai hiệu quả một số biện pháp luyện đọc cho học sinh lớp 1; qua đó, giúp một số em còn đọc yếu, chưa thành thạo từng bước hoàn thiện kỹ năng và bắt kịp với tiến độ học tập của cả lớp.

“Khi học sinh đọc tốt, viết tốt thì mới có thể tiếp thu các môn học khác một cách chủ động và chắc chắn; từ đó, hoàn thành được năng lực giao tiếp của mình. Tôi từng trăn trở rất nhiều để tìm cách luyện đọc cho học sinh, nhất là rèn cho các em không chỉ đọc được chữ cái, nhớ được mặt chữ mà còn phải đọc được câu, đoạn bài có trong văn bản”-cô Minh tâm sự.

Ngoài việc không ngừng sáng tạo trong giảng dạy, cô Minh còn tự bỏ tiền mua sách giáo khoa, vở luyện viết, dụng cụ học tập… tặng những học sinh có nhiều tiến bộ trong năm học. Cô còn làm tốt vai trò cầu nối, gắn kết giữa học sinh người Kinh với người dân tộc thiểu số, từng bước tạo sự cân bằng và động lực học tập trong tất cả học sinh. Ở tất cả các lớp do cô giảng dạy, 2 đối tượng học sinh này hoàn toàn không có sự tách biệt mà lúc nào cũng đoàn kết, sẵn sàng giúp nhau cùng tiến bộ.

2. “Có bao giờ chị hối hận khi chọn trở thành giáo viên?”-tôi hỏi. Cô Minh mỉm cười, từ tốn đáp: “Câu nói “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thường dành cho học trò. Vậy mà, nó cũng thật sự đúng với tôi khi đứng trên bục giảng. Mọi phiền muộn, lo toan trong cuộc sống được trút hết ngoài cổng trường, chỉ còn lại sự thoải mái, vui vẻ với đồng nghiệp và học trò. Nhìn tụi nhỏ chăm chỉ học tập, tiến bộ từng ngày, tôi thấy hạnh phúc lắm”.

Cô Nguyễn Thị Minh luôn tận tâm đồng hành cùng học trò. Ảnh: M.T

Cô Nguyễn Thị Minh luôn tận tâm đồng hành cùng học trò. Ảnh: M.T

Cô Minh là kết tinh tình yêu của đôi vợ chồng quê Hà Tĩnh trên quê hương thứ hai (xã Ia Nhin, huyện Chư Păh). Lớn lên trong khó khổ nên cô bé Minh dù đã 6 tuổi nhưng vẫn bé tí. Để con chững chạc, khỏe mạnh hơn khi vào tiểu học, bố mẹ quyết định cho con học thêm 1 năm mẫu giáo.

Tình yêu với nghề “gõ đầu trẻ” nhen nhóm trong cô từ những trò chơi dạy học hay chấm bài lúc còn bé, rồi cứ lớn dần lên trong 12 năm học phổ thông. Trong hành trang của tuổi học trò, cô gặp được những giáo viên tâm huyết. Họ là người truyền cảm hứng mạnh mẽ để bản thân nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo. Năm 2007, mặc dù trượt nguyện vọng vào Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, song cô không hề nản chí. Năm kế tiếp, cô tiếp tục theo đuổi đam mê và trở thành tân sinh viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.

Năm 2011, với tấm bằng loại khá, cô Minh trúng tuyển về Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (xã Ia Krái, huyện Ia Grai). Được phân công chủ nhiệm lớp 1, thời gian đầu, cô giáo trẻ không khỏi bỡ ngỡ; việc lên lớp và tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng tình yêu nghề mến trò, cô đã dần vượt qua, chứng minh năng lực cũng như tạo dựng được niềm tin trong học sinh, phụ huynh và tập thể sư phạm nhà trường.

Sau 6 năm gắn bó với học trò vùng biên, năm 2017, cô Minh được cấp trên tạo điều kiện chuyển công tác về Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (nay là Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Chí Thanh, xã Ia Bă) để gần gia đình. Với môi trường mới, điều kiện học tập của học sinh mới ít thuận lợi hơn đã tạo động lực để cô nỗ lực, sáng tạo không ngừng, đặc biệt là quyết tâm không để trò nào bị bỏ lại phía sau trên hành trình chinh phục giấc mơ tri thức.

Cô Minh (thứ 2 từ phải sang) cùng các giáo viên trong tổ chuyên môn khối 1 họp bàn, tìm giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh. Ảnh: Mộc Trà

Cô Minh (thứ 2 từ phải sang) cùng các giáo viên trong tổ chuyên môn khối 1 họp bàn, tìm giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh. Ảnh: Mộc Trà

Nhắc đến cô giáo Minh, nhiều phụ huynh không ngớt lời khen ngợi. Chị Đồng Thị Thu Hà (thôn Chư Hậu 6, xã Ia Bă) bày tỏ: “Vì hoàn cảnh nên vợ chồng tôi phải vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân. Con trai tôi (Hoàng Tuấn Kiệt-P.V) ở nhà thiếu người bên cạnh bảo ban, kèm cặp nên sức học yếu dần.

Chính cô Minh đã chủ động liên hệ và phối hợp với gia đình để dìu dắt, giúp đỡ con. Cô luôn nhiệt tình, yêu thương, sẵn sàng đồng hành cùng con mọi lúc mọi nơi. Nhờ vậy, từ một cậu bé nhút nhát, đến nay, con đã hòa đồng, vui vẻ hơn khi đến trường; khả năng nghe-nói-đọc-viết cũng dần trôi chảy. Chúng tôi biết ơn cô Minh rất nhiều”.

Còn cô Hoàng Thị Kim Cúc cũng dành những lời có cánh khi nói về đồng nghiệp: “Từ khi chuyển công tác về trường, cô Minh luôn cho thấy tinh thần tiên phong, năng động, nhiệt tình của một giáo viên trẻ. Không chỉ vững chuyên môn, cô Minh còn tích cực sáng tạo, cùng với các giáo viên trong tổ chuyên môn khối 1 tìm giải pháp để giúp học sinh tiến bộ và tốt lên từng ngày. Đáng nói là dù đạt được nhiều thành tích trong dạy học, song cô Minh sống rất khiêm tốn, chan hòa cùng đồng nghiệp”.

Trao đổi với P.V, cô Dương Thị Thoa-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Lớp 1 là lớp học nền tảng đối với mỗi học sinh. Vì vậy, nhà trường luôn cân nhắc trong việc lựa chọn giáo viên đảm nhận giảng dạy khối lớp này. Với chuyên môn giỏi, tính cách nhẹ nhàng, nhiệt tình, yêu thương học trò, những năm qua, cô Nguyễn Thị Minh đã làm tốt vai trò chủ nhiệm, tổ trưởng tổ chuyên môn khối lớp 1, được đồng nghiệp, phụ huynh học sinh trân quý. Cô Minh cũng là một đảng viên gương mẫu, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.


Cô Dương Thị Thoa-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Chí Thanh: Trong các cuộc họp, cô Nguyễn Thị Minh luôn chủ động nêu thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp với nhà trường trong việc ôn tập, phụ đạo, tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Hàng năm, lớp do cô Minh chủ nhiệm đạt tỷ lệ học sinh biết đọc, biết viết khá cao; 100% học sinh hoàn thành chương trình học.

Có thể bạn quan tâm

"Bữa sáng yêu thương" do Đoàn phường Cheo Reo triển khai đã giúp các em học sinh nghèo thêm yêu trường, mến lớp, đi học chuyên cần. Ảnh: V.C

Mang "Bữa sáng yêu thương" đến với học sinh nghèo

(GLO)- Những “Bữa sáng yêu thương” do tuổi trẻ phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) triển khai tại 2 điểm lẻ của Trường Mầm non Hoa Hồng đã và đang lan tỏa tình yêu thương, giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, tiếp tục gắn bó với trường lớp.

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều trường học có cổng ra vào nằm cạnh đường quốc lộ và tỉnh lộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần triển khai các giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh.

Cô giáo Huỳnh Thị Cẩm Hồng: Kiên trì "ươm mầm" tri thức ở vùng khó

Cô giáo Huỳnh Thị Cẩm Hồng: Kiên trì "ươm mầm" tri thức ở vùng khó

(GLO)- Suốt 7 năm công tác tại điểm trường làng Châu (Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến, xã Chư Krêy, huyện Kông Chro), cô Huỳnh Thị Cẩm Hồng luôn vượt khó kiên trì bám lớp. Càng thương học trò, cô càng quyết tâm "ươm mầm" tri thức, giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.