Thảo luận tại Quốc hội ngày 23-5, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) đã bày tỏ sự “sốt ruột” với việc triển khai Đề án một triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) hiện nay, khi tỷ lệ giải ngân nguồn vốn tín dụng của chương trình quá thấp, quá chậm, NƠXH khan hiếm, trong khi hàng chục ngàn căn nhà ở tái định cư thì đang để không; còn người dân thì vẫn đang vật vã với công cuộc tìm một chỗ ở ổn định để an cư lạc nghiệp.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) nêu thực tế ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, nhiều căn hộ chung cư từng dùng làm bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 giờ bị bỏ không. Quận Gia Lâm cũng có hàng loạt chung cư, căn hộ tái định cư bỏ trống.
ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) dẫn con số mà báo chí phản ánh gần đây: TPHCM có hơn 14.000 căn hộ tái định cư bị bỏ trống; tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Hà Nội. Điều này rất lãng phí nguồn lực, trong khi người dân thì thiếu chỗ ở, giá chung cư đang không ngừng tăng cao.
Từ thực tế đó, ĐB Nguyễn Lân Hiếu gợi ý phải có giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề NƠXH, trong đó có thể thực hiện đấu giá hoặc chuyển mục đích sử dụng của nhà tái định cư sang NƠXH hoặc cho thuê. ĐB Phạm Đức Ấn (Hà Nội), Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Agribank cũng đề xuất Hà Nội đầu tư vào NƠXH sau đó cho thuê dài hạn nhằm giải quyết bài toán nhà ở cho người lao động thu nhập thấp, công nhân. Nếu Nhà nước được quyền phát hành trái phiếu thì lãi suất rất thấp, chỉ 3%-4%, người dân thuê nhà cũng có giá hấp dẫn; khi có lãi suất tốt, có thể xây được khu NƠXH với đầy đủ hạ tầng, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân.
Thời gian qua, Chính phủ đã rất quan tâm việc triển khai Đề án xây dựng ít nhất một triệu căn hộ NƠXH, đã ban hành tới 40 văn bản liên quan chỉ đạo việc triển khai đề án. Từ năm 2021 đến nay, cả nước có 503 dự án NƠXH đã được triển khai với quy mô 418.200 căn, trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 75 dự án với quy mô 39.884 căn. Số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 128 dự án với quy mô 115.379 căn. Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho NƠXH, đến nay các ngân hàng thương mại mới chỉ giải ngân với số tiền là 1.144 tỷ đồng. Đây là con số quá thấp so với mong muốn thực hiện đề án.
Có nhiều nguyên nhân khiến đề án triển khai chậm cũng như việc giải ngân nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng quá ít mà qua các cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra rất rõ và đưa ra các chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, cho đến nay, kết quả vẫn chậm. Thực tế bức xúc đó khiến nhiều ĐB đề nghị cần phải làm rõ trách nhiệm các cơ quan có liên quan, vì sao chính sách rất tốt, rất nhân văn, người dân rất mong mỏi, nhưng lại chậm được triển khai thực hiện.
Việc phát triển NƠXH là chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng, góp phần cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng về an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không để ai bị bỏ lại phía sau. Phát triển NƠXH cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ người khó khăn, nhất là gia đình trẻ, người mới xây dựng gia đình, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, thành phố lớn, góp phần giải tỏa bức xúc xã hội.
Do đó rất cần các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc quyết liệt, tích cực với các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể, không để người dân thất vọng. Các thủ tục, điều kiện cho người vay vốn để đầu tư NƠXH và người mua, thuê, thuê mua phải đơn giản hơn để người dân tiếp cận. Trong đó, cần sớm nghiên cứu, cung cấp gói tín dụng cho người mua, mở rộng gói tín dụng, kéo dài thời gian vay lên 10-15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 3%-5% so với vay thương mại thông thường cũng như thành lập Quỹ về NƠXH mà Thủ tướng đã chỉ đạo.