Tuy nhiên, mới đây, Chính phủ đã đồng ý tăng học phí theo Nghị định 81 từ năm học 2023-2024. So với mức trần học phí năm 2022-2023, mức học phí đại học tăng khá nhiều. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng của Bộ GD-ĐT hoặc đạt kiểm định nước ngoài, trường đại học được tự quyết học phí.
Tùy mô hình trường đại học, chương trình đào tạo, mức thu học phí sẽ khác nhau. Đơn cử như Trường Đại học Ngoại thương, học phí dự kiến năm học 2023-2024 với chương trình đại trà là 25 triệu đồng/năm, chương trình chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế là 45 triệu đồng/năm (cùng tăng 5 triệu đồng so với hiện nay). Trong khi đó, học phí với chương trình tiên tiến dự kiến lên tới 70 triệu đồng/năm, tức là gấp gần 3 lần so với chương trình đại trà. Học phí đại học tăng cao khiến một số lượng lớn sinh viên ngoại tỉnh, sinh viên là con em hộ nghèo thành thị, sẽ vất vả hơn rất nhiều. Không ít sinh viên phải đi làm thêm để xoay xở kiếm thêm tiền lo trang trải cuộc sống.
Việc các trường đại học tăng học phí là xu thế tất yếu, mục đích là tạo thêm nguồn thu đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo. Vấn đề là học phí ngày càng tăng nhưng chất lượng đào tạo có tương đồng? Đó là điều mà xã hội quan tâm. Vấn đề này cũng được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề cập tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đang diễn ra. ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh, cho rằng, cơ chế tự chủ đã làm cho cạnh tranh giữa các trường đại học ngày càng gay gắt hơn. Bên cạnh những điều tích cực nhờ tự chủ mang lại thì nhiều trường chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, đặc biệt là trong đào tạo thạc sĩ; chất lượng giảng dạy không còn là mối quan tâm hàng đầu nữa mà thay vào đó là nguồn thu, là số lượng sinh viên, học viên có thể tuyển sinh. ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên), nguyên giảng viên Học viện Báo chí - Tuyên truyền, nhìn nhận, tự chủ đại học có những quy định, những lối mở để cho các trường vận dụng và nhiều khi rất thoáng theo chính sách, minh chứng rõ nhất là học phí đại học đang tăng lên rất cao.
Nghị định 81 cho phép các trường được tự quyết mức học phí nếu như kiểm định chương trình đào tạo, dẫn đến “một làn sóng” các trường đua nhau thực hiện kiểm định để tăng học phí. Theo ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa, có những trường không mở ngành học bình thường nhưng lại mở ngành chất lượng cao của chính ngành học ấy để thu học phí cao. Ở một số trường, ngành chất lượng cao nhưng điểm đầu vào thấp hơn cả ngành chất lượng bình thường và chỉ tăng thêm một số môn học tiếng Anh, rồi sau khi kiểm định xong thì tăng học phí.
“Bài toán” cho chính sách học phí là vừa phải nâng cao chất lượng giáo dục, đời sống giáo viên, vừa phù hợp với khả năng chi trả của người dân, không làm mất đi cơ hội học tập của sinh viên. Tới đây, chúng ta sẽ áp dụng chính sách học phí đại học theo hướng tính đúng, tính đủ để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, nghề nghiệp. Nhưng vấn đề quan trọng là phải có cơ chế kiểm soát, hậu kiểm để bảo đảm việc tăng học phí đại học (nhất là ở những ngành mà trường đại học được tự quyết mức học phí) tương xứng với chất lượng đào tạo. Không để xảy ra “cuộc đua” tăng học phí mà chất lượng đào tạo vẫn là “bình mới rượu cũ”.