Khởi tố vụ phá rừng quy mô lớn tại Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 20-5, ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa cho biết cơ quan này vừa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng xảy ra tại lô 1, 2, 3 khoảnh 1, 2, 3 tại tiểu khu 1415 xã Ia Rmok. 

Những cây gỗ kích cỡ lớn bị lâm tặc đốn hạ tập kết giữa rừng.
Những cây gỗ kích cỡ lớn bị lâm tặc đốn hạ tập kết giữa rừng.

Cũng theo ông Trương Quốc Dụng, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa đã sơ kết điều tra về vụ việc này. Theo đó, sau khi phát hiện vụ việc khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 1415 thuộc địa giới hành chính xã Ia Rmok, nhận thấy vụ khai thác vượt khung mức xử phạt vi phạm hành chính nên các cơ quan chức năng của huyện Krông Pa đã hai lần kiểm tra hiện trường.

Lần thứ nhất vào các ngày 5 và 6-4, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với Đoàn Kiểm tra liên ngành huyện gồm: Công an huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện, phòng Tài chính-Kế hoạch, UBND xã Ia Rmok tiến hành khám nghiệm hiện trường thì xác định vị trí khai thác thuộc lô 1, 2, 4; khoảnh 2, 5 tiểu khu 1415-đây là loại rừng sản xuất thuộc quản lý của UBND xã Ia Rmok. Số gốc chặt đếm được là 22 gốc. Toàn bộ số gỗ bị khai thác đoàn liên ngành đo đếm được là 77 lóng, hộp với khối lượng 55,273 m3 gỗ các loại xoay (nhóm 2), giổi (nhóm 3). Tất cả số gỗ khai thác trái phép được tập kết tại bãi ở vị trí thuộc lô 4, khoảnh 4, tiểu khu 1415. Trong đó gỗ tròn gồm 1 lóng khối lượng 1,271 m3 và gỗ xẻ là 77 hộp, khối lượng 54,002 m3. Ngoài ra, đoàn công tác cũng phát hiện tại hiện trường 1 cái rơ mooc độ chế mà lâm tặc bỏ lại.

Trong lần thứ hai vào ngày 19 và 20-4, Hạt Kiểm lâm và đoàn kiểm tra liên ngành huyện tiếp tục mở rộng kiểm tra, xác minh tại lô 1, 2; khoảnh 1,5 tiểu khu 1415 có phát hiện thêm 8 gốc chặt có đường kính gốc từ 59 cm-110 cm. Các loại gỗ bị đốn hạ được xác định gồm xoay, giổi, lim xẹt… Thời gian chặt hạ được xác định khoảng giữa năm 2015. Tại hiện trường, đoàn kiểm tra phát hiện chỉ còn gốc, cành, ngọn, bìa cây. Qua đo đếm xác định gỗ bị thiệt hại do lâm tặc chặt phá tại đây là 19,126 m3.

 

Số gỗ được đưa về Hạt kiểm lâm huyện Krông Pa.
Số gỗ được đưa về Hạt kiểm lâm huyện Krông Pa.

Như vậy, qua báo cáo sơ kết điều tra của Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, tại tiểu khu 1415, thuộc quản lý của UBND xã Ia Rmok thời gian vừa qua đã để xảy ra tình trạng phá rừng với quy mô lớn. Riêng khối lượng gỗ mà cơ quan chức năng phát hiện được đã lên tới gần 75 m3 gỗ hộp, tương đương khoảng 120 m3 tròn. Như Báo Gia Lai đã đưa tin, với số lượng gỗ bị khai thác “khủng” thì đây là vụ phá rừng với quy mô lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn huyện Krông Pa bị phát hiện. Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thế Cường-Chánh văn phòng huyện Krông Pa cho biết: “Ngay từ khi phát hiện vụ việc, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tích cực điều tra vụ việc để truy tố trước pháp luật. Đồng thời, UBND huyện cũng đã ra văn bản chỉ đạo các xã, nếu xã nào để mất rừng thì trước tiên phải kiểm điểm Chủ tịch UBND xã và Kiểm lâm địa bàn. Nếu xảy ra tình trạng phá rừng nghiêm trọng thì tùy theo mức độ mà có những phương án xử lý thích đáng”.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Thanh niên xã Nghĩa An (huyện Kbang) khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Ảnh: M.P

Kbang bảo đảm chất lượng thanh niên lên đường nhập ngũ

(GLO)- Nhằm nâng cao chất lượn tuyển quân năm 2025, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) huyện Kbang, Gia Lai triển khai đồng bộ quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức khám sơ tuyển sức khỏe NVQS bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, đúng luật.

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza ngày 23-11. Ảnh: THX/TTXVN

Israel bị cáo buộc “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Dải Gaza

(GLO)- Ngày 5-12, Hãng tin AFP cho biết, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Israel “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Gaza kể từ khi chiến sự xảy ra. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, đồng thời cáo buộc Hamas lợi dụng người Palestine làm lá chắn sống.