Khởi tố bộ trưởng, đại phẫu ngành y

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hôm 7/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị Quốc hội bãi nhiệm, bị khởi tố, bắt tạm giam. Cuộc đại phẫu ngành y đang diễn ra không chỉ là xử lý các sai phạm của các quan chức, mà còn là sửa chữa nhiều vấn đề thuộc về cơ chế.

Chỉ trong khoảng hơn 2 năm, các vụ án y tế liên tục diễn ra, cả trăm lãnh đạo và cán bộ y tế đã bị khởi tố bắt giam. Con số các vụ án trong ngành Y tế thực sự quá dày đặc.

Vào thời điểm hiện tại, vụ Việt Á vẫn đang là tâm điểm của cả nước. Đã hơn 10 tỉnh thành có quan chức, cán bộ Y tế bị khởi tố bắt giam liên quan đến "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ Việt Á. Tất nhiên, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra mở rộng nên con số có thể còn chưa dừng lại. Số tiền hối lộ, nhận hối lộ liên tục được công bố đã lên đến vài trăm tỉ đồng.

Mới nhất là người đứng đầu ngành y tế, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị bãi nhiệm và khởi tố, bắt giam. Ông Long đã "thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, can thiệp, tác động, hỗ trợ Công ty Việt Á trong quá trình cấp sổ đăng ký lưu hành tạm thời và chính thức; hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương với bộ kit xét nghiệm để việc ban hành các thông báo giá các sinh phẩm, trang thiết bị y tế chẩn đoán Covid-19 trái quy định".  

Ông là lãnh đạo cao nhất của ngành y tế bị trừng phạt cho tới nay.

Cách đây 3 tháng, tháng 3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang  và nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế Dương Huy Liệu liên quan đến việc ký kết, thực hiện hợp đồng đặt hàng sản xuất Oseltamivir với Công ty Dược phẩm Cửu Long, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

Trước đó, tháng 1/2022, Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị can đã bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố trong vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada của công ty VN Pharma từng gây rúng động dư luận, kéo dài hơn 7 năm, trải qua 2 giai đoạn điều tra.


 

 Xe biển xanh của lực lượng chức năng làm việc tại nơi cư trú của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Q.N.
Xe biển xanh của lực lượng chức năng làm việc tại nơi cư trú của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Q.N.

Tháng 10/2021, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Nguyễn Quang Tuấn cũng bị khởi tố bắt tạm giam vì có vi phạm trong đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, làm tăng chi phí, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và người bệnh, ảnh hưởng công tác khám chữa bệnh. Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh  và cựu Phó Giám đốc Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền thì bị bắt tạm giam và khởi tố hồi tháng 9/2020 liên quan đến vụ án nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai khiến hàng trăm bệnh nhân phải trả tiền gấp nhiều lần giá thực.

Tháng 4/2020 giám đốc CDC Hà Nội bị khởi tố vì câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước. Nhiều tỉnh thành khác có mua sắm Hệ thống Realtime PCR đã phải rà soát, xem xét lại thậm chí huỷ hợp đồng.

Đấy mới chỉ là thống kê nhanh các vụ án nổi trội của ngành y trong hơn 2 năm qua, 2 năm của đại dịch, vì còn nhiều các vụ án khác xảy ra tại các tỉnh thành, ở các tuyến cơ sở.

Phía sau các vụ án dày đặc của ngành Y tế, những tưởng việc khám chữa bệnh sẽ tốt lên nhưng điều đang xảy ra tại nhiều nơi lại là: Bệnh viện hết thuốc, bệnh nhân tự đi mua; bệnh viện không làm các xét nghiệm bằng máy mượn, máy đặt của những công ty trúng thầu vật tư, hóa chất dù không có tiền mua máy phục vụ khám chữa bệnh…

Do buông lỏng quản lý thời gian quá dài, đã có những con sâu ngành y lợi dụng sơ hở của luật pháp để lũng đọan và đục khoét. Nhưng liệu có những trường hợp nào sai phạm do cơ chế, do các quy định không sát thực tiễn? Sau những vụ xử lý các quan chức sai phạm, tư duy sợ "làm gì cũng sai" đang đi đến cực đoan, tiêu cực và hậu quả là người bệnh gánh chiu.

Đáng lẽ ra, những "con sâu", những đối tượng vi phạm pháp luật đã bị loại thì ngành Y tế sẽ tốt hơn. Nhưng chính ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, cũng là người trong ngành, lại đầy tâm tư.

Vừa qua, phát biểu trước Quốc hội về khó khăn của ngành Y tế, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu nhận định: "Những con sâu đã bị gạt khỏi hệ thống. Nhưng những người ở lại rất hoang mang, loay hoay chưa tìm được đường đi, vì đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai, bởi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh".

Nhìn vào danh sách cán bộ ngành y bị xử lý, từ "hoang mang" mà ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu nói trên nghị trường phải dành cho người dân mới chuẩn hơn là dùng cho cán bộ ngành Y tế.

Thống kê các vụ án của ngành Y tế thời gian qua cho thấy chủ yếu các bị can bị truy tố về vấn đề đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế… những vấn đề này thuộc về quản lý kinh tế của bệnh viện, của Bộ Y tế, của những người có quyền ra quyết định.

 Họ đã phụ công của biết bao cán bộ ngay thẳng trong sạch khác, của những  y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chỉ tập trung chuyên môn khám và chữa bệnh cho người dân

Còn những quy định pháp luật chưa hoàn chỉnh như Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói cần được sửa đổi ngay lập tức. Không thể vi tình trạng sợ sai như hiện nay mà chần chừ việc sửa sai.

Tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh vì "nguyên nhân đấu thầu"đang được báo chí phản ánh (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho thấy có thể vẫn còn một số bộ phận cán bộ chủ chốt, lãnh đạo trong ngành y đang thiếu năng lực quản lý nên "làm gì cũng sợ".

Tình trạng tiêu cực này nếu còn kéo dài thì ngành y vẫn cần thêm cuộc "đại phẫu" nữa về tổ chức cán bộ. Bởi nếu để các cán bộ y tế hoang mang thật thì người dân sẽ phải hưởng dịch vụ y tế hoang mang như đùa.

Một cơ thể có những mầm bệnh thì cần loại bỏ nó để có thể khỏe mạnh trở lại. Bệnh càng trầm kha thì công cuộc chữa bệnh càng đau đớn, tốn kém. Ngành Y tế như đang trải qua cơn bạo bệnh, dẫu biết rằng sẽ rất mỏi mệt nhưng sai thì phải sửa, không thể làm ngơ những sai phạm, bất cập, không thể để cả ngành đình trệ.


Cũng phát biểu tại kỳ họp Quốc hội này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề cập tới căn bệnh sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.

"Hiện nay nhiều người cho rằng, bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không, sai cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội nói.

Bà Hoa phân tích, thực trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là quy định pháp luật chưa cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng, và chưa có quy định của pháp luật về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Bà Hoa cũng cho rằng, tình trạng này cũng có những nguyên nhân chủ quan như năng lực trình độ của cán bộ còn hạn chế, không kịp thời cập nhật quy định của pháp luật có liên quan để tránh làm sai.


https://danviet.vn/khoi-to-bat-giam-bo-truong-bo-y-te-dai-phau-nganh-y-20220608085616139.htm



Theo Vũ Chương (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

Từ một thôn nghèo, người dân Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (H.Đồng Văn, Hà Giang) đã biết áp dụng mô hình kinh doanh homestay và đặc biệt là sử dụng các nền tảng số như Agoda, Booking và Facebook để quảng bá, thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế.

Tính mạng con người là trên hết

Tính mạng con người là trên hết

Can dự vào sức khỏe của ai đó là điều mà những người có lương tri tối thiểu đều hết sức cân nhắc và thận trọng về trách nhiệm đạo đức cũng như trách nhiệm pháp lý. Vậy cớ sao lại cứ để tình trạng cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không phép và vận hành sai quy định?

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.