Khôi phục du lịch thích ứng, an toàn trong tình hình mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Theo kế hoạch, ngày 25-3, Hiệp hội Du lịch Gia Lai tổ chức Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 2022-2027). Trước thềm Đại hội, Báo Gia Lai điện tử có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh về các vấn đề liên quan.
* Thưa ông, du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, ông có thể tóm tắt một số kết quả hoạt động của Hiệp hội Du lịch Gia Lai trong nhiệm kỳ qua?
- Ông Nguyễn Tấn Thành: Sau Đại hội lần thứ 2, công tác tổ chức của Hiệp hội được kiện toàn một bước. Ban Chấp hành được bổ sung một số nhân sự cho phù hợp với tình hình mới, đặc biệt vị trí Chủ tịch Hội lần này do lãnh đạo một doanh nghiệp dịch vụ du lịch lớn trong tỉnh đảm nhiệm. Nhân sự Ban Chấp hành Hiệp hội cũng được cân nhắc bổ sung đảm bảo cơ cấu hiệu quả hoạt động, gồm 17 người; trong đó, bầu bổ sung Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch, 1 Phó Tổng Thư ký và 3 Ủy viên. Ban Chấp hành sau khi được kiện toàn đã phát huy trách nhiệm tập thể, việc điều hành hoạt động của Hiệp hội từng bước đi vào nền nếp, giải quyết công việc có nhiều tiến bộ. Đi đôi với công tác kiện toàn tổ chức nhân sự Ban Chấp hành, công tác hội viên cũng được quan tâm củng cố, Hiệp hội đã tiến hành rà soát hội viên cho đúng với thực tế là những chủ thể thực sự tự nguyện tham gia có trách nhiệm gắn bó với Hiệp hội.
Trong nhiệm kỳ qua, Hiệp hội luôn có sự phối hợp tốt với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, các ngành trong tỉnh, các đơn vị đồng nghiệp ngoài tỉnh để triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến, kích cầu, liên kết, hợp tác, đào tạo… góp phần phát triển du lịch địa phương. Gia Lai đã đón nhiều đoàn Famtrip từ các tổ chức du lịch, các tỉnh bạn đến tỉnh khảo sát, kết nối tour-tuyến du lịch và quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội tích cực tham gia các sự kiện như: Ẩm thực Tây Nguyên và Ẩm thực Ba Miền trong khuôn khổ Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018; Cuộc thi sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp du lịch tỉnh Gia Lai năm 2018; tham gia gian hàng ẩm thực trong khuôn khổ sự kiện Ngày Cà phê Việt Nam-Gia Lai 2019; tham gia Hội thi ẩm thực, thi ảnh đẹp “Sắc màu du lịch Gia Lai 2019”...
Trình diễn cồng chiêng tại Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh). Ảnh: Phan Nguyên
Trình diễn cồng chiêng tại Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh). Ảnh: Phan Nguyên
Hiệp hội Du lịch đã phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thi nghiệp vụ du lịch hàng năm, tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, nâng cao tay nghề cho lao động tại doanh nghiệp dịch vụ-du lịch; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch ngắn hạn nâng cao kỹ năng nghề trong các cơ sở kinh doanh và du lịch cộng đồng tại các làng văn hóa du lịch, mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong lĩnh vực du lịch. Tổ chức chương trình khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch tại một số điểm du lịch mới trên địa bàn tỉnh cho các doanh nghiệp trong tỉnh và doanh nghiệp lữ hành ngoài tỉnh như: núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh), đồi cỏ hồng Glar (huyện Đak Đoa), đập Phú Mỹ (huyện Chư Sê), Hố trời (thị xã An Khê), bãi cỏ xã Gào (TP. Pleiku), đập Tân Sơn (huyện Chư Păh); khảo sát xây dựng tuyến du lịch sinh thái kết hợp văn hóa, lịch sử Đông Trường Sơn, khai thác Làng kháng chiến Stơr-Khu di tích lịch sử Khu 10 (xã Krong, huyện Kbang) kết nối một số thác như: Đak Bok, Hà Lần, Hang Dơi-Di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo-Di chỉ khảo cổ học Rộc Tưng (thị xã An Khê)-Chiến thắng Đak Pơ; khảo sát các điểm du lịch phía Nam tỉnh kết nối Gia Lai-Phú Yên; xây dựng tuyến du lịch khai thác các điểm Chư Sê-Phú Thiện-Ayun Pa, hồ Sê San 3A và thác Mơ (huyện Ia Grai), suối đá cổ làng Vân (huyện Chư Păh); tham gia hưởng ứng, quảng bá các sự kiện: Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô, Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, đồi cỏ hồng Đak Đoa, Ngày hội Du lịch Kbang, các hoạt động kỷ niệm 15 năm Ngày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
* Hai năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch. Vậy, tình hình ở Gia Lai thì sao, thưa ông?
- Ông Nguyễn Tấn Thành: Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề đối với ngành du lịch, từ đầu năm 2020 đến nay, Hiệp hội luôn động viên các hội viên, doanh nghiệp cố gắng khắc phục khó khăn, tích cực tham gia chương trình kích cầu du lịch do Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch phát động, hưởng ứng “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” với các giải pháp khôi phục hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; xây dựng điểm đến tham quan, cơ sở kinh doanh an toàn; liên hệ với các cơ quan chức năng liên quan thúc đẩy tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho đội ngũ hơn 700 lao động trong ngành. Hiệp hội thống nhất với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, các ngành liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý điều hành, cho phép kết nối quảng bá hình ảnh đơn vị, sản phẩm, chất lượng dịch vụ của mình trên các website du lịch của tỉnh, dulichpleiku.gialai.gov.vn. Vận động và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sự kiện du lịch lớn như: Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh, Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội, Hội chợ du lịch quốc tế ITE TP. Hồ Chí Minh…; tăng cường quảng bá, xúc tiến, liên kết, kích cầu du lịch với các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều tỉnh khác nhằm giới thiệu hình ảnh, sản phẩm du lịch địa phương mở rộng thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp gặp gỡ đối tác, hợp tác, ký kết hợp đồng kinh doanh.
Hiện nay, Hiệp hội phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch khởi động kế hoạch khôi phục du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới; thực hiện các chương trình làm mới sản phẩm, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch.
* Xin cảm ơn ông! Chúc Đại hội thành công!
THANH PHONG (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.