Emagazine

E-magazine Khởi nghiệp từ “tài nguyên” bản địa



Bên hiên ngôi nhà rông truyền thống của làng Hrang (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ), chị Rơ Mah H’Dịu ngồi nghe ông Siu Hơng-một người đan lát khéo léo nhất xã hướng dẫn cách chuốt nan tre và các công đoạn đan lát. Dẫu các công đoạn tạo ra một chiếc gùi rất phức tạp, nhưng chị vẫn kiên trì, chịu khó học.



Năm 2022, khi đảm nhận vai trò Bí thư Đoàn xã Ia Kriêng, có cơ hội tham quan, tìm hiểu các mô hình khởi nghiệp, chị H’Dịu bắt đầu thực hiện ý tưởng. Để có thêm kiến thức trên con đường khởi sự kinh doanh, chị H’Dịu nộp hồ sơ tham gia cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” lần thứ VI năm 2022 do Tỉnh Đoàn tổ chức và giành giải nhất. Tháng 10-2023, chị tiếp tục tham gia cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Vượt qua 446 hồ sơ dự án của thanh niên đến từ 63 tỉnh đoàn, thành đoàn trên cả nước, Dự án “Làng nghề đan lát truyền thống thanh niên” của chị Rơ Mah H’Dịu đã lọt vào top 40 dự án xuất sắc nhất. Sau 2 cuộc thi, chị H’Dịu đã học hỏi được kinh nghiệm khởi nghiệp từ nhiều bạn trẻ trong cả nước và nhận được những lời góp ý của những giám khảo có chuyên môn và kinh nghiệm khởi nghiệp.

Để hiện thực ý tưởng, chị H’Dịu đã mua các sản phẩm đan lát của già Hơng để giới thiệu với mọi người. Những chiếc gùi, nia, rổ, rá được đan 2 lớp với đủ kiểu dáng, kích cỡ khác nhau, có nhiều hoa văn truyền thống của người Jrai. Do được làm hoàn toàn thủ công, từng sợi mây, sợi nan được chuốt bằng tay nên sản phẩm đã nhận được sự quan tâm của khách hàng. Trung bình 1 tháng, chị H’Dịu cung cấp ra thị trường khoảng 20 sản phẩm đan lát các loại; giá bán từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/sản phẩm tùy theo kích cỡ, kiểu dáng. Già Hơng chia sẻ: “Việc đan lát đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ nên các bạn trẻ không mấy mặn mà với nghề này. Thấy cháu H’Dịu tâm huyết, chịu khó học hỏi, mình rất vui và sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật”.



Được ông Hơng đồng ý hỗ trợ kỹ thuật, chị H’Dịu vận động đoàn viên, thanh niên tham gia học nghề. Việc đầu tiên là tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tới nghe ông Hơng giới thiệu về nghề truyền thống của dân tộc. Các buổi nói chuyện đã khơi gợi mạch nguồn truyền thống trong bản thân mỗi chàng trai, cô gái Jrai. Hiện 10 đoàn viên, thanh niên trong xã đăng ký được học nghề của già Hơng. Anh Kpuih Thuận-Phó Bí thư Đoàn xã Ia Kriêng-chia sẻ: “Dự án của chị H’Dịu mang lại nhiều cơ hội việc làm cho thanh niên địa phương. Hễ có thời gian rảnh, chúng tôi lại đến nhà ông Hơng học nghề đan lát”.

Mục đích của dự án là phấn đấu đến năm 2024 tạo việc làm cho khoảng 20 đoàn viên, thanh niên ở địa phương; tạo thu nhập, cải thiện đời sống bằng những vật liệu thân thiện với môi trường; góp phần gìn giữ nghề truyền thống. Chị H’Dịu dự kiến xây dựng nhà trưng bày sản phẩm, kết hợp du lịch trải nghiệm. Ngoài các sản phẩm đan lát truyền thống, làng nghề sẽ đa dạng mẫu mã sản phẩm để đáp ứng thị hiếu của khách hàng như: túi xách, đèn ngủ, giỏ trang trí…




Trong phòng trưng bày sản phẩm văn hóa của Bảo tàng tỉnh, bên cạnh những sản phẩm đặc trưng như: thổ cẩm, đàn t’rưng, rượu cần, cồng chiêng… còn có những con búp bê hồ lô với tạo hình ngộ nghĩnh. Những sản phẩm búp bê hồ lô này do chị Trịnh Thị Phượng ký gửi để bán làm quà lưu niệm cho du khách. Nói về việc chọn khởi nghiệp từ một vật dụng mang đặc trưng của người dân Jrai, Bahnar.



Qua đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và sự kiên trì của chị Phượng, những quả bầu sau khi phơi khô đã được “hô biến” thành sản phẩm mang đậm tính nghệ thuật. Đó là hình ảnh người mẹ Jrai bồng con, thiếu nữ gùi nước, em bé nhảy múa, chàng trai đánh chiêng… Những quả bầu hồ lô khô được chị Phượng đặt hàng từ người dân địa phương với giá 25-35 ngàn đồng/quả. Quả bầu hồ lô sau khi thu hoạch sẽ được phơi khô dưới nắng khoảng 1-2 tuần. Sau đó, quả bầu được khoét miệng, làm sạch ruột rồi tiếp tục mang ra phơi khô để tạo màu vàng bóng.

Để sáng tạo 1 sản phẩm nghệ thuật từ quả bầu hồ lô, chị Phượng mất khoảng 10 giờ với nhiều công đoạn. Tùy theo hình dáng của quả bầu, chị lên ý tưởng rồi dùng đất sét Nhật để nặn, tạo hình khuôn mặt và tay cho búp bê. Sau khi đất sét khô hoàn toàn, chị Phượng dùng màu acrylic vẽ trang trí khuôn mặt, trang phục cho hồ lô. Trang phục của nhân vật được vẽ hình hoa văn thổ cẩm truyền thống của đồng bào Bahnar, Jrai; chị Phượng còn phủ một lớp keo mỏng bên ngoài sản phẩm để chống ẩm mốc và tạo độ bền. Chị cho biết: “Mỗi công đoạn đều có cái khó riêng. Tùy theo hình dáng của quả bầu, tôi phác họa ý tưởng, đường nét trong đầu để khi tạo hình phù hợp. Bên cạnh vẽ hoa văn, tôi thường tạo thêm hình chiếc gùi, chiếc chiêng, khăn đội đầu, đàn t’rưng từ đất sét Nhật và màu acrylic để nhân vật thêm sinh động, mang nét đẹp riêng biệt”.



Mỗi sản phẩm búp bê hồ lô có thể lưu giữ vài năm, chất lượng vẫn không thay đổi. Sản phẩm làm thủ công, sử dụng những vật liệu an toàn, thân thiện với môi trường nên được nhiều du khách đón nhận. Tùy theo kích cỡ và hình dáng, giá của con búp bê hồ lô dao động trong khoảng 120-180 ngàn đồng/sản phẩm. Mỗi tháng, chị Phượng bán ra thị trường khoảng 30 con búp bê hồ lô.

Thạc sĩ Y Phương-Trưởng phòng Dịch vụ (Bảo tàng tỉnh) chia sẻ: “Những sản phẩm búp bê hồ lô với nhiều hình thù ngộ nghĩnh, đẹp mắt đã cho thấy sự sáng tạo, tâm huyết của chị Phượng. Khi tham quan phòng trưng bày sản phẩm văn hóa của Bảo tàng tỉnh, du khách rất thích thú, ấn tượng và mua sản phẩm búp bê hồ lô này làm quà lưu niệm”. Còn chị Trần Quỳnh Ly-du khách đến từ Đà Nẵng thì chia sẻ: “Những sản phẩm búp bê hồ lô có tạo hình ấn tượng, giúp tôi hiểu hơn những nét văn hóa của người dân địa phương. Sản phẩm nhỏ gọn, đẹp mắt, giá bán phù hợp nên tôi đã mua để trưng bày trong nhà và tặng cho bạn bè thân thiết”.

Từ doanh thu bán hàng mỗi tháng, chị Phượng trích ra 20% để đóng góp vào quỹ Chia sẻ yêu thương của Câu lạc bộ Kỹ năng sống thuộc Trường Cao đẳng Gia Lai. Với số tiền quỹ tích góp được, chị Phượng cùng các em học sinh, sinh viên của trường mua quà tặng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TP. Pleiku.



Có thể bạn quan tâm

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ cuối: Những gạch nối hòa bình

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ cuối: Những gạch nối hòa bình

(GLO)- Những người lính từ mặt trận trở về, những người chỉ lặng lẽ phía sau phục vụ chiến đấu và cả những người sinh ra dưới bầu trời không tiếng súng… đều tiếp tục tự nguyện trở thành gạch nối hòa bình giữa 2 quốc gia, 2 dân tộc, hóa giải sâu sắc những đau thương để lại từ một cuộc chiến.

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

(GLO)- Trong suốt 10 năm người lính tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế, có người may mắn trở về, người đến giờ vẫn còn nằm lại trên đất bạn. Nhưng, như lời một người lính trở về thì “một cuộc sống trung thực và can đảm không cho phép chúng ta sống hời hợt, đại khái”.

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 2: Nghĩa tình lính trận

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 2: Nghĩa tình lính trận

(GLO)- Điều gì đã gắn kết những người lính tình nguyện Việt Nam để làm nên khúc khải hoàn trên chiến trường K? Đó có phải là tình đồng đội thiêng liêng, cao cả; là sự giúp đỡ vô tư, trong sáng và cũng đầy ân tình đối với người dân nước bạn, thậm chí với cả người ở phía bên kia chiến tuyến?

Canh cánh nỗi lo mía cháy

E-magazineCanh cánh nỗi lo mía cháy

(GLO)- Thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với sự bất cẩn của người dân trong đốt dọn ruộng mía tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Bà con nông dân đang canh cánh nỗi lo mía cháy.

Khúc hoan ca làng chài

E-magazineKhúc hoan ca làng chài

(GLO)-

Từ dăm con thuyền dạt trôi giữa mênh mông sông nước Sê San ngày nào đã hình thành 1 làng chài với hơn 30 hộ dân. Hôm nay, làng chài trên dòng Sê San đã đổi vận từ con cá và du lịch.

Xuất khẩu nông sản: Tín hiệu lạc quan

E-magazineXuất khẩu nông sản: Tín hiệu lạc quan

(GLO)- Sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt tay vào sản xuất kinh doanh. Năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhận được nhiều đơn hàng hơn so với năm ngoái. Đây là tín hiệu lạc quan, kỳ vọng tạo đột phá cho ngành xuất khẩu nông sản của tỉnh trong năm 2024.