Khoan sức dân, đừng chờ phải thúc giục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa đề nghị nghiên cứu tăng mức giảm trừ gia cảnh với thuế thu nhập cá nhân. Đây không phải lần đầu tiên các loại thuế nhằm khoan sức dân bị thúc giục điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh kinh tế mới.

Còn nhớ tháng 7.2022 khi giá xăng dầu biến động mạnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng phải lên tiếng thúc giục khẩn trương xem xét, nghiên cứu cắt giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Sau đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, thuế giá trị gia tăng đã được điều chỉnh giảm và mới đây tiếp tục kéo dài thời gian giảm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Riêng thuế thu nhập cá nhân (TNCN), dù ai cũng thấy các quy định đã rất lỗi thời, nhưng mọi kiến nghị điều chỉnh suốt nhiều năm qua không hiểu vì sao lại chưa được xem xét. Bản thân Bộ Tài chính cách đây 5 năm cũng thừa nhận sự lạc hậu của các sắc thuế và đề xuất sửa đổi nhưng đến nay, các quy định này vẫn tồn tại, vẫn duy trì, gây thiệt thòi và bức xúc cho người nộp thuế, đặc biệt là người làm công ăn lương - đối tượng đóng góp tới hơn 70% trong tổng số thu thuế của sắc thuế này. Và mới nhất như nói trên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng vừa chính thức lên tiếng.

Vậy thuế TNCN đã lỗi thời đến như thế nào, xin hãy nhìn vào một số ví dụ sau để có thể hình dung một cách rõ ràng hơn. Theo quy định hiện nay, người có thu nhập bình quân không vượt quá 1 triệu đồng/tháng mới được tính là người phụ thuộc. Nghĩa là những người có thu nhập từ 1 triệu trở lên phải "tự sống", không cần chi viện và điều này là phi thực tế. Bởi ngưỡng này thậm chí còn thấp hơn cả quy định về hộ nghèo, cận nghèo là có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống đối với khu vực nông thôn và từ 2 triệu đồng trở xuống với khu vực thành thị. Hay nói đơn giản thì thu nhập thấp hơn hộ nghèo nhưng cũng không được tính là người phụ thuộc. Chẳng nói đâu xa, nhiều gia đình có bố mẹ hưu trí lương 3 - 4 triệu/tháng nhưng vẫn phải chu cấp thêm vì người lớn tuổi chi phí y tế đội lên rất nhiều. Tương tự, ngưỡng thuế cao nhất trong biểu thuế TNCN lên tới 35%, cao gần gấp đôi thuế thu nhập doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp được khấu trừ chi phí trước khi đóng thuế còn cá nhân thì không. Đặc biệt, mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng đã được phân tích rất kỹ rằng không đủ để nuôi một người con đi học ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM dù chỉ là cơ bản...

Đáng nói, trong khi quy định thuế TNCN ngày càng lạc hậu thì mặt bằng giá cả hàng hóa thiết yếu, tiêu dùng những năm qua đã tăng rất nhiều. Thu nhập giảm, giá cả tăng, gồng gánh thêm người mất việc mà vẫn phải đóng thuế bất hợp lý đã gây bức xúc cho những người làm công ăn lương. Không chỉ là cảm giác thiếu sự chia sẻ, họ còn cảm thấy bị đối xử bất công trong nghĩa vụ thuế khi so sánh với doanh nghiệp. Bởi chi phí đầu vào tăng dẫn đến khó khăn, kiệt quệ thì doanh nghiệp được Chính phủ, Quốc hội ban hành một loạt chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ. Trong khi chi phí cuộc sống đội lên gấp nhiều lần nhưng người đóng thuế TNCN lại gần như bị bỏ quên.

Không chỉ cấp bách vì quá lỗi thời, điều chỉnh thuế TNCN ở thời điểm này còn hỗ trợ sức mua đang suy giảm trên thị trường. Thu nhập tăng thêm một chút, người dân nói chung và người làm công ăn lương nói riêng sẽ bớt chắt bóp chi tiêu, hàng hóa bán được, sản xuất phục hồi thì kinh tế mới tăng trưởng.

Một chính sách thuế khoan sức dân và có lợi cho nền kinh tế, sao cứ phải đợi thúc giục điều chỉnh?

Có thể bạn quan tâm

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.