Emagazine

E-magazine Khóa hè trong trường tư thục: Rèn kỹ năng, thỏa sáng tạo



Tiết “Khoa học vui” với chủ đề “Chiết rút sắc tố thực vật” tại Trường Tiểu học-THCS và THPT Sao Việt (TP. Pleiku) diễn ra đầy hào hứng. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các em học sinh bậc THCS cùng nhau làm thí nghiệm, chiết rút sắc tố từ một số loại rau, củ phổ biến gồm: cà rốt, bắp cải tím, cải ngọt, củ dền, củ nghệ… Đồng thời, ứng dụng chúng như một loại màu tự nhiên để chế biến rau câu, xôi ngũ sắc.



Là một trong những giáo viên trực tiếp hướng dẫn học sinh ở bộ môn này, cô Trịnh Thị Quỳnh Loan cho hay: “Trong khóa hè, nhóm giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên của trường cùng biên soạn tài liệu để tổ chức thành bộ môn “Khoa học vui” với nhiều chủ đề khác nhau. Mục tiêu của chúng tôi là giúp học sinh có những giờ trải nghiệm, khám phá thú vị và có thể vận dụng kiến thức liên môn đã học để tạo ra những sản phẩm thực tế. Qua 4 tuần tham gia khóa hè, các em đã biết chiết rút sắc tố thực vật và ứng dụng trong chế biến thực phẩm, biết làm lồng đèn kéo quân, nhà chống lũ, nuôi tinh thể…”.

Khóa hè 2023 tại Trường Tiểu học-THCS và THPT Sao Việt bắt đầu từ ngày 26-6 và khép lại vào 22-7, dành cho tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 có nhu cầu. Trước đó, sau khi kết thúc năm học 2022-2023, nhà trường đã thông báo tuyển sinh rộng rãi cho khóa hè và thu hút 140 em đăng ký. Theo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Chung, khóa hè vẫn tổ chức bán trú, có xe đưa đón học sinh. Nhà trường chia theo lớp, xây dựng thời khóa biểu cụ thể và phân công giáo viên chủ nhiệm để quản lý chung. Chương trình khóa hè chủ yếu hướng đến kỹ năng học tập bộ môn, thực hành khoa học vui, luyện chữ đẹp, tiếng Anh giao tiếp, kỹ năng tin học ứng dụng cho học sinh; đồng thời, tạo điều kiện để các em thỏa sức cùng đam mê với các bộ môn năng khiếu như: bóng đá, vẽ, đàn… Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức dạy bơi với thời lượng 8 tiết/lớp/tuần nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh tai nạn đuối nước.



Bắt đầu hoạt động từ tháng 6-2018, Trường Mầm non Sắc Màu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) trở thành địa chỉ tin cậy để gửi gắm con của nhiều phụ huynh, kể cả trong dịp hè. Năm nay, nhà trường có 270 trẻ tham gia học hè, chia thành 11 nhóm lớp. Các bé được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục như lúc học chính khóa. Tuy nhiên, chương trình học được xây dựng lại cho phù hợp với hoạt động hè.

Cô Nguyễn Thị Thùy Trang-Hiệu trưởng Trường Mầm non Sắc Màu-thông tin: Ban Giám hiệu thống nhất với tổ chuyên môn hướng dẫn giáo viên lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ theo phương châm “Chơi mà học, học bằng chơi” sao cho phù hợp với độ tuổi của trẻ, điều kiện thực tế tại địa phương và nhà trường. Trong đó, chú trọng dạy trẻ cách tự bảo vệ an toàn cho bản thân, kỹ năng tự phục vụ, vệ sinh phòng-chống dịch bệnh; tăng cường cho trẻ tham gia các trò chơi vận động ngoài trời, trò chơi dân gian để rèn luyện sức khỏe, phát triển thể chất.



Với phương châm đó, thời gian qua, đội ngũ giáo viên trong trường đã tích cực tạo nhiều sân chơi cho trẻ, từ aerobic, yoga, tiếng Anh giao tiếp đến các hoạt động sáng tạo, rèn kỹ năng sống. Cô Lê Kiều Oanh-giáo viên chủ nhiệm lớp lá 2-chia sẻ: Lớp tôi phụ trách trong hè có 22 trẻ. Hầu hết các bé đều hào hứng cùng cô học kỹ năng bơi, làm các thí nghiệm vui, làm đồ chơi từ lá dừa hay hòa mình vào các trò chơi dân gian như: kéo co, cướp cờ, ô ăn quan… Trẻ cũng rất thích thú khi được nhà trường tổ chức cho đi tham quan, trải nghiệm tại vườn ươm hay đóng vai đầu bếp để pha chế ra những ly nước giải khát mùa hè tại “Lễ hội nước”.

“Được chơi cùng cô và các bạn, con rất vui. Con thích nhất là làm đồng hồ, vòng tay, chong chóng từ lá dừa. Về nhà, con có thể tự làm để tặng ba mẹ”-bé Nguyễn Ngọc Gia Quỳnh (5 tuổi) cho biết.



Là đơn vị có thế mạnh về giáo dục STEM, Trường THPT Chi Lăng (TP. Pleiku) đã tận dụng thời gian hè để giúp học sinh thỏa sức sáng tạo và rèn luyện kỹ năng. Đây là lần thứ 4 trường tổ chức khóa hè và hầu như năm nào cũng thu hút khá đông học sinh đăng ký tham gia. Theo thầy Đỗ Bách Khoa-Hiệu trưởng nhà trường, khóa sinh hoạt hè năm nay có 980 học sinh ở cả 3 khối tham gia; riêng khối 10 khoảng 350 em. Đây là số đã qua vòng sơ tuyển (ban đầu có hơn 600 hồ sơ của học sinh khối 10 đăng ký) nhằm đảm bảo chất lượng sinh hoạt và phù hợp với cơ sở vật chất hiện có.



Xuyên suốt khóa hè, Trường THPT Chi Lăng luôn chú trọng các hoạt động liên quan đến giáo dục STEM nhằm tăng tính sáng tạo, chủ động của học sinh và “Trại hè STEM” là một điểm nhấn. Tại đây, các em áp dụng những kiến thức đã học để tạo ra nhiều sản phẩm thực tế như: turbine điện gió, lồng đèn trung thu, bình chữa cháy mini, muối dưa chua, nhuộm màu mứt dừa, làm giấy quỳ tím thử độ pH trong giò chả… Thông qua trại hè, học sinh cũng dần hình thành được những kỹ năng mềm cần thiết như: làm việc nhóm, thuyết trình, tư duy phản biện, tích hợp kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề phát sinh.

Đặc biệt, để đẩy mạnh hơn nữa phong trào STEM-Robotics, nhà trường còn khuyến khích học sinh lớp 10 thỏa sức thể hiện đam mê trong lắp ghép, lập trình và sáng tạo robot. Không dừng lại ở đó, những học sinh tham gia khóa hè có năng khiếu ở lĩnh vực này còn được nhà trường bồi dưỡng, cử đi tham gia tranh tài tại các giải đấu cấp quốc gia. Tại Cuộc thi lập trình Drone (thiết bị bay không người lái) khu vực phía Nam vừa diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh vào ngày 29-7, học sinh của Trường THPT Chi Lăng đã giành 1 giải nhì, 1 giải ba, 1 giải khuyến khích và sở hữu 3/20 vé đại diện Việt Nam tham dự vòng chung kết Cuộc thi lập trình Drone quốc tế tại Hàn Quốc vào tháng 10-2023.



Xuất sắc đạt giải nhì tại Cuộc thi lập trình Drone, em Trần Thanh Đạt (lớp 10A1) bày tỏ: “Em từng tìm hiểu về thiết bị bay không người lái và cảm thấy khá thích thú. Khi tham gia khóa hè tại Trường THPT Chi Lăng, dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy cô cũng như các anh chị khóa trên, em bắt đầu tiếp cận và dành mỗi ngày 1 tiếng đồng hồ để tập lập trình Drone. Tuy vậy, chưa bao giờ em nghĩ rằng mình có thể đại diện cho trường tham gia thi đấu tại cuộc thi cấp quốc gia, lại đạt được giải cao và giành suất dự thi quốc tế. Với em, đây là một mùa hè thật sự ý nghĩa”.

Việc các cơ sở giáo dục tư thục tổ chức khóa hè cho học sinh tại trường cũng tạo sự an tâm cho nhiều phụ huynh. Chị Nguyễn Thị Thanh Trà (tổ 4, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cho hay: “Tôi có một bé gái chuẩn bị lên lớp 6 và một bé trai sắp vào lớp 2. Với đặc thù công việc, vợ chồng tôi không có nhiều thời gian để đồng hành, vui chơi cùng các con trong kỳ nghỉ hè. Vì vậy, khi biết Trường Tiểu học-THCS và THPT Sao Việt mở khóa hè, tôi đã đăng ký cho con tham gia. Các con cũng vui vẻ, hào hứng khi được sinh hoạt tại trường cùng các bạn”.



Trao đổi với P.V, ông Trần Bá Công-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo-cho hay: Sau khi kết thúc năm học 2022-2023, hầu hết học sinh đều trở về tham gia các chương trình, hoạt động hè tại địa phương. Riêng các cơ sở giáo dục tư thục dựa trên nhu cầu chính đáng của phụ huynh đã mở thêm các khóa sinh hoạt hè với nhiều nội dung hoạt động thiết thực, bổ ích, thu hút nhiều học sinh tham gia trải nghiệm.


Có thể bạn quan tâm

Những “thủ lĩnh” thanh niên đa năng

E-magazineNhững “thủ lĩnh” thanh niên đa năng

(GLO)-Không chỉ làm tốt vai trò dẫn dắt công tác Đoàn, nhiều “thủ lĩnh” thanh niên còn tiên phong trong khởi nghiệp, lập nghiệp tại quê hương. Họ trở thành tấm gương sáng về sự gương mẫu, tinh thần dám nghĩ, dám làm để đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) học tập.
Bảo tồn trống da

E-magazineBảo tồn trống da

(GLO)- Đối với người Tây Nguyên, tiếng trống đã trở thành thanh âm cội nguồn, không tách rời khỏi đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nơi núi rừng Trường Sơn. Vì vậy, việc bảo tồn các loại trống da trong cộng đồng Bahnar, Jrai được thực hiện với những cách thức rất đặc biệt.

Mùa ươi bay

E-magazineMùa ươi bay

(GLO)- Ươi là loại cây thân gỗ, mọc nhiều trong các cánh rừng ở Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông, Kbang… Từ giữa tháng 2 năm nay, cây ươi rừng ở Gia Lai đồng loạt ra quả. Giá thu mua hạt ươi 100-700 ngàn đồng/kg tùy loại. Sẽ không có gì đáng nói nếu cây ươi không bị khai thác theo kiểu tận diệt. 
Quà lưu niệm mang bản sắc văn hóa: “Sứ giả” du lịch

E-magazineQuà lưu niệm mang bản sắc văn hóa: “Sứ giả” du lịch

(GLO)-Quà lưu niệm không chỉ đơn thuần mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quảng bá hình ảnh địa phương đến với mọi miền. Phát huy lợi thế đó, những năm gần đây, các ngành, các cấp ở TP. Pleiku đã từng bước đa dạng sản phẩm quà tặng du lịch gắn liền với bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc.
Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ cuối: Những gạch nối hòa bình

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ cuối: Những gạch nối hòa bình

(GLO)- Những người lính từ mặt trận trở về, những người chỉ lặng lẽ phía sau phục vụ chiến đấu và cả những người sinh ra dưới bầu trời không tiếng súng… đều tiếp tục tự nguyện trở thành gạch nối hòa bình giữa 2 quốc gia, 2 dân tộc, hóa giải sâu sắc những đau thương để lại từ một cuộc chiến.

Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

E-magazineXây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

(GLO)- Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, một số doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân đang bước đầu áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại.

Canh cánh nỗi lo mía cháy

E-magazineCanh cánh nỗi lo mía cháy

(GLO)- Thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với sự bất cẩn của người dân trong đốt dọn ruộng mía tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Bà con nông dân đang canh cánh nỗi lo mía cháy.