Khổ sở vì thi công quốc lộ 19 chậm tiến độ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Cuộc sống của rất nhiều hộ dân sống dọc hai bên quốc lộ 19 bị đảo lộn vì bụi bẩn, bùn đất tràn vào nhà, giao thông đi lại khó khăn do việc triển khai thi công tuyến đường này chậm tiến độ.

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Dự án nâng cấp quốc lộ 19) có tổng nguồn vốn 155,8 triệu USD (tương đương 3.654,4 tỷ đồng), chiều dài khoảng 143,6 km. Trong đó, quốc lộ 19 qua địa phận tỉnh Gia Lai được cải tạo 3 đoạn tuyến gồm: từ Km 67 đến Km 70+740 và Km 83+600 đến Km 90 với tổng chiều dài hơn 10 km; đoạn Km 131+300 đến Km 160 dài 28,7 km; đoạn từ Km 180 đến Km 241 dài 61 km và xây dựng mới khoảng 27 km. Ngoài ra, dự án có 35 km tuyến tránh tại khu vực trung tâm thị xã An Khê, TP. Pleiku và thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang).

Dự án được chia làm 8 gói thầu để nâng cấp khoảng 127 km quốc lộ 19; xây dựng 3 cây cầu và khoảng 39 km tuyến tránh theo tiêu chuẩn đường cấp III. Khi hoàn thành, tuyến đường không những tăng cường kết nối giao thông 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định mà còn góp phần kết nối hệ thống đường bộ với các nước láng giềng, tăng cường kết nối giao thông và logistics dọc theo hành lang Đông-Tây từ khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh duyên hải miền Trung. Tháng 11-2020, các đơn vị liên quan bắt đầu giải phóng mặt bằng. Đến tháng 8-2021, dự án khởi công và thời hạn hoàn thành là tháng 6-2023.

Nhiều đoạn tuyến trên quốc lộ 19 thi công chậm tiến độ. Ảnh: Hạ Vy

Nhiều đoạn tuyến trên quốc lộ 19 thi công chậm tiến độ. Ảnh: Hạ Vy

Trong quá trình thi công, nhiều gói thầu bị chậm tiến độ, nhiều nhà thầu được xác định năng lực yếu. Người dân và chính quyền địa phương nhiều lần bức xúc kiến nghị vì tiến độ triển khai ì ạch làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất. Tại huyện Đak Đoa và Chư Prông, phần lớn tuyến đường còn nham nhở, đất đá vương vãi và hệ thống kênh thoát nước chưa được hoàn thiện.

Tại thôn Thanh Bình (xã Bình Giáo, huyện Chư Prông), gần 20 hộ dân sống dọc quốc lộ 19 bị bít lối vào nhà suốt hơn 1 năm qua. Đoạn đường cũ được nâng cao đã lấp hết đường vào nhà dân. Nhiều căn nhà nằm thấp hơn so với mặt đường từ 4 đến 5 m. Bà Nguyễn Thị Thanh (thôn Thanh Bình) cho biết: “Hơn 1 năm qua, người dân sống dọc quốc lộ 19 phải khổ sở vì bụi bẩn vào mùa khô, còn khi mưa lớn thì nước chảy từ đường dồn xuống cuốn theo bùn đất tràn hết vào nhà”.

Tại huyện Đak Đoa, nhiều tuyến kênh thoát nước, mặt đường chưa được thi công hoàn thiện khiến nhiều hộ dân mất lối đi lại. Mỗi khi mưa lớn, nước và bùn đất tràn ngập vào nhà, cuốn trôi tài sản, cây cối, hoa màu của người dân. Ông Võ Văn Kính (thôn Cầu Vàng, xã Kdang) chia sẻ: “Phía trước nhà tôi, đơn vị thi công đào lên lấp xuống nhiều lần vẫn không làm xong mương thoát nước. Mưa xuống xói mòn đất khiến việc đi lại gặp khó khăn”.

Nhiều điểm trên tuyến quốc lộ 19 các nhà thầu thi công thiếu biển báo, rào chắn gây mất an toàn giao thông. Ảnh: Hạ Vy

Nhiều điểm trên tuyến quốc lộ 19 các nhà thầu thi công thiếu biển báo, rào chắn gây mất an toàn giao thông. Ảnh: Hạ Vy

Theo kiểm tra của Khu Quản lý đường bộ III vào tháng 5-2023 (thời điểm bắt đầu vào mùa mưa), việc đảm bảo an toàn giao thông khi thi công trên đường vẫn còn nhiều tồn tại chưa được khắc phục. Cụ thể, một số đoạn đường phát sinh ổ gà chưa được sửa chữa. Các đoạn thi công đào nền đường thiếu rào chắn, cọc tiêu, biển báo, dây giăng, không có đèn cảnh báo vào ban đêm, không bố trí người trực gác đảm bảo giao thông. Một số đoạn chưa thi công xong hệ thống rãnh dọc, cửa xả gây đọng nước trên đường, chảy nước vào vườn nhà dân gây thiệt hại tài sản và cây trồng, gây bức xúc trong người dân sống hai bên quốc lộ.

Tháng 3-2023, Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) đã có văn bản gửi Ban Quản lý Dự án 2 yêu cầu đơn vị này nhắc nhở và phê bình, đồng thời rà soát năng lực của các nhà thầu để xử lý. Cụ thể, Bộ GT-VT yêu cầu Ban Quản lý Dự án 2 nhắc nhở các nhà thầu để bị chậm 8% tiến độ; phê bình 5 nhà thầu để công trình bị chậm 10-30% tiến độ và nghiêm khắc phê bình 10 nhà thầu đã để công trình bị chậm 30-50%; đặc biệt khiển trách Công ty cổ phần Vina Delta và Công ty Xây dựng 203 để công trình bị chậm trên 50%.

Theo Ban Quản lý Dự án 2, tính đến cuối tháng 6-2023, khối lượng thi công dự án đạt 59% giá trị hợp đồng (không tính dự phòng), chậm 38% so với tiến độ hợp đồng được chấp thuận lần đầu và chậm 11% so với tiến độ điều chỉnh. Ngày 11-4-2023, Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ đã ký Công văn số 3494/BGTVT-KHĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xin điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án nâng cấp quốc lộ 19.

Theo đó, Bộ GT-VT nêu nguyên nhân chậm tiến độ là do chậm được giao vốn đầu tư công trung hạn nguồn vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020; ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thời tiết; do địa chất, địa hình phức tạp làm ảnh hưởng đến việc thi công và công tác cấp phép khai thác đất đắp kéo dài hơn dự kiến gây khó cho công tác thi công… Tiếp đó, ngày 3-7-2023, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Duy Lâm ký Quyết định số 818/QĐ-BGTVT điều chỉnh thời gian thực hiện dự án này đến ngày 31-12-2024.

Với việc dự án tiếp tục kéo dài, nếu các đơn vị thi công không khắc phục những tồn tại thì người dân sống dọc quốc lộ 19 qua địa phận tỉnh Gia Lai còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong mùa mưa.

Có thể bạn quan tâm

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

(GLO)- Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm.