(GLO)- Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo thời gian gần đây trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Song việc quản lý chất cấm trong chăn nuôi ở cơ sở hiện đang gặp khó khăn.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, hiện tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh khoảng 445.100 con. Số heo này chủ yếu được nuôi theo hình thức hộ gia đình, quy mô nhỏ, phần còn lại là của trang trại nuôi heo gia công cho các công ty trong và ngoài nước. Ở các hộ chăn nuôi cá thể, việc người chăn nuôi không biết loại thức ăn nào có chứa chất cấm, loại thức ăn nào không chứa chất cấm đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý sự xâm nhập của chất cấm vào lĩnh vực chăn nuôi heo hiện nay. Chị Trần Thị Hoa (tổ 4, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) cho biết, chị không bao giờ sử dụng chất tạo nạc cho heo. Nhưng nếu trong thức ăn cho heo do các công ty sản xuất có chứa chất cấm thì người chăn nuôi như chị cũng không biết được. Chung quan điểm với chị Hoa, ông Huỳnh Văn Minh (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) cho rằng: Việc quản lý chất cấm trong chăn nuôi thì cơ quan nhà nước phải làm tận gốc chứ người chăn nuôi không nhận biết được dấu hiệu nào để phân biệt, phát hiện được loại thức ăn chăn nuôi nào có chất cấm, loại thức ăn nào không chứa chất cấm.
Ngành chức năng cần quản lý chặt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ảnh: Đức Thụy |
Trong khi người dân không thể nhận biết dấu hiệu thức ăn chăn nuôi heo có chất cấm thì việc quản lý tận gốc vấn đề này cũng đang là bài toán khó đối với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Theo ông Nê Y Kiên-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, huyện đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra thường xuyên các cơ sở bán thức ăn gia súc trên địa bàn huyện. Nếu phát hiện cơ sở nào bán thức ăn chăn nuôi có chất cấm sẽ tiến hành xử lý ngay. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là huyện không có phương tiện, dụng cụ để kiểm tra phát hiện các loại chất cấm.
Liên quan đến việc kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi, ông Vũ Mạnh Hùng-Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh gặp không ít khó khăn do một số cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi không hợp tác. Các loại thức ăn chăn nuôi trên thị trường rất đa dạng, phong phú về chủng loại nhưng đoàn mới chỉ kiểm tra được một ít sản phẩm nên chưa thể kết luận. Lực lượng làm nhiệm vụ thanh-kiểm tra chưa được tập huấn, trang bị dụng cụ, phương pháp kiểm tra nhanh. Kinh phí tổ chức kiểm tra, lấy mẫu, gửi mẫu, thuê phân tích kiểm định chất cấm rất tốn kém, số lượng mẫu lấy gửi đi kiểm tra không nhiều.
Tại huyện Đak Đoa, bà Ya Thị Kim Hường-Trưởng trạm Thú y huyện khẳng định: Kết quả thanh-kiểm tra các cơ sở, đại lý bán thức ăn gia súc trên địa bàn huyện thời gian qua chưa phát hiện cơ sở nào bán thức ăn gia súc có chứa chất cấm. Tuy nhiên, để ngăn ngừa sự xâm nhập các loại thức ăn gia súc có chứa chất cấm vào địa bàn, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền đến các hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi, hộ chăn nuôi cá thể, trang trại chăn nuôi. Đến nay, 44 hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện đã ký cam kết không buôn bán các loại chất cấm trong chăn nuôi.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các loại thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra tập trung chủ yếu dưới hình thức đột xuất, phát hiện và chấn chỉnh cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Có như vậy, ngành chăn nuôi mới phát triển một cách bền vững, lâu dài và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Anh Khoa