Dù đã quen với đợt giãn cách, cách đây trăm ngày, sáng hôm qua người Đà Nẵng vẫn ngỡ ngàng trên những con phố vắng lặng; những cửa hiệu phong kín, cùng hàng cự mã, cách ly các con đường dẫn vào ba bệnh viện lớn của thành phố. Không khí trầm lắng cứ như chưa từng cách đó mấy ngày thôi, thành phố căng tràn sức sống, với hàng vạn du khách từ khắp nơi trong nước đổ về. Dù vậy người ta vẫn nhận ra một sức sống khác vẫn âm thầm tuôn chảy. Cùng bạn bè cả nước sẻ chia; người Đà Nẵng tự động viên nhau, chung sức vượt qua hoạn nạn.
Sau khi thực hiện cách ly xã hội, bãi biển Đà Nẵng lập tức vắng người. Ảnh: Thanh Hải |
Ngày 25.7, bệnh nhân đầu tiên số 416 phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 được chuyển vào Bệnh viện C, không khí cả thành phố nóng lên từng ngày và đỉnh điểm trong vòng ba ngày đã phát hiện 14 ca bệnh nhân nhiễm chủng cúm Corona virus. Cùng với 14 bệnh nhân này, là hơn một vạn người có liên quan, phải kiểm tra sức khỏe hoặc cách ly với cộng đồng do tiếp xúc gần.
Và đỉnh điểm lúc 0 giờ ngày 28.7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ thị tiến hành giãn cách gần 1 triệu dân Đà Nẵng, trong đó ba bệnh viện lớn với hơn 5.000 y bác sĩ, bệnh nhân, người nhà bị cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Một việc chưa có tiền lệ trong lịch sử hơn 200 năm của thành phố.
Vừa mới trải qua gần trăm ngày cùng cả nước chống dịch, nền kinh tế không khỏi khó khăn, đặc biệt lĩnh vực du lịch gần như kiệt quệ, với hàng nghìn khách sạn, khu du lịch tạm đóng cửa; theo đó hàng chục vạn lao động mất việc làm, loay hoay mưu sinh bằng trăm thứ nghề. Và đợt giãn cách thứ hai này được ví như đòn đánh chí mạng vào hoạt động kinh tế thành phố vừa mới manh nha phục hồi.
Đau buốt, bàng hoàng... nhưng dịch bệnh, hoạn nạn không làm Đà Nẵng lùi bước. Ngay từ sáng, mạng xã hội đã rợp kín slogan: Đà Nẵng bình tĩnh, bản lĩnh đẩy lùi COVID-19; Đà Nẵng chung sức chống COVID-19 hay Đà Nẵng Together (Cùng với Đà Nẵng)…
Tại Công ty CP Dệt may 29.3, sáng 28.7, hơn 4.000 công nhân, mặt che kín khẩu trang vẫn bình thản vào ca sản xuất. Dụng cụ sát khuẩn được đặt khắp nơi; khoảng cách làm việc cũng đã được giãn rộng; mỗi ngày đo thân nhiệt hai lần… bảo đảm theo quy định của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19…
Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, cho biết: “Chúng tôi đang cố hết sức giữ ổn định số lượng, cũng như thu nhập công nhân. Trước đó có tháng Cty mất đến 70% đơn hàng. Tuy vậy, nay Cty đang làm hàng xuất khẩu cho Mỹ và Châu Âu. Khó nhưng chúng tôi không lùi bước”.
Trong một ngày, hàng trăm triệu đồng, bằng nước uống tinh khiết, bữa ăn dinh dưỡng, thuốc, thiết bị y tế được nhiều cá nhân, đơn vị kêu gọi, đóng góp đã chuyển đến nhân viên y tế và người bệnh khó khăn trên ba bệnh viện đang bị phong tỏa.
Khó là việc rõ rồi, nhưng cùng nhau vượt qua ra sao mới quan trọng. Trong lá thư gửi đến du khách mới đây, ông Lê Trung Chính, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đoan chắc, với sự đồng lòng, chung tay của toàn thể cán bộ, người dân, Đà Nẵng sẽ sớm vượt qua đại dịch, tiếp tục mở rộng vòng tay đón bạn bè bốn phương. Đó là khí phách truyền thống của người Đà Nẵng. Khí chất này được tôi rèn từ vài trăm năm trước; từ những trận đầu kháng chiến chống ngoại bang, gìn giữ nền độc lập dân tộc, đến công cuộc chỉnh trang đô thị, xây dựng một “thành phố đáng sống” như hôm nay.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khi-phach-da-nang-823226.ldo
Theo NGUYỄN TRUNG HIẾU (LĐO)