(GLO)- Với cách thể hiện khác nhau song 134 tác phẩm tại trại viết “Điển hình tiên tiến” và “Kỷ niệm sâu sắc trong đời Bộ đội” toàn quân năm 2016 do Tổng cục Chính trị tổ chức đều có một điểm chung là phát hiện, khắc họa, ghi nhận một cách chân thực, sinh động những cá nhân, điển hình tiên tiến và những kỷ niệm sâu sắc về người lính. Trại viết được xem là nơi hội tụ và nuôi dưỡng những cây bút xuất sắc trong quân đội.
Ấn tượng sâu sắc
Trại viết năm nay được tổ chức tại Tây Nguyên và các trại viên cũng có dịp đi thực tế tại một số đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn như: Quân đoàn 3, Binh đoàn 15. Do vậy, các bài đều viết mang đậm hơi thở, cuộc sống của con người Tây Nguyên.
Thượng tá Lưu Xuân Tuyên trong một lần đi thực tế tại Công ty 74. Ảnh: P.D |
Gây ấn tượng mạnh tại trại viết lần này là bút ký “Tình yêu trên vùng đất bazan” của Thượng úy Đỗ Thị Mai Hoa-Phòng Chính trị-Học viện Quân Y. Lần đầu tham gia trại viết, song bằng phương pháp khắc họa thân phận nhân vật, tác giả đã bắc cầu gián tiếp khẳng định thành quả thắng lợi của đơn vị. Câu chuyện trong “Tình yêu trên vùng đất Bazan” của Thượng úy Mai Hoa xoay quanh nhân vật Phạm Ngọc Dương (công nhân Công ty 715, Binh đoàn 15). Nghèo khó đã khiến cho hạnh phúc của gia đình Dương lung lay rồi tan vỡ, một mình anh dắt theo hai con nhỏ rời quê vào Tây Nguyên lập nghiệp. Sống cảnh “gà trống nuôi con” và may mắn được sự giúp đỡ của Ban Giám đốc Công ty cùng anh em trong đội sản xuất, ba cha con Dương đã dần vượt qua những ngày gian khó. Đặc biệt, nghị lực và hoàn cảnh của ông bố độc thân đã làm rung động trái tim của cô gái Jrai làm cùng đội sản xuất. Để rồi, hơn 10 năm qua, họ đã viết nên chuyện tình đẹp trên vùng biên giới và giờ đây, các con của họ, cả chung, cả riêng đều ngoan ngoãn, học giỏi. Riêng anh Phạm Ngọc Dương thì 17 năm liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua… Nói về bài viết của mình, Thượng úy Mai Hoa chia sẻ: “Khi gặp gỡ và nghe câu chuyện về cuộc đời anh Phạm Ngọc Dương, mình đã thật sự xúc động. Mặc dù liên tiếp những ngày trước đó, mình bị sốt do chưa quen với khí hậu, nhưng câu chuyện của anh Dương cứ thôi thúc mình phải gượng dậy để viết và mình cũng nghĩ phải viết ngay nếu không cảm xúc sẽ bị rơi rớt. Chỉ trong một buổi chiều, mình đã cơ bản hoàn thành bài ký và rất vui là bài viết ấy được lựa chọn đọc trong buổi lễ tổng kết trại viết”.
Hoàn thành bài viết nhanh nhất và thành công nhất trong các chuyến đi thực tế do trại viết tổ chức là Thượng tá Lưu Xuân Tuyên-Trường Sĩ quan Thông tin (Binh chủng Thông tin-Liên lạc) với 4 bút ký và 2 “Kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội”. Với bố cục chặt chẽ, ngôn ngữ văn học chắt lọc, tác giả đã gieo vào lòng người đọc một ý chí phi thường của một người quân nhân-Trung tá Hoàng Văn Sỹ- Giám đốc Công ty 74 (Binh đoàn 15) trong “Niềm tin ở lại”. Tác giả đã lột tả được vai trò của người đứng đầu Công ty khi giá mủ cao su không ngừng tụt dốc và đời sống của cán bộ, công nhân viên đang bấp bênh. Song với ý chí, quyết tâm của một người lính, Trung tá Hoàng Văn Sỹ đã vực dậy Công ty bằng những hướng đi mới và xây dựng niềm tin đối với cán bộ, công nhân viên-người lao động bằng tinh thần đoàn kết nội bộ… Trung tá Sỹ, Thượng tá Lê Xuân Tuyên bộc bạch: “Mỗi nơi mình đến, mỗi nhân vật mình gặp đều cho mình những cảm xúc rất riêng. Và trong chuyến đi thực tế tại Công ty 74, không khí cởi mở, chân tình giữa lãnh đạo với công nhân ở đây đã khiến mình thật sự lay động”.
Từ một “sân chơi” không chuyên
Trại viết “Điển hình tiên tiến” và “Kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội” toàn quân năm 2016 đã quy tụ 58 cây viết là những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng đến từ các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh những cây bút dày dạn kinh nghiệm đã có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào viết tại các đơn vị, trại viết lần này cũng thu hút nhiều cây bút còn trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi quân, lần đầu thử sức ở một thể loại mới- ký văn học. Trải qua 20 ngày hội tụ tại trại viết, bằng cảm xúc và trải nghiệm thực tế, những người lính đã viết lên các câu chuyện đầy xúc động về những con người, tập thể ưu tú trong lao động, sản xuất, chiến đấu, như: “Hoa cà phê”, “Chàng trai ngoài làng”, “Chuyện người đội trưởng-Hai trong một”, “Tình em gửi trọn con đường”, “Vệt sáng giữa rừng”, “Ru mãi tên anh”…
Chỉ trong thời gian ngắn, Trại viết đã thu được 134 bài viết, trong đó có 91 bài viết “Điển hình tiên tiến”, 43 bài viết “Kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội”. Qua thẩm định, đánh giá bước đầu, Ban tổ chức trại viết khẳng định, chất lượng các bài viết khá tốt, thể hiện qua cách viết có nghề của những cây bút có thâm niên, kinh nghiệm; bên cạnh đó, cũng xuất hiện những nhân tố mới với lối viết giàu cảm xúc, đột phá, sáng tạo. Các tác giả đã thể hiện được những góc nhìn riêng biệt, phân tích, lý giải bản chất của từng câu chuyện, từng sự việc, từng con người, nguyên nhân, động cơ, điều kiện để mỗi cá nhân, tập thể đó phấn đấu đạt được. Thượng tá Lý Hùng Dũng-Trợ lý văn học của Cục Tuyên huấn-Tổng cục Chính trị, người phụ trách trại viết, cho biết: Những tác phẩm của trại viết lần này sẽ hội tụ trong tập sách “Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” tập 16. Ấn phẩm sẽ là nơi trang trọng nhất để những điển hình tiên tiến toàn quân được sánh vai bên nhau, bước vào cuộc sống với vẻ đẹp rạng ngời nhất, có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau dành cho người đọc”. Cũng theo Thượng tá Dũng, sau trại viết, Ban tổ chức sẽ chọn ra những cây bút có năng lực tự thân về hoạt động sáng tạo văn học để bồi dưỡng và tạo điều kiện để tham gia lớp đào tạo chính quy trong và ngoài quân đội, qua đó xây dựng đội ngũ kế cận trong giai đoạn mới.
Phương Dung