Trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam, đông đảo doanh nghiệp đã đồng hành cùng chính quyền phòng chống dịch và giúp đỡ người khó khăn, thông qua việc đóng góp kinh phí, trang thiết bị, nhu yếu phẩm... Danh sách những doanh nghiệp, doanh nhân có nghĩa cử cao đẹp khó liệt kê đầy đủ và điều này thực sự rất đáng quý, khẳng định ý thức trách nhiệm xã hội của các doanh nhân, doanh nghiệp.
Trên rất nhiều diễn đàn, doanh nhân Việt, đặc biệt các doanh nhân trẻ còn thể hiện khát khao cháy bỏng được đóng góp trí tuệ cho đất nước. Trong lần gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với Hội Doanh nhân trẻ TPHCM cách đây chưa lâu, các doanh nhân trẻ đã đề đạt hàng loạt giải pháp, đặc biệt còn đề nghị cho tham gia đóng góp ý kiến trong nhiều chính sách phát triển của thành phố.
Có doanh nghiệp trẻ đã đề nghị “được” tự quyết định đăng ký nhận hay không nhận các gói hỗ trợ tài chính của Nhà nước để vượt qua đại dịch như là một cách thử thách bản thân và chia sẻ khó khăn với Chính phủ.
Truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc của giới doanh nhân Việt Nam không phải bây giờ mới có. Sau khi cách mạng thành công - năm 1945, trong lúc chính quyền còn non trẻ, Bác Hồ đã huy động giới thương gia đóng góp hàng ngàn cây vàng, tiền… cho công cuộc chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng, độc lập, tự do của dân tộc. Chính ngọn lửa yêu nước, sẵn lòng chia sẻ khó khăn với đất nước, với người dân là “bệ đỡ” cho doanh nghiệp Việt qua bao thăng trầm để rồi khi nước ta mở cửa, đổi mới, họ trở lại… và trở thành một trong những động lực chính để phát triển đất nước.
Báo cáo gần đây nhất của Chính phủ cho thấy, doanh nghiệp Việt mà chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp cho ngân sách nhiều nhất, vượt cả doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Doanh nghiệp tư nhân trong nước nắm giữ tổng tài sản lớn nhất (gấp 9 lần tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước, gấp 34 tổng tài sản của các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước, gấp 5 lần tổng tài sản của các doanh nghiệp FDI). Nội lực này còn chưa tính đến nguồn lực rất lớn trong dân, mà nếu được khơi gợi sẽ giúp cho sức mạnh tăng lên gấp nhiều lần. Không bó hẹp trong nước, rất nhiều doanh nhân Việt đã vươn xa, xây dựng thương hiệu, đưa hàng hóa Việt đến nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có không ít thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…
Ngay khi TPHCM kiểm soát được dịch, nới lỏng giãn cách, mở cửa kinh tế trở lại, phần lớn doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp của thành phố đã ngay lập tức kết nối lại đơn hàng, tổ chức lại sản xuất. Trong lúc còn bộn bề khó khăn, doanh nghiệp chỉ đề đạt nguyện vọng có được hành lang pháp lý kinh doanh ổn định. Bởi thời gian qua, tình trạng bộ ngành “đùng một phát” ban hành các quy định làm khó doanh nghiệp vẫn diễn ra. Như chuyện doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có một phen hú vía khi Bộ Y tế xếp hồ tiêu vào nhóm dược liệu và bị kiểm tra chi tiết hồ sơ, chứng từ khi xuất khẩu; hay quy định về “đất công xen cài” trong các dự án bất động sản, dù chỉ có 1m2 cũng phải đấu giá, đã làm cho thị trường bất động sản “đứng hình” nhiều năm.
Một hành lang pháp lý kinh doanh ổn định, rõ ràng, minh bạch là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp ổn định sản xuất, phát triển bền vững và đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước. Khát vọng cống hiến của doanh nghiệp chưa bao giờ lụi tàn và chỉ chờ có làn gió mát là thổi bùng lên.
Theo NGUYỄN KHOA (SGGPO)