Khám phá Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh - "Nóc nhà của Gia Lai"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là điểm du lịch sinh thái lý tưởng, rất thích hợp với các du khách mong muốn tìm một nơi nghỉ dưỡng với cảnh quan tự nhiên phong phú đa dạng cũng như các nhà khoa học.
 
Toàn cảnh vườn quốc gia Kon Ka Kinh được ngắm từ trên cao.
Đến với vùng đất hùng vĩ Tây Nguyên, đến với tỉnh Gia Lai trong chuyến hành trình khám phá thiên nhiên hoang dã, du khách ắt hẳn không thể bỏ qua điểm đến Vườn quốc gia Kon Ka Kinh.
Đây là điểm du lịch sinh thái lý tưởng, rất thích hợp với các du khách mong muốn tìm một nơi nghỉ dưỡng với cảnh quan tự nhiên phong phú đa dạng cũng như các nhà nghiên cứu khoa học.
Vườn quốc gia Kon Ka Kinh được thành lập ngày 25/11/2002 theo Quyết định số 167/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Ka Kinh.
Kon Ka Kinh có tên trong danh sách các khu rừng đặc dụng Việt Nam từ năm 1986 theo Quyết định số 194/CT ngày 9/8/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nhằm bảo tồn rừng á nhiệt đới núi cao với các loài thực vật hạt trần.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku 50km về phía Đông Bắc, phân bố trên phạm vi ranh giới hành chính của 5 xã: Đắk Roong, Kroong, Kron Pne, huyện K’Bang; Hà Đông, huyện Đắk Đoa; Ayun, huyện Mang Yang.
Kon Ka Kinh là đỉnh núi cao nhất trên cao nguyên Pleiku với độ cao 1.748m so với mặt nước biển.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum và một phần xã Đắk Rông; phía Nam giáp xã Hà Ra và một phần xã Ayun; phía Đông giáp một phần xã Đắk Rông, xã Krông, xã Lơ Ku, huyện K’Bang; phía Tây giáp một phần xã Hà Đông.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có nhiều dãy núi có độ cao trung bình 1.200-1.500m, với địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam.
Ngoài ra, Kon Ka Kinh còn nằm trong vùng phân thủy của hai con sông lớn là Sông Ba và sông Đắk Pne. Do địa hình núi cao, dốc nên hệ thống sông suối bắt nguồn từ Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh thường ngắn, hẹp, tốc độ dòng chảy lớn, có nhiều thác ghềnh.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có diện tích 41.780ha vùng lõi và 118.598ha vùng đệm thuộc địa bàn 7 xã thuộc 3 huyện Mang Yang, Đắk Đoa, K’Bang; trong đó 33.146ha đất có rừng, chiếm gần 80% diện tích.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh gồm các kiểu rừng chính: rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp (11.837ha, chiếm 28,9%); rừng kín hỗn giao lá rộng - lá kim mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp (1.253ha, chiếm 3,1%) - là kiểu rừng chỉ thấy ở Kon Ka Kinh trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam; rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới (diện tích nhỏ); kiểu phụ thứ sinh nhân tác (rừng kín lá rộng thường xanh nghèo kiệt, rừng kín thường xanh phục hồi, rừng le, nứa, rừng trồng, đất trống, trảng cỏ…)
Với vị trí địa hình nói trên, hệ động thực vật ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh rất phong phú.
Theo thống kê Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có 687 loài thực vật có mạch thuộc 459 chi, 140 họ; 428 loài động vật, trong đó 42 loài thú, 130 loài chim (thuộc 11 bộ, 34 họ), 51 loài bò sát-lưỡng cư; 205 loài bướm thuộc 10 họ trong bộ cánh vây.
Nhiều loài động thực vật ở Kon Ka Kinh là loài đặc dụng (11 loài), loài quý hiếm (34 loài), loài có giá trị kinh tế (234 loài gỗ quý hiếm như pơmu, kim giao; 110 loài dược liệu; 38 loài làm cây cảnh; 85 loài làm thức ăn động vật).
Kon Ka Kinh có một hệ thực vật hội tụ của những luồng thực vật như Luồng thực vật thuộc khu hệ Bắc Việt Nam (bao gồm các loài cây thuộc họ đậu, dâu tằm, na, giẻ, thầu dầu và mộc lan…), Luồng thực vật thuộc khu hệ Vân Nam-Quý Châu và chân dãy núi Himalaya (bao gồm các loài cây lá kim của ngành phụ hạt trần như thông nàng, hoàng đàn giả, kim giao, pơ mu…) Luồng thực vật thuộc khu hệ Malaysia-Indonesia (bao gồm các loài cây thuộc họ dầu như chò chai, chò đen, chò chỉ, cẩm). Luồng thực vật Ấn Độ-Myanmar (bao gồm một số loài cây thuộc họ bàng như choại; họ tử vi như bằng lăng ổi…).
Bên cạnh đó, còn có một số loài đặc hữu như du moóc, hoa khế, bọ nẹt trung bộ, hoàng thảo vạch đỏ, trắc, thông đà lạt, xoay, gõ đỏ, lọng hiệp, song bột và một số loài quý hiếm khác được ghi vào sách Đỏ Việt Nam và thế giới.
Ở Kon Ka Kinh, hệ động vật rừng đặc hữu cho cả Việt Nam và Đông Dương bao gồm 5 loài thú lớn như  (voọc vá chân xám, vượn má hung, hổ, mang Trường Sơn và mang lớn. 7 loài chim như (khướu đầu đen, khướu mỏ dài, khướu kon ka kinh-loài mới được phát hiện cho khoa học trong vòng 30 năm trở lại đây ở khu vực châu Á, khướu đầu xám, trèo cây mỏ vàng, gà lôi vằn và thày chùa đít đỏ). 4 loài thuộc lớp bò sát ếch nhái (thằn lằn đuôi đỏ, thằn lằn buôn lưới, chàng Sapa, ếch gai sần).
Trong số trên, có nhiều loài quý hiếm có giá trị bảo tồn gen và nghiên cứu khoa học được ghi vào sách Đỏ Việt Nam và thế giới như hổ, voọc ngũ sắc, khỉ đuôi lợn, tê tê Java, cầy tai trắng, gà lôi lông tía, giẻ cùi bụng vàng, các loại khướu, các loại kỳ đà, các loại rắn, cóc mày gai mí, cóc mắt chân dài...
 
Gia đình Chà vá chân xám. (Nguồn: konkakinh.gialai.gov)
Đặc biệt ở Kon Ka Kinh có 8 loài trong lớp thú ghi trong sách Đỏ của IUCN bao gồm 2 loài đang bị đe doạ ở cấp E (Endangered), 4 loài bị đe doạ ở cấp V (Vulnerable), 1 loài gần bị đe doạ Nr (Near-Threatened) và 1 loài ở cấp DD (Data Deficien); có 7 loài trong lớp thú ghi trong sách Đỏ Việt Nam, trong đó có 3 loài đang bị đe dọa ở cấp E, 4 loài ở cấp V và có 4 loài thú đặc hữu cho Đông Dương là vượn má hung, voọc vá chân xám, hổ, mang Trường Sơn; 8 loài bướm mới cho khoa học và 6 loài lần đầu tiên được ghi nhận cho khu hệ bướm Việt Nam.
Ngoài sự phong phú và đa dạng về tài nguyên, Kon Ka Kinh còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lưu vực đầu nguồn của các con sông lớn cung cấp nước tưới cho nông nghiệp và nước sinh hoạt cho các huyện của tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Hơn thế nữa, Kon Ka Kinh còn có tiềm năng cho việc phát triển du lịch sinh thái.
Đến với Kon Ka Kinh là đến với bản làng của các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Ba Na hiện vẫn được lưu giữ như thủa sơ khai.
Sức hấp dẫn, lôi cuốn của khu Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn nằm ở hệ thống sông, suối, thác, ghềnh tự nhiên tuyệt đẹp như thác Đak Pooc, suối Knia, Đak Kơ Bưng, thác Đak Pooc, thác 95 nổi tiếng và đẹp nhất có độ cao khoảng 40m.
Vào mùa hè, dòng nước mát lành của các thác nước này làm không khí lúc nào cũng mát mẻ. Leo lên đỉnh Kon Ka Kinh nhìn xung quanh, bạn sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn: những ngọn núi cao bao phủ bởi mây mù, những dòng thác từ trên cao ào ào tung bọt trắng xóa, vọng lại tiếng gầm của thú rừng hoang dã xen lẫn tiếng hót gọi bạn, tìm nhau của loài chim…
Do địa hình đa dạng với nhiều dãy núi cao chia cắt với mây mù bao phủ quanh năm tạo nên một Kon Ka Kinh hùng vĩ và thơ mộng.
Với khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành và dễ chịu, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là nơi lý tưởng cho nghỉ ngơi, an dưỡng.
(Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.

Lễ khánh thành lưới điện xã Tơ Tung đưa điện về quê hương Anh hùng Núp (ảnh ông Nguyễn Quang Hiền cung cấp).

Chuyện đưa điện lưới về làng Anh hùng Núp

(GLO)- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Một trong những yếu tố then chốt làm nên sự “thay da đổi thịt” trên quê hương Anh hùng Núp chính là quyết tâm đưa điện lưới quốc gia đến với Stơr từ năm 1996 của UBND tỉnh.

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Rộn ràng trẩy Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô

Rộn ràng trẩy Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô

(GLO)- Từ sáng sớm ngày 2-11, nhiều du khách gần xa đã có mặt tại làng Dăng (xã Ia O, huyện Ia Grai) để đón xem Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh năm 2024. Không khí "trẩy hội" nơi biên giới vô cùng rộn ràng, náo nhiệt. Dưới đây là một số hình ảnh P.V Báo Gia Lai ghi nhận được.