Khám phá văn hóa Chăm với hành trình đền Pô Nít-Thác Mai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Du lịch Phan Thiết là hành trình du lịch thu hút khá đông đảo du khách, đã được biết đến từ lâu với nhiều địa điểm nổi tiếng và quen thuộc.

Khám phá đền thờ vua Pô Nít

Đền Pô Nít ở Bắc Bình, quả thực nghe qua còn là điểm tham quan Phan Thiết còn khá mới mẻ. Tuy thế, ai thích tìm hiểu văn hóa đền đình của Bình Thuận thì đã biết nơi này từ lâu hoặc ít nhất cũng là từ khi Đền thờ Pô Nít được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia vào năm 2000.

 

Đền thờ vua Pô Nít mang nhiều ý nghĩa lịch sử.
Đền thờ vua Pô Nít mang nhiều ý nghĩa lịch sử.

Đền thờ Pô Nít tọa lạc ở thôn Bình Hiếu, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Đền thờ Pô Nít chính là nơi thờ tự vua Chăm Pô Nít được xây dựng khoảng giữa thế kỷ XVII.

Vua Pô Nít được nhân dân khắp nơi kính trọng và biết ơn bởi tấm lòng lo cho dân cho nước, có những cống hiến to lớn xây dựng đất nước. Đền thờ được xây dựng trên một ngọn đồi cát cạnh dòng sông cuối sông Lũy về phía hữu ngạn. Trong kháng chiến chống Mỹ, Đền thờ Pô Nít được dời về làng Thanh Hiếu, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình ngày nay.

Đền thờ Pô Nít được xây dựng để thờ tự Vua và hai Hoàng hậu, trong khu điện thờ còn có một gian dành để thờ tướng, còn phía bên ngoài có hai dãy tượng Kút lớn về bên tả và bên hữu của đền. Vua Pô Nít lên ngôi trị vì từ năm 1603 đến 1613. Và sau đó ông nhường ngôi cho em trai của mình là Pô Chài Pran.

Ở gian thờ trung tâm của ngôi đền đặt tượng Vua Pô Nít với dáng vẻ oai phong lẫm liệt. Vua ngồi trên một bệ đá có rảnh và phểu. Lưng Vua tựa vào một bệ đá được chạm trổ tỉ mỉ, chi tiết từng đường nét, tất cả tạo nên một tác phẩm vô cùng nghệ thuật. Pho tượng mang nét văn hóa đặc trưng kiểu bệ thờ Linga – Yoni cách đây, trừ phần thân và phần đầu của pho tượng.

Cạnh bên gian thờ Vua Pô Nít có cửa thông với nơi đặt tượng Hoàng hậu người Chăm là Pô Mứk Chà và tượng Hoàng hậu người Việt là con một vị Chúa Nguyễn, bên cạnh đó là một số tượng Kút tượng trưng cho những người đã khuất mang dòng máu hoàng tộc. Gian thờ tách biệt là nơi tôn vinh vị tướng tài ba người Hồi Pô Kay Mách.

Đền thờ Pô Nít nhìn có kiến trúc như ngôi chùa, nhưng bên trong lại thờ phụng với các nghi thức như ở thời kỳ hưng thịnh người Chăm thuở trước. Đến địa điểm tham quan Phan Thiết – Đền thờ Pô Nít, bạn sẽ được chiêm ngưỡng các di tích như hệ thống 21 tượng đá là các vị vua, hoàng hậu, tướng, Kút.

Bên cạnh là các hiện vật còn sót lại dùng để tế lễ như chén đồng, chén bạc, thau bạc, tô bạc, áo giáp ra trận, các bộ sắc phong của vua triều Nguyễn ban tặng. Bạn còn được tham gia các lễ hội được tổ chức vào đầu tháng 7 âm lịch như lễ hội Katê, lễ cầu đảo, lễ đầu năm mang nhiều nét văn hóa độc đáo của người Chăm.

Nếu có dịp trở lại thăm Phan Thiết Bình Thuận thêm lần nào, hãy đến điểm tham quan Phan Thiết như Đền thờ Pô Nít một lần. Chắc chắn đến thăm nơi đây, bạn sẽ biết thêm nhiều điều giá trị không chỉ kiến trúc, còn về rất nhiều điều thú vị mà có thể bạn chưa từng nghe nói đến trước đây.

Thác Mai-Ngọn thác ẩn chứa bí mật thời gian

 

Dòng Thác Mai hùng vĩ giữa đại ngàn.
Dòng Thác Mai hùng vĩ giữa đại ngàn.

Thác Mai là điểm du lịch Phan Thiết Bình Thuận được biết đến không chỉ bởi cảnh quan của nó, mà còn theo lời đồn chẳng biết xuất hiện từ khi nào rằng, nơi đây có tồn tại một kho báu của người Chămpa xưa. Thế nên, đã có rất nhiều người hiếu kỳ, đã quan tâm khá nhiều đến ngọn thác hùng vỹ này, theo một lý do rất riêng của mình, chứ không bởi đơn thuần về cảnh quan của nó.

Thác Mai thuộc xã La Ngâu, huyện Tánh Linh. Thác có chiều dài khoảng 2km, dòng chảy xuôi, độ cao không như các ngọn thác khác nhưng rất nhiều đá. Dòng chảy của Thác Mai cũng khá rộng, đến mùa nước lũ về, thác không chỉ chảy xiết mà còn rộng tựa như dòng sông, vẩn đục nước vàng một màu phù sa giàu có. Vào mùa khô, Thác Mai trông khá hiền hòa, thậm chí là lãng mạn khi dòng nước màu lục nhẹ chảy, gợn sóng đều khi qua những lớp đá.

 Hai bên dòng nước chảy, bờ đất màu mỡ với cây xanh tươi tốt và hoa dại nở rộ, như một bức tranh đẹp dịu dàng giữa thiên nhiên trầm lắng. Thường du khách đến thăm Thác Mai có thể đi theo hướng Đồng Nai hoặc từ Bình Thuận, qua Đức Linh, Tánh Linh để đến La Ngâu, rồi đến thác.

Hướng Đồng Nai được cho là đường dễ đi hơn nhưng cảnh quan không tuyệt vời bằng hướng Tánh Linh, theo nhiều đường mòn hoang dại đầy thơ để đến với thác. Trên dòng chảy của thác, có khá nhiều đá tảng lớn có thể dùng làm điểm dừng chân nghỉ ngơi, dã ngoại được, khiến rất nhiều yêu thích cảnh thiên nhiên hoang sơ, mỗi mùa khô lại tìm đển để thưởng ngoạn không gian tuyệt vời ở đây.

Cũng không ai thực sự biết chính xác rằng, dưới dòng thác Mai khi trầm hùng, lúc nền nã này có ẩn giấu kho báu nào thật sự hay không, nhưng với những người yêu khám phá chinh phục, thì cảnh quan của thác phong phú qua mỗi mùa mưa nắng đã chính là kho báu rồi.

Đi du lịch dọc hành trình Đồng Nai qua Bình Thuận hay từ Bình Thuận qua Đồng Nai rồi đến Lâm Đồng khá thuận đường, Thác Mai như một điểm nhấn đặc biệt đầy lý thú, không chỉ có cảnh quan thu hút, mà còn có những câu chuyện đầy kì bí và hấp dẫn du khách xa gần đến lạ thường. Một vòng từ Bắc Bình, du khách có thể tiếp tục hành trình khám phá của mình khi về đến Tánh Linh.

Với những điều thú vị từ ngôi đền Pô Nít, cùng với sự bí ẩn về văn hóa người Champa ẩn dưới dòng Thác Mai hùng vĩ, tin rằng du khách sẽ có một trải nghiệm hoàn toàn khác khi một lần nữa đặt chân đến Bình Thuận.

Theo giadinhvaphapluat

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.