Khám phá Gia Lai qua những điểm đến mới lạ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Du lịch Gia Lai một năm khởi sắc với nhiều sự kiện văn hóa hấp dẫn chứng tỏ sự chuyển mình mạnh mẽ, báo hiệu ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh miền núi vùng Bắc Tây Nguyên đang phát triển từng ngày.
Bên cạnh những tài nguyên thế mạnh của du lịch Gia Lai, thời gian qua, một số điểm đến mới đang thu hút du khách khắp nơi tìm đến bởi sự giao hòa giữa thiên nhiên vạn vật, sự cổ xưa hoài niệm một thời giờ trở thành điểm đến ấn tượng, tạo thêm nhiều lựa chọn thú vị cho hành trình trải nghiệm của khách du lịch vào dịp tết Dương Lịch đang đến gần.
Trên hành trình đến với núi lửa Chư Đang Ya có một điểm đến là nơi tâm linh của người dân trong vùng, đó là ngôi nhà thờ cổ được xây dựng từ những năm 1909. Trải qua bao biến cố khắc nghiệt của lịch sử, qua sự bào mòn của thời gian, nhà thờ này đã bị đổ nát, hư hỏng nhiều. Giờ đây, những gì được níu giữ chỉ là hình bóng một tháp cổ còn sót lại của ngôi thánh đường H’Bâu xưa kia. Nhà thờ cổ thuộc địa phận làng Xóa, xã Chư Đang Ya huyện Chư Pah, một phế tích trăm năm bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh vào năm 1968 giờ trở thành điểm đến trên cung đường tham quan. Bởi sự cổ kính, đổ nát nhưng vô cùng độc đáo ấy gợi nhớ về một nơi thờ cổ với kiến trúc đẹp nằm dưới chân núi Chư Nâm huyền hoặc.
Phế tích trăm năm bên núi Chư Đang Ya. Ảnh: Võ Thanh Thảo
Phế tích trăm năm bên núi Chư Đang Ya. Ảnh: Võ Thanh Thảo
Nhà thờ H’Bầu được xây dựng theo lối kiến trúc gotich của Pháp kết hợp với kiến trúc nhà sàn đặc trưng của người Tây Nguyên. Quả thật, ngôi thờ đổ trong cảnh hoang toàn, sừng sững giữa núi non điệp trùng ấy mang một vẻ đẹp kiêu hãnh, làm nao lòng người. Giữa một phần bức tường còn nguyên, những viên gạch vỡ, từng mảng tường đá phủ màu rêu phong hòa cùng màu thời gian bám đen tạo một vẻ đẹp hoang phế, cổ xưa. 
Đập thủy lợi Tân Sơn thuộc địa phận xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 25km về hướng Bắc. Vẻ đẹp của thiên nhiên núi non sông nước gắn với công trình kỳ vĩ do con người tạo ra đã tô điểm lẫn nhau, tạo nên sức hấp dẫn của cảnh quan nơi đây đắm say lòng người.
Vẻ đẹp mê đắm của đập Tân Sơn giữa núi non điệp trùng. Ảnh: Võ Thanh Thảo
Vẻ đẹp mê đắm của đập Tân Sơn giữa núi non điệp trùng. Ảnh: Võ Thanh Thảo
Đứng ở khu đập chính, phóng tầm mắt ra xa, người lữ hành dừng bước, mở toang lồng ngực để trọn vẹn cảm nhận cỏ cây hoa lá reo vui quyện hòa giữa mênh mông sóng nước, điểm xuyến những cành cây khô giữa lòng hồ. Xa xa là dãy núi điệp trùng mang trọn vẻ đẹp thanh bình giữa màu xanh đại ngàn. Cánh đồng lúa vàng nơi vùng trũng như một bức tranh nông thôn bình dị, yên bình khiến ta ngắm mãi, hít hà hương lúa thơm đủ đầy. Đập thủy lợi Tân Sơn tràn đầy sức sống, đẹp nhẹ nhàng, chân phương mà rất lung linh giữa núi rừng Tây Nguyên.
Sắc vàng hoa muồng vàng xen lẫn màu xanh của những lá chè non. Ảnh: Võ Thanh Thảo
Sắc vàng hoa muồng vàng xen lẫn màu xanh của những lá chè non. Ảnh: Võ Thanh Thảo
Trên các ngả đường phố núi những ngày mùa khô ngập tràn những loài hoa bình dị nhưng đẹp đến nao lòng. Có thể nói, những màu hoa ấy đã trở thành sức hút đưa lối bước chân người lữ khách phương xa đến với vùng đất Tây Nguyên xinh đẹp quyến rũ lòng người, để đi xa rồi vẫn mãi nhớ về một miền đất thần tiên nhưng không quên hẹn ngày trở lại. Ai đã một lần đặt chân đến Gia Lai mà chưa được hòa mình trải nghiệm sự thi vị giao hòa giữa thiên nhiên dưới những con đường ngập vàng sắc muồng xen kẽ màu xanh của những đồi chè ở xã Bàu Cạn hay thôn Tây Hồ huyện Chư Prông thì mong hẹn lần sau vào mùa hoa rực rỡ, kiêu hãnh nhất giữa nắng cao nguyên. 
Hùng vĩ thác mơ. Ảnh: Hương Thảo
Hùng vĩ thác mơ. Ảnh: Hương Thảo
Thác Mơ nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 50km, thuộc địa phận làng Ếch, xã Ia Khai, huyện Ia Grai là một trong những thác nước đẹp nhất của tỉnh nhà. Từ trung tâm TP.Pleiku theo tỉnh lộ 667 đến thị tứ Ia Krái, rẽ phải vào trung tâm xã Ia Khai, đến ngã ba làng Ếch là vào đến thác Mơ. Từ trung tâm xã vào thác chỉ độ 5km, thác cách trung tâm huyện gần 30km. Thác Mơ được ví như "nàng công chúa ngủ quên trong rừng” với dòng nước từ trên cao đổ xuống tràn từng bậc đá, bọt nước tung trắng xóa vừa kỳ ảo vừa hùng vỹ. Một điểm dừng chân hấp dẫn, lý tưởng dành tặng du khách yêu thiên nhiên, thích khám phá.. 
Miền đất cao nguyên giữa đại ngàn, còn bao điều đẹp xinh ẩn đến như vậy!
Võ Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.