Như vậy, chỉ trong chưa đầy 2 tháng, Chính phủ đã có cuộc làm việc thứ hai với các doanh nghiệp nhà nước. Cuộc làm việc trước đó diễn ra vào ngày 27.2.
Nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhất là diễn biến thương chiến. Giữa bối cảnh như vậy, vấn đề tăng cường thực lực cho doanh nghiệp (DN) VN một lần nữa được nhấn mạnh. Khối DN VN bao gồm nhóm DN nhà nước (DNNN) và nhóm DN tư nhân. Trong đó, việc nâng chất DN tư nhân là một trong các mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên, cũng có một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận đó là việc nâng cao hiệu quả hoạt động của DN tư nhân thời gian qua còn tồn tại những hạn chế nhất định. Và ngay cả khi áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ DN tư nhân, thì vẫn cần có thời gian để đạt mục tiêu.
Trong quá trình đó, với ưu thế nổi trội về nguồn lực, DNNN cần tăng cường hiệu quả ở tầm mức lớn hơn.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại hội nghị, năm 2024, cả nước có 671 DNNN, gồm 473 DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 DN do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Năm 2024, tổng tài sản của DNNN đạt hơn 5,6 triệu tỉ đồng, vốn chủ sở hữu đạt gần 3 triệu tỉ đồng, tổng doanh thu đạt gần 3,3 triệu tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 227.000 tỉ đồng. Rõ ràng, với nguồn lực như vậy thì nhóm DNNN còn có thể bứt phá mạnh mẽ hơn nữa bằng việc tiên phong các giải pháp chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, để nâng cao năng lực nội tại, giá trị gia tăng của nền kinh tế VN, thì nhóm DNNN với nguồn lực rất lớn được nêu ra ở trên, còn cần phải đóng vai trò nâng đỡ cho khối DN tư nhân. Các chương trình đột phá lớn của khối DNNN nên có sự hợp tác với nhóm DN tư nhân nội địa. Sự san sẻ này là điều nên làm bởi nhiều năm qua, nhóm DNNN đã nhận được không ít hỗ trợ từ nguồn lực công.
Bên cạnh đó, suốt nhiều năm qua, VN có rất nhiều ưu đãi dành cho khối DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việc ưu đãi không chỉ để thu hút đầu tư, giúp gia tăng về "lượng", mà còn phải đóng góp mạnh mẽ về "chất" cho sức mạnh nội tại của nền kinh tế VN thông qua góp phần thúc đẩy nền tảng cho DN VN. Nhưng thực tế chúng ta chưa đạt kết quả như mong muốn.
Trong khi đó, nhóm DNNN hiện nay không chỉ có nguồn lực tài chính và tài sản lớn mà ngày càng phát triển về năng lực công nghệ. Nổi bật như các tập đoàn Viettel, VNPT… hiện đều có nhiều bước tiến trong các lĩnh vực công nghệ. Qua đó, Chính phủ cần có các chương trình để các DNNN có ưu thế về khoa học công nghệ tăng cường hỗ trợ cho khối DN tư nhân. Điều này giúp cho khả năng tự chủ chung của các thành phần kinh tế nội địa có thể được củng cố, phát triển chứ không chỉ trông chờ vào nhóm FDI.
Có như vậy, nguồn lực hùng mạnh hiện có không chỉ thúc đẩy sự phát triển của nhóm DNNN mà còn thúc đẩy sự phát triển đồng bộ cho nhóm DN tư nhân nội địa. Qua đó, sức mạnh nội tại của nền kinh tế VN ngày càng được nâng cao.
Theo Ngô Minh Trí (TNO)