Một ví dụ nổi bật trong lĩnh vực sáng tạo ứng dụng AI, đó là tại triển lãm nghệ thuật bang Colorado (Hoa Kỳ) vào tháng 9-2022, tác phẩm “Théâtre D’opéra Spatial” do AI vẽ đã giành giải nhất, khiến người trong giới lẫn cộng đồng khán giả hội họa ngỡ ngàng. Sự việc cần nhìn ở nhiều góc độ và chuyện bản quyền vẫn còn đụng chạm, nhưng một thực tế không thể phủ nhận, công nghệ đã chạm vào từng ngóc ngách của văn hóa - nghệ thuật, thậm chí các lĩnh vực sáng tạo ngày càng nhiều.
Bức tranh Théâtre D'opéra Spatial đoạt giải nhất tại Triển lãm nghệ thuật Colorado vào ngày 29-8 - Ảnh: GETTY IMAGES |
Bảo tàng hay phòng tranh vốn trầm lắng trong mặt bằng chung so với các hoạt động văn hóa, giải trí khác. Tuy nhiên, sự chuyển đổi trong lĩnh vực này ngày càng rõ nét, khi ứng dụng công nghệ được nhiều bảo tàng áp dụng. Nếu 3 năm trước đây, “bảo tàng ảo” chỉ phổ biến hoặc là mô hình đáng học hỏi từ các bảo tàng lớn trên thế giới, thì hiện tại, các bảo tàng trong nước đều đã triển khai, hoặc ít nhất đều có các chuyên đề trưng bày trực tuyến, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và tham quan từ xa của du khách.
Không chỉ ứng dụng công nghệ trưng bày hay công nghệ nghe nhìn như: thực tế ảo (Virtual Reality - VR), thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality - AG)… nhiều phòng tranh xây dựng hẳn không gian triển lãm trên các nền tảng trực tuyến, mở không gian xem tranh không giới hạn, không khoảng cách và tiếp cận nhà sưu tập trên nhiều phương diện và giao dịch điện tử.
Sự bùng nổ của web drama (được hiểu là phim chiếu trên các nền tảng mạng xã hội) đặt phim truyền hình, điện ảnh, thậm chí các lĩnh vực sân khấu truyền thống buộc phải chuyển đổi mình mới hơn. Lựa chọn giải trí của khán giả ngày càng cao, xem - nghe - đọc phải thỏa mãn các yếu tố như nhanh - gọn - đa dạng lựa chọn… Việc chuyển từ sân khấu truyền thống lên các nền tảng trực tuyến không phải là đều dễ dàng, và trong đó, tư duy của người làm nghề còn quan trọng hơn là kỹ thuật, công nghệ.
Cuộc chuyển đổi công nghệ cũng có thể ví như cuộc chơi, mà người làm sáng tạo phải thích nghi để làm chủ hoặc thua cuộc. Trong cuộc chơi này, việc bày tỏ ý kiến của khán giả cũng có nhiều cách để thể hiện hơn. Ở môi trường không biên giới, việc khen chê một tác phẩm đôi khi trở thành làn sóng gây tranh cãi chứ không đơn thuần chỉ là ý kiến khen - chê. Điều này đòi hỏi bản lĩnh làm nghề của người làm sáng tạo mạnh mẽ hơn bao giờ hết, để chấp nhận một cách sòng phẳng.
Kẻ mở đường thường là người đơn độc, nhất là những xu hướng mới càng khó được chấp nhận trong một sớm một chiều. Việc chuyển đổi các loại hình sáng tạo nghệ thuật sang nền tảng số, bước đầu chỉ ở mức lác đác lượt xem là việc phải chấp nhận đầu tiên, bởi thói quen và thị hiếu thẩm mỹ của khán giả không đồng đều và không dễ thay đổi. Việc kiếm tiền từ các nền tảng trực tuyến luôn là con số thu nhập “siêu khủng”, nhưng hái ra tiền từ lượt view (lượt xem), lượt like (lượt thích)… luôn phải trải qua bước “nếm mật nằm gai”, đòi hỏi những khoản đầu tư chất lượng về con người, nội dung đi kèm công nghệ, trước khi hái được trái ngọt.
Nhưng, kẻ mở đường sẽ không đơn độc nếu sản phẩm làm ra đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức của người dân và đặc biệt không là “rác văn hóa”…