Nâng cấp, sửa chữa nhiều tuyến đường
Tuyến đường nối từ đường Trường Sơn Đông vào trung tâm xã Lơ Ku dài hơn 11 km, có nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Nhiều đoạn mặt đường bong tróc hết lớp nhựa, đất đá lởm chởm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Chưa hết, một số chỗ sụt lún, mặt đường không còn lớp bê tông tạo nên những rãnh đất sâu sình lầy. Trên đoạn từ trung tâm xã đến thôn 5 (xã Krong) có những đoạn còn xuống cấp nghiêm trọng hơn. Ngoài ổ gà chằng chịt, lề đường bị xói lở đến mức ô tô không đi lại được.
Huyện Kbang sửa chữa một số vị trí xuống cấp nghiêm trọng trên tuyến đường vào trung tâm xã Lơ Ku để đảm bảo việc đi lại của người dân. Ảnh: M.P |
Anh Nguyễn Văn Hùng (làng Lợt, xã Nghĩa An) là thương lái thu mua nông sản thường xuyên đi lại trên đoạn đường này. Anh cho biết: “Không chỉ xuống cấp, tuyến đường này còn nhỏ hẹp. Không những vậy, bà con ở đây trồng keo, bạch đàn nhiều, đến kỳ khai thác xe tải chở nặng càng khiến đường bị hư hại”.
Còn ông Nông Văn Nghĩa (thôn 1, xã Lơ Ku) thì cho hay: Tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng, nhiều vị trí bị bong tróc lớp nhựa, xuất hiện hàng loạt ổ gà khiến việc lưu thông gặp khó khăn. Ngoài việc đề nghị các ngành chức năng sớm nâng cấp, sửa chữa, bà con còn mong mỏi tuyến đường được mở rộng hoặc đầu tư mới.
Theo ông Hồ Xuân Dương-Chủ tịch UBND xã Lơ Ku: Hiện nay, nhiều đoạn mặt đường trũng sâu khiến xã phải đặt biển cảnh báo. “Năm nào huyện cũng cấp kinh phí sửa chữa, có năm sửa chữa 2-3 lần nhưng theo kiểu chắp vá, sửa chỗ này thì lại hư chỗ khác. Kinh phí không đảm bảo nên huyện chỉ sửa chữa một trong nhiều chỗ hư hỏng đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy, các ban ngành cần khảo sát, đánh giá thực trạng toàn tuyến và có cái nhìn tổng thể, tính toán hiệu quả để đầu tư cho xã tuyến đường nhằm đảm bảo an toàn giao thông, giúp phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số”-ông Dương cho biết.
Trong khi đó, nhiều năm nay, tuyến đường huyết mạch từ đường Trường Sơn Đông đi xã Đak Smar và Krong (hơn 31 km) cũng bị hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Đường xuống cấp đến nỗi, nhiều hộ dân trong xã chấp nhận chọn đi đường vòng qua xã Đak Rong để ra trung tâm huyện dù phải mất thêm vài chục cây số.
Ông Nguyễn Tiến Ninh-Chủ tịch UBND xã Krong-cho biết: “Một phần nguyên nhân dẫn đến tuyến đường hư hỏng nặng là do xe tải chở gỗ keo, bạch đàn của bà con di chuyển thường xuyên trên tuyến đường này. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng nhiều lần kiến nghị sớm sửa chữa, đầu tư nâng cấp tuyến đường”.
Ưu tiên giao thông vùng khó
Theo Chủ tịch UBND xã Lơ Ku, hiện tại, UBND huyện đã cho sửa chữa những chỗ hư hỏng nghiêm trọng trên tuyến đường dẫn vào xã. Mặt khác, Dự án mở rộng nâng cấp đường trung tâm xã Lơ Ku-đoạn từ trụ sở Công an xã đến ngã ba đường liên thôn (đường vào thôn Lơ Vi) dài hơn 623 m với tổng vốn đầu tư trên 9,4 tỷ đồng cũng đang được huyện triển khai. Theo đó, đoạn tuyến này khi hoàn thành có nền đường hoàn thiện rộng 14 m, mặt đường rộng 7,5 m (hiện là 3,5 m), được đầu tư hệ thống thoát nước nhằm tạo mỹ quan khu vực, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Nhiều vị trí hư hỏng nặng trên tuyến đường vào trung tâm xã Lơ Ku không có kinh phí đầu tư sửa chữa. Ảnh: Minh Phương |
Đối với tuyến đường đi xã Đak Smar và Krong, UBND tỉnh cũng đã có quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đường liên xã huyện Kbang. Tuyến đường được thiết kế với quy mô đường giao thông cấp V miền núi, có tổng mức đầu tư trên 135 tỷ đồng, tổng chiều dài các nhánh tuyến là 31,69 km. Dự án sẽ được thi công giai đoạn 2024-2026, do UBND huyện Kbang làm chủ đầu tư. Tuyến đường được đầu tư với kỳ vọng đáp ứng nhu cầu giao thông, từng bước hoàn thiện hạ tầng cơ sở của huyện Kbang.
Ông Phạm Thành Nhân-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kbang-cho biết: Huyện đã có quyết định đầu tư sửa chữa nền, mặt đường và hệ thống thoát nước nhiều tuyến đường liên xã. “Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ người dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán 2024, huyện bố trí kinh phí hơn 1 tỷ đồng để sửa chữa một số vị trí hư hỏng xuống cấp ở các tuyến đường như: đường đi xã Lơ Ku, đường vào Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, Kông Lơng Khơng, Kông Pla, Đak Hlơ và khoảng 1 tỷ đồng sửa chữa đường đi xã Kon Pne. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, duy tu sửa chữa, khắc phục hư hỏng trên các tuyến đường do huyện quản lý theo nguồn vốn sự nghiệp giao thông hàng năm”-ông Nhân thông tin.
Trao đổi với P.V, ông Phan Đình Phùng-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Kbang-cho hay: Năm 2023, với nguồn vốn hơn 46,4 tỷ đồng, đơn vị đã triển khai các công trình: mở rộng, nâng cấp đường trung tâm các xã: Lơ Ku, Tơ Tung, Đak Hlơ và Kon Pne; triển khai Dự án phát triển du lịch cộng đồng làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng); Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Tăng Lăng, Hro, Sơ Lam, Klếch (xã Krong).
Cũng theo ông Phùng: Với tổng kế hoạch vốn các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 trên 50,2 tỷ đồng, đơn vị tiếp tục đầu tư các công trình chuyển tiếp từ năm 2023 chuyển sang và khởi công mới nhiều dự án. Trong đó, tiếp tục triển khai mở rộng, nâng cấp tuyến đường trung tâm các xã: Lơ Ku, Tơ Tung, Kon Pne và khởi công đường từ trung tâm xã Kông Lơng Khơng, Kông Pla đi xã Đông; đường từ trung tâm xã Sơ Pai đi xã Đak Smar.
“Việc các dự án đường giao thông được triển khai thi công kịp thời, đảm bảo chất lượng sẽ phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông ở cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương”-ông Phùng nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu