Ia Grai: "Nóng" tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thời gian gần đây, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Ia Grai diễn biến rất phức tạp. Dù chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp song tình trạng này vẫn âm ỉ kéo dài. 
Sự bất thường ở một điểm khai thác đất, đá 
Con đường liên xã từ ngã ba Xe Tăng (xã Ia Krai) vào xã Ia Chía chỉ trong thời gian ngắn đã bị “cày” nát bởi những chiếc xe chở đất, đá đi qua. Theo phản ánh của người dân, nơi đây tồn tại một khu vực khai thác đất, đá trái phép nhưng không thấy cơ quan chức năng xử lý. Thế nên, các loại xe tải vài chục tấn vẫn bon bon trên đường trong khi tuyến đường này cắm biển giới hạn tải trọng tối đa chỉ 10 tấn. Theo chỉ dẫn của người dân, từ ngã ba Xe Tăng đi vào khoảng 4 km, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những chiếc xe tải hiệu Shacman hàng chục tấn nối nhau chở đất từ lô cao su ra đường liên xã khiến đoạn đường bụi mù mịt. Lần theo con đường này, chúng tôi thấy vết bánh xe cơ giới cày nát bên trong những lô cao su. 
Chỉ cách tuyến đường liên xã chưa đến 500 m, chúng tôi thấy cả một khu vực đồi đã bị đào xới, những viên đá được khai thác chẻ ra vuông vức nằm gần đó chờ vận chuyển đi nơi khác. Tại khu vực này, các đối tượng đã mở hẳn 2 con đường để đi vào điểm khai thác. Nằm ngay trên bãi đất là 1 chiếc máy đào hiệu Kobe đang chờ sẵn để khai thác đất, đá, thậm chí lán tạm cũng dựng lên tại đây. Nhìn cả trăm mét khối đất, đá nằm lộ thiên, có thể thấy, việc khai thác đã diễn ra trong suốt thời gian dài. Điều lạ là con đường này cũng là nơi hàng ngày cán bộ xã Ia Chía qua lại đi làm nhưng không một ai hay biết. Điểm khai thác trái phép này cũng cách trụ sở UBND xã Ia Chía không xa.
 Một điểm khai thác đá trái phép tại làng Bek (xã Ia Bă, huyện Ia Grai). Ảnh: K.T
Một điểm khai thác đá trái phép tại làng Bek (xã Ia Bă, huyện Ia Grai). Ảnh: K.T
Điều đáng nói, ngày 31-10 vừa qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai đã cùng chính quyền xã Ia Chía lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 1 trường hợp về hành vi khai thác khoáng sản trái phép với số tiền 4 triệu đồng; đồng thời, đình chỉ điểm khai thác trái phép trên. Thế nhưng, chỉ 20 ngày sau, các đối tượng vẫn ngang nhiên đưa máy móc, nhân công vào đây múc đất, khai thác đá. Trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Thái Anh Tuấn-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai-khẳng định: “Năm ngoái, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện 1 máy đào bị hỏng nằm tại đây. Hiện trạng có đào ra rồi, 4-5 viên đá khoảng 1 m3, Phòng đã giao cho UBND xã giám sát khu vực này, nếu có trường hợp nào khai thác thì xử lý, báo cáo về Phòng. Thế nhưng, hỏi xã thì xã bảo không có”.
Chính quyền buông lỏng quản lý?
Theo thống kê của UBND huyện Ia Grai, năm 2018, địa phương đã phát hiện 20 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, xử phạt hơn 183 triệu đồng; tịch thu 8.150 viên đá chẻ, 46 m3 đá cục, 20 m3 đá trụ, 7 búa đập đá, 66 m3 cát, 2 máy hút nước và 1 máy hút cát. Các xã: Ia Hrung, Ia Khai và Ia Bă là địa bàn “nóng” về khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện. Đối với điểm khai thác đất, đá trái phép tại xã Ia Chía mà P.V phản ánh, ông Thái Anh Tuấn thừa nhận: “Cái này từ đầu phát hiện đã giao cho xã rồi. Việc xe chở đất, đá như vậy chắc xã biết nhưng không hiểu lý do vì sao không thấy báo”. 
Không riêng gì tại xã Ia Chía mà trên địa bàn xã Ia Bă, tình trạng khai thác đá chẻ, đá trụ bazan trái phép cũng diễn biến phức tạp. Để xảy ra tình trạng này không thể không có phần trách nhiệm của chính quyền xã Ia Bă. Bởi như trường hợp ông Lê Văn Nguyên (trú tại thôn Chư Hậu 6, xã Ia Bă) bị UBND huyện Ia Grai xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 45 triệu đồng khi khai thác đá trái phép trên địa bàn xã Ia Bă, đồng thời tịch thu 5.000 viên đá chẻ, 7 búa đập đá. Điều đáng nói, điểm khai thác đá trái phép trên chỉ cách trụ sở UBND xã Ia Bă khoảng 700 m. Hay như trường hợp ông Nguyễn Văn Minh (trú tại phường Yên Đổ, TP. Pleiku) bị UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 85 triệu đồng về hành vi khai thác khoáng sản trái phép, tịch thu 20 m3 đá trụ. Điểm khai thác đá của ông Minh cũng nằm cách trụ sở UBND xã Ia Bă không xa và đường vận chuyển đi ngang qua trụ sở của UBND xã này. Chính vì vậy, UBND huyện Ia Grai đã có hình thức kỷ luật đối với ông Nguyễn Xuân Bổn-Chủ tịch UBND xã Ia Bă cùng một số cán bộ xã liên quan do buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc phát hiện, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép. 
Có thể thấy, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra âm ỉ ở một số địa phương trên địa bàn huyện Ia Grai một phần là do trách nhiệm của chính quyền địa phương ở cơ sở trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản còn chưa cao. Điều này không chỉ gây thiệt hại tài nguyên quốc gia, thất thu ngân sách nhà nước mà còn phát sinh nhiều hệ lụy về môi trường và xã hội.
 Khánh Toàn

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.