Hồn mưa Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Pleiku có gì đâu mà đẹp”, người ta thường nói như vậy, thờ ơ, bâng quơ và hời hợt. Mỗi khi nghe vậy, tôi chỉ yên lặng và nở một nụ cười nhẹ. Có lẽ, “đẹp” trong mắt họ là cái hoa lệ và lộng lẫy nơi xứ người. Ấy nhưng, tôi đã từng thấy những kẻ lữ hành in dấu chân khắp bốn bể năm châu đã từng cam nguyện trở thành một tên ngốc si tình trao trái tim nóng hổi cho xứ sở Pleiku.
Và tôi cũng là kẻ đã trót gửi tình yêu Pleiku cho từng hạt mưa sa trao tặng đất trời. Phải chăng vì vậy nên kỳ lạ thay, trong mắt tôi, Pleiku và những cơn mưa ngàn lại đẹp đến vậy, khiến tôi si mê và ngơ ngẩn chẳng lối về.
Pleiku… Tôi nhớ những chiều mưa nơi ngõ vắng.
 Mưa trên đỉnh Hàm Rồng (TP. Pleiku). Ảnh: internet
Mưa trên đỉnh Hàm Rồng (TP. Pleiku). Ảnh: internet
Hồi còn bé tí teo, nhà tôi ở trong một xóm nhỏ ngoại ô, vây quanh là những cây cùng lá. Còn nhớ hôm ấy, bầu trời phủ kín một tầng mây trắng xám đan xen, như bức tường cũ ố lên vài vệt phai sờn. Cơn gió nhẹ mát trong không khí thanh thanh chợt như đứa trẻ dỗi hờn mà trở mặt, xô ngả nghiêng vài bụi hoa dại, hất tung cành lá già nua xơ xác lên không trung, giận dỗi ùa vào nhà cái hơi lạnh run người. Lúc ấy, tôi còn nhớ mình lon ton chạy tới cánh cửa, nép mình bên trong ngó ra phía ngoài, nghiêng đầu nhìn mấy người hàng xóm quát tháo đám con nít ham chơi ra ngoài sân phụ lấy dây đồ đang phơi, í ới gọi nhau thu lại mấy tấm bạt phơi cà phê. Tôi lại nhìn tia chớp sáng rỡ trên trời cao cùng tiếng sấm ầm vang như tiếng trống lệnh. Rốt cuộc mưa cũng đến. “Rầm rập, rầm rập” như thanh âm vó ngựa của ngàn con tuấn mã lao đi trên thảo nguyên. Tôi tròn mắt nhìn bức màn nước từ xa lướt đến ngày càng gần và bao phủ lấy đất trời, bắn tung tóe những hạt mưa mát lạnh lên nền đất, lướt đến gột rửa cho những cành những lá.
Và rồi mưa cũng dứt sau một hồi tầm tã. Nắng không vội lên tỏa khắp thế gian mà dường như đang bận bịu cùng mặt trời thu dọn những áng mây xám xịt là bụi mù sau cuộc phi nước đại của đàn ngựa hoang. Bầu trời lộ ra một khoảng xanh thắm dịu dàng như màu nước Biển Hồ trong sóng mắt người thiếu nữ. Tôi vòi ba bắt cho mình mấy con chuồn chuồn đang lượn lờ trong sân; tiếng rao bán đồng nát cùng tiếng bánh xe cọc cạch lại vang lên trong ngõ xóm, mấy đứa con nít lại ùa ra rong ruổi trên con đường đẫm nước mưa. Cái thuở ấy, tôi cảm nhận và in dấu hồn mình trong mưa Pleiku vùng ngoại ô thôn dã bằng những xúc cảm ngây thơ nhất, giống như cái cách tôi đã phát hiện “thác mưa” kéo đến trùm lấy vạn vật, hay cái cách tôi hít hà mùi hương của cỏ cây sau cơn mưa và vui vẻ nhìn bầu trời quang đãng ấy. Mà hình như mưa Phố núi cũng như một người bạn, chúng tôi nắm tay nhau tiến lên từng bước một, cùng nhau trưởng thành.
Kìa, sao mà thời gian trôi nhanh quá, thấm thoắt Pleiku đã cùng tôi trải qua mấy năm tuy dài mà với đời người thì lại thật ngắn ngủi. Tôi thấy mình ngồi sau yên xe máy cùng chiếc áo mưa dài che chắn từng hạt mưa đêm lạnh buốt, bơ phờ trở về sau một buổi ôn thi mà lòng lo lắng chẳng dứt, không biết có thi trượt hay chăng. Tôi thấy mình buồn phiền vén một góc áo mưa che phủ tầm mắt, ánh đèn đường rực rỡ như khảm ngọc lưu ly chợt làm tôi ngẩn ngơ. Tôi thấy mình lặng thinh trên yên xe với tiếng động cơ rừ rừ cùng tiếng mưa rơi, ngỡ bản thân đã lạc mất điều gì… Pleiku của tôi, trái tim của tôi, linh hồn của tôi, trong cơn mưa thấm đẫm đất trời lại diễm lệ như hình ảnh nàng thiếu nữ độ xuân xanh. Tất cả đang lướt qua đáy mắt.
Tôi đã từng thấy một Pleiku u sầu trong mưa dầm, một Pleiku giận dữ mang theo bão tố cùng chớp giật, một Pleiku ôn hòa với cơn mưa nhẹ rơi, một Pleiku tinh nghịch vẩy mưa bay trên phố rồi dùng cọ màu phất lên bầu trời dải cầu vồng bảy sắc thật vui tươi. Chỉ là tôi chưa từng ngắm nhìn kỹ càng, cũng chưa từng biết rằng giữa muôn trùng đại ngàn, nàng thơ Pleiku mộc mạc và chân chất vẫn luôn ẩn giấu vẻ kiêu sa giữa những cơn mưa đêm. Từng ánh đèn đường vàng nhạt soi rõ cung đường cho những kẻ xa lạ vội vã, những dòng xe lặng lẽ di chuyển dưới cơn mưa chéo góc phố, những quán xá và nhà cửa san sát nhau hắt khẽ ánh đèn, những cây bằng lăng đậu hoa tím rực thấm đẫm mưa đêm. Mặt đường nhòe nước phản chiếu bóng hình của vạn vật trong một đêm rả rích phiền muộn. Mãi đến tận khi tôi lại ngồi vào bàn học trong căn nhà vương chút hơi lạnh, mưa mới dứt, hương đất trời lành lạnh phả vào sống mũi, len lỏi qua kẽ áo khiến tôi chợt rùng mình. Pleiku sau cơn mưa lại càng thêm tĩnh lặng, cây xà cừ trước nhà theo gió lay nhẹ tán lá, rơi vài giọt lệ trong.
Mưa Pleiku cứ dịu dàng như vậy, trói chặt tâm hồn tôi vào xứ sở mù sương. Dẫu cho mai này có tung cánh xa xôi xứ người, tôi sẽ vẫn mãi nhớ một Pleiku mưa giăng đầy ngõ nhỏ.
LÊ NHẬT MINH

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

(GLO)- "Gia Lai một hai ba" của Nguyễn Thanh Mừng dẫn người đọc qua những nẻo đường dốc đèo, qua tiếng thác reo và chiêng cồng, để gặp lại khí phách người xưa. Mỗi hình ảnh, mỗi nhịp thơ là một lát cắt vừa hoang sơ, vừa tự hào về bản sắc không thể phai mờ của đại ngàn Tây Nguyên.

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

(GLO)- Trong bài thơ "Nghe con đọc thơ về Tổ quốc", tác giả Lê Thành Văn để mạch cảm xúc tuôn chảy tự nhiên: từ sự rưng rưng khi nhớ về chiến tranh đến niềm tin lặng lẽ gửi gắm vào thế hệ mai sau. Bài thơ như một nhịp cầu nối liền quá khứ đau thương và hiện tại bình yên.

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

(GLO)- Giữa những cơn gió xào xạc của núi rừng Tây Nguyên bỏng rát, bài thơ “Biên cương mùa gió” của Lê Vi Thủy như thổi vào lòng người nỗi xúc động lặng thầm. Từ ánh mắt trẻ thơ đến no ấm buôn làng và những giọt mồ hôi người lính, tất cả hòa quyện trong khát vọng yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.