(GLO)- Ngày 26-6, Sở Giao thông-Vận tải tổ chức hội thảo về công tác quản lý hoạt động xe máy kéo nhỏ, xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng, lãnh đạo Vụ An toàn Giao thông (Bộ Giao thông-Vận tải), Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam cùng đại diện Sở Giao thông-Vận tải 5 tỉnh Tây Nguyên.
Ảnh: Lê Lan |
Theo thống kê, trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên hiện có khoảng 145.000 chiếc xe máy kéo nhỏ, xe máy kéo phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đak Lak, Gia Lai và Đak Nông. Mặc dù những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm kiềm chế tai nạn giao thông liên quan đến loại phương tiện trên, tuy nhiên, thời gian gần đây, số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến các phương tiện này vẫn xảy ra khiến nhiều người tử vong.
Với đặc thù địa hình đồi núi phức tạp, việc sử dụng xe máy kéo nhỏ, xe máy kéo phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên khá phổ biến và hiện vẫn chưa có phương tiện nào thay thế phù hợp. Để kiềm chế tai nạn giao thông cũng như tăng cường các biện pháp quản lý đối với phương tiện này, các tham luận tại hội thảo cho rằng, Bộ Giao thông-Vận tải và các ngành liên quan cần sớm ban hành những quy định cụ thể trong việc quản lý, đăng ký và tiêu chuẩn phương tiện. Đồng thời, tạo cơ chế, chính sách giúp người dân (đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số) được đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe A4. Cùng với đó, mỗi địa phương cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát; đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ để người dân nâng cao nhận thức khi tham gia giao thông.
Lê Lan