Học sinh Gia Lai hân hoan tựu trường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tiếp nối khối lớp 1, sáng 29-8, gần 400 ngàn học sinh trên toàn tỉnh Gia Lai đã chính thức tựu trường để khởi đầu năm học mới 2023-2024. Từ vùng thuận lợi cho đến nơi khó khăn, không khí hân hoan trong ngày đầu tới lớp được lan tỏa dưới nhiều hình thức.

Niềm vui ở ngôi trường mới

Sau những ngày hè xa cách, nhiều giáo viên, học sinh lẫn phụ huynh không giấu được niềm vui khi được gặp lại nhau trong ngày tựu trường. Càng phấn khởi hơn khi ngôi trường mà họ đang gắn bó vừa được khoác lên mình “tấm áo mới” thật khang trang, sạch đẹp.

Học sinh lớp 2 của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (phường Hội Phú, TP. Pleiku) phấn khởi tựu trường tại lớp học mới ở cơ sở 1. Ảnh: Mộc Trà
Học sinh lớp 2 của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (phường Hội Phú, TP. Pleiku) phấn khởi tựu trường tại lớp học mới ở cơ sở 1. Ảnh: Mộc Trà

Vừa dắt con trai dạo một vòng quanh cơ sở 1 của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (303 Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, TP. Pleiku), chị Nguyễn Thị Chuyện (tổ 2, phường Trà Bá, TP. Pleiku) chia sẻ: “Năm ngoái, 2 con trai tôi đều học ở cơ sở 2 của trường tại số 24 Mạc Đăng Dung. Năm nay, cơ sở 1 được đầu tư xây dựng, có bếp ăn bán trú nên một bé học lớp 2 được chuyển về đây. Con tỏ ra khá hào hứng khi nhìn thấy lớp học sạch đẹp, bàn ghế mới tinh. Tôi cũng khá an tâm khi cho con theo học tại trường”.

Theo Phó Hiệu trưởng Lê Thị Thu Hiền, sau 1 tuần ổn định nền nếp cho 237 học sinh lớp 1, sáng 29-8, nhà trường tiếp tục đón hơn 840 học sinh các khối còn lại tựu trường, bắt đầu năm học mới 2023-2024. Trong đó, nhiều học sinh lớp 2, 3 được chuyển từ cơ sở 2 lên học tập tại cơ sở 1.

“Được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, nhà trường đang được đầu tư xây dựng dãy nhà học 4 tầng gồm 6 phòng học, 2 phòng chức năng, bếp ăn và một số hạng mục phụ trợ; đồng thời, đầu tư thêm 108 bộ bàn ghế học sinh bán trú và các trang-thiết bị dạy-học tại cơ sở 1. Công trình được khởi công vào tháng 3-2023 với tổng mức đầu tư là 14,6 tỷ đồng. Hiện đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trước ngày khai giảng. Với cơ sở vật chất đầy đủ, nhà trường dự kiến sẽ tổ chức 8 lớp bán trú trong năm học này”-cô Hiền thông tin.

Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (phường Hội Phú, TP. Pleiku) kiểm tra sách vở, đồ dùng học tập của học sinh trong ngày tựu trường. Ảnh: Mộc Trà
Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (phường Hội Phú, TP. Pleiku) kiểm tra sách vở, đồ dùng học tập của học sinh trong ngày tựu trường. Ảnh: Mộc Trà

Tương tự, hơn 770 học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (thị xã An Khê) cũng phấn khởi không kém khi cùng nhau tựu trường tại cơ sở mới. Trường được chuyển về tổ 3 (phường An Phước) với không gian rộng rãi, khang trang trên diện tích 3.600 m2.

Hơn 770 học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (thị xã An Khê) hân hoan tựu trường ở cơ sở mới tại tổ 3, phường An Phước. Ảnh: Ngọc Minh
Hơn 770 học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (thị xã An Khê) hân hoan tựu trường ở cơ sở mới tại tổ 3, phường An Phước. Ảnh: Ngọc Minh

Em Nguyễn Ngọc Quỳnh Như (lớp 12A1) bày tỏ: “Em rất hào hứng khi được học trong ngôi trường mới sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi. Em tin mình và các bạn sẽ có được những trải nghiệm thú vị trong năm học cuối cấp với các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, cắm trại… mà những năm trước bị hạn chế bởi không gian ở trường cũ khá chật hẹp. Sau khi nhận lớp, nghe giáo viên chủ nhiệm phổ biến một số nội dung cần lưu ý để chuẩn bị cho ngày khai giảng, chúng em đã đi tham quan trường mới và chung tay trồng 1.000 cây keo ở xung quanh khuôn viên nhằm tạo không gian xanh mát cho ngôi trường”.

Cán bộ, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến (thị xã An Khê) trồng cây xung quanh khuôn viên trong ngày tựu trường. Ảnh: Ngọc Minh
Cán bộ, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến (thị xã An Khê) trồng cây xung quanh khuôn viên trong ngày tựu trường. Ảnh: Ngọc Minh

Hòa chung niềm hân hoan ấy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám (phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) Ngô Bảo Châu cũng cho biết: Những năm học trước, do thiếu phòng học nên công tác dạy học của trường gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tháng 6-2022, trường đã được địa phương quan tâm đầu tư xây dựng 2 dãy nhà học mới gồm 10 phòng học, 6 phòng chức năng và 1 nhà đa năng với tổng kinh phí 14 tỷ đồng. Đầu năm học này, công trình chính thức được đưa vào sử dụng. Đây là động lực to lớn để nhà trường nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Em rất vui vì được đến trường gặp lại thầy cô, bạn bè sau kỳ nghỉ hè kéo dài. Càng vui hơn vì năm nay chúng em được học tại dãy phòng mới và được trải nghiệm thực hành các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học tại phòng chức năng vừa được bố trí”-em Tô Ngọc Hân (lớp 9A) hào hứng nói.

Chở trò… tựu trường

Khác với địa bàn thuận lợi, để học trò tựu trường đầy đủ, từ ngày hôm trước, giáo viên ở các trường vùng khó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã cùng nhau vượt suối, băng rừng đến tận nhà, ra tận rẫy để vận động rồi chở học sinh tới lớp.

Giáo viên vùng khó ở huyện Kbang vượt đường xa chở học sinh đến tựu trường. Ảnh: Kim Hòa
Giáo viên vùng khó ở huyện Kbang vượt đường xa chở học sinh đến tựu trường. Ảnh: Kim Hòa

Với cô giáo Đàm Thị Hà, đây đã trở thành việc làm quen thuộc kể từ khi cô về công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đak Rong (xã Đak Rong, huyện Kbang) từ năm 2017 đến nay.

“Nhà cách trường từ 7-20 km nên từ chiều 28-8, chúng tôi đã phải về làng huy động và chở học sinh tập trung ra lớp. Sáng 29-8, cô trò bắt đầu triển khai các phần việc cho năm học mới. Lớp tôi chủ nhiệm có 28 em, 100% học sinh là người Bahnar. Những học sinh ở xa, có hoàn cảnh khó khăn được nhà trường tạo điều kiện cho ăn, ở nội trú để an tâm học tập”-cô Hà cho hay.

Năm học này, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đak Rong có 595 học sinh (học sinh dân tộc thiểu số chiếm 96%). Bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao, công tác huy động học sinh vào lớp 1, lớp 6 của trường đều đạt 100%. Nhà trường cũng vừa trích kinh phí mua 3.000 cuốn vở và vận động các Mạnh Thường Quân, doanh nghiệp hỗ trợ 100 bộ sách giáo khoa các lớp 1, 2, 3, 4, 6 và 8 để tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vào dịp tựu trường.

Nâng niu bộ sách mới trên tay, em Đinh Thị Bảo Trâm (lớp 4A) thủ thỉ: “Dịp nghỉ hè, em theo bố mẹ lên rẫy ở, phụ giúp trông nom các em. Được thầy cô vận động, sáng 28-8, bố mẹ đưa em về nhà ở làng Kon Von 1 để kịp tựu trường đúng thời gian. Em rất vui khi được nhà trường tặng sách, vở mới. Em sẽ cố gắng học tập thật giỏi”.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đak Rong (huyện Kbang) được cô giáo chỉnh sửa quần áo, buộc tóc gọn gàng trong buổi tựu trường. Ảnh: Đàm Hà
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đak Rong (huyện Kbang) được cô giáo chỉnh sửa quần áo, buộc tóc gọn gàng trong buổi tựu trường. Ảnh: Đàm Hà

Theo ông Trần Trung Trực-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kbang, năm học 2023-2024, toàn huyện có 16.120 học sinh/528 lớp (giảm 8 lớp so với năm học 2022-2023). Trong đó, bậc mầm non có 4.481 học sinh/155 lớp, tiểu học có 6.955 học sinh/244 lớp, THCS có 4.684 học sinh/129 lớp. Để chuẩn bị cho năm học mới, Phòng đã chỉ đạo các trường rà soát cở sở vật chất thiết bị, kịp thời tu sửa, mua sắm bổ sung, làm đồ dùng dạy học, xây dựng cảnh quan môi trường chuẩn bị cho năm học mới; tổ chức tăng cường Tiếng Việt cho học sinh, nhất là học sinh vào lớp 1. Các trường ở vùng sâu, vùng xa cũng đã chủ động triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động học sinh tựu trường vào ngày 22-8 đối với lớp 1 và 29-8 đối với các khối còn lại theo kế hoạch.

So với các bậc học khác, giáo viên mầm non có phần tất bật hơn trong ngày đón học sinh tựu trường. Chưa kể nhiều nơi, các cô còn phải trực tiếp xuống từng thôn, làng để huy động trẻ ra lớp. Cô Mlô H’Sem-Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Thơ (xã Ia Trok, huyện Ia Pa) cho hay: Theo kết quả điều tra phổ cập, chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm học 2023-2024 là 425 trẻ với 15 lớp. Tuy nhiên, trong ngày 29-8 mới chỉ có khoảng 260 trẻ tới trường nhận lớp. Vì vậy, ngay sau buổi tựu trường và những ngày tiếp theo, giáo viên sẽ tiếp tục xuống các thôn, làng, phối hợp cùng với hệ thống chính trị thôn để vận động, đưa trẻ trong độ tuổi ra lớp đầy đủ.

Giáo viên Trường Mầm non Tuổi thơ (xã Ia Trok, huyện Ia Pa) xuống trực tiếp các thôn, làng để tuyên truyền, huy động trẻ ra lớp. Ảnh: Vũ Chi
Giáo viên Trường Mầm non Tuổi thơ (xã Ia Trok, huyện Ia Pa) xuống trực tiếp các thôn, làng để tuyên truyền, huy động trẻ ra lớp. Ảnh: Vũ Chi

Sau tựu trường, các cơ sở giáo dục sẽ cùng với học sinh tập trung hoàn tất khâu chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới 2023-2024 diễn ra vào 7 giờ 30 phút ngày 5-9. Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, lễ khai giảng phải tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm với chương trình chung gồm: lễ đón học sinh đầu cấp; chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; diễn văn khai giảng năm học 2023-2024 và đánh trống khai trường; đọc thư của Chủ tịch nước, thư của Chủ tịch UBND tỉnh; khen thưởng.

Có thể bạn quan tâm

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.