Học sinh "đói" ngủ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Con gái tôi năm nay học lớp 1. Theo quy định của nhà trường, 6 giờ 50 phút sáng cháu phải có mặt ở lớp để bắt đầu buổi học. Để con không đến lớp muộn, sáng nào vợ tôi cũng phải “dựng” cháu dậy từ 6 giờ kém dù nhà chỉ cách trường khoảng 3 km. Nói “dựng” dậy là bởi vào giờ đó, cháu vẫn còn muốn ngủ, hôm nào cũng ỉ ôi “mẹ cho con ngủ thêm 5 phút nữa”.

Thương con nhưng chẳng thể chiều con được. Vậy là cháu phải dậy, mắt nhắm mắt mở đi vệ sinh, đánh răng, rửa mặt, thay quần áo để mẹ chở đi ăn sáng rồi đến lớp. Nhiều hôm vợ tôi ngủ quên, 2 mẹ con vội vội vàng vàng chở nhau đi, bữa sáng của cháu chỉ là một ổ bánh mì vừa ngồi trên xe máy vừa ăn.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

4 giờ chiều, cháu tan học. Vợ tôi đến đón rồi chở con đi ăn qua quýt, hôm ổ bánh mì, gói xôi, bữa tô mì Quảng rồi về cơ quan ngồi đợi. Một tiếng sau, vợ tôi lại chở cháu đi học thêm rồi 7 giờ tối đón về nhà tắm rửa, ăn cơm, ôn bài, chuẩn bị sách vở cho buổi học hôm sau. Đến 9 giờ tối, sau một ngày mệt mỏi, cháu lên giường ngủ. 6 giờ kém hôm sau, như một điệp khúc bất tận, cháu lại bị mẹ “dựng” dậy trong tiếng nài nỉ: “Mẹ cho con ngủ thêm 5 phút nữa”.

Con gái tôi có lẽ không phải là trường hợp hiếm hoi, nếu không muốn nói là quá phổ biến hiện nay, khi bị “đói” ngủ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thì nhiều, nhưng chủ yếu là do áp lực học tập mà nhà trường và cha mẹ tạo ra. Để con mình không “thua bạn kém bè”, nhiều bậc cha mẹ đã “ép” con học thêm hết môn này đến môn khác, suốt ngày này đến ngày khác, kể cả ngày nghỉ. Thậm chí, nhiều người mong muốn con mình “giỏi toàn diện” nên ngoài các môn văn hóa còn đưa con đi học các môn năng khiếu như nhạc, họa, võ… Càng học lên cao, gánh nặng học tập của các em càng lớn và mức độ tăng dần, từ khu vực nông thôn đến  thành thị. Hệ quả là thời gian dành cho việc ăn, ngủ của các em càng bị rút ngắn dần. Bằng chứng là nếu chịu khó đọc báo mạng hay lên mạng xã hội, bạn sẽ thấy rất nhiều hình ảnh về những em học sinh vừa ngồi trên xe máy của cha mẹ vừa ngủ gật hay phải tranh thủ ăn để kịp giờ học.

Nếu những điều nói trên chưa đủ chứng minh tình trạng “đói” ngủ của học sinh hiện nay thì đề tài nghiên cứu khoa học do 2 em học sinh Trường THPT Gia Định (TP. Hồ Chí Minh) thực hiện mới đây có thể xem là một câu trả lời thuyết phục. Theo kết quả khảo sát của 2 em Trần Thùy Trang và Phạm Thị Khánh Vy (Trường THPT Gia Định) với 7.363 học sinh ở các trường THPT trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, cứ 10 học sinh thì có đến 8 em bị thiếu ngủ. Cụ thể, có 81,8% học sinh ngủ dưới 7 tiếng/ngày, 13,7% học sinh ngủ dưới 5 tiếng. Đáng chú ý, số học sinh đi ngủ trước 22 giờ chỉ chiếm 8,6%. Cũng theo khảo sát trên, 2 lý do hàng đầu làm thời gian ngủ của học sinh bị thiếu và đảo lộn nghiêm trọng là do áp lực học tập và ảnh hưởng từ thiết bị công nghệ. Trong đó, áp lực học tập, kiểm tra và thi cử là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tình trạng thiếu ngủ của học sinh phổ thông.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), thời gian con người cần ngủ thay đổi tùy vào độ tuổi: trẻ em 6-12 tuổi cần ngủ 9-12 tiếng/ngày, trẻ trong độ tuổi mới lớn (từ 13 đến 18 tuổi) cần ngủ 8-10 tiếng/ngày, còn người từ 18 tuổi trở lên cần ngủ ít nhất 7 tiếng/ngày. Đem con số trên áp vào đối tượng học sinh nước ta hiện nay có thể thấy, tỷ lệ học sinh ngủ không đủ thời gian rất lớn. Và hệ quả của nó, như phân tích của TS. Nguyễn Tùng Lâm-Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, là khiến các em không thể tỉnh táo, sáng suốt tập trung cho việc học, chưa kể thiếu ngủ còn gây ra nhiều vấn đề bất ổn khác về tâm sinh lý.

Công trình nghiên cứu của 2 học sinh Trường THPT Gia Định và phân tích của TS. Nguyễn Tùng Lâm nói trên rất đáng để các bậc cha mẹ và ngành Giáo dục và Đào tạo suy nghĩ. Bởi lẽ, khi áp lực học tập càng cao, học sinh càng dễ rơi vào tình trạng “đói” ngủ. Và khi các em đến lớp trong tình trạng vẫn còn lơ mơ, mỏi mệt thì chất lượng giáo dục cũng như sự kỳ vọng của nhà trường và cha mẹ cũng khó đạt được. Vì vậy, dù đây là một bài toán khó nhưng ngành Giáo dục và Đào tạo cùng các bậc phụ huynh cũng cần tìm ra lời giải để các em học sinh được bước vào giờ học với sự tỉnh táo nhất về tinh thần, khỏe mạnh nhất về thể chất. Khi ấy, mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục mới có thể đạt kết quả cao nhất.

Lê Hà

Có thể bạn quan tâm

Thanh niên xã Nghĩa An (huyện Kbang) khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Ảnh: M.P

Kbang bảo đảm chất lượng thanh niên lên đường nhập ngũ

(GLO)- Nhằm nâng cao chất lượn tuyển quân năm 2025, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) huyện Kbang, Gia Lai triển khai đồng bộ quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức khám sơ tuyển sức khỏe NVQS bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, đúng luật.

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza ngày 23-11. Ảnh: THX/TTXVN

Israel bị cáo buộc “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Dải Gaza

(GLO)- Ngày 5-12, Hãng tin AFP cho biết, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Israel “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Gaza kể từ khi chiến sự xảy ra. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, đồng thời cáo buộc Hamas lợi dụng người Palestine làm lá chắn sống.