"Hoa hồng" - thứ văn hóa xấu xí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tặng và nhận "hoa hồng" lâu dần thành thói quen, thành một thứ văn hóa xấu xí mà phàm ai cũng làm vậy thì không còn thấy xấu nữa, thậm chí coi là việc đương nhiên.

Ở nước mình có cái văn hóa "phong bì" và "hoa hồng". Nghe thì lãng mạn và yêu kiều. Dịch sang tiếng Tây không biết nên dịch như thế nào. Phong bì là để viết thư tình cho người phương xa, hoa hồng cũng để tặng cho tình nhân, mà lần hồi nên nông nỗi hai từ rất đẹp này chỉ gắn liền với tiền.

Coi "hoa hồng" là đương nhiên

Dân ta mỗi lần thấy những vụ đại án tham nhũng thì chửi mắng không tiếc lời, quên mất rằng tham nhũng lớn cũng từ thói quen tham nhũng vặt mà ra. Mà tham nhũng vặt, "hoa hồng" nhỏ thì chẳng ai cho đó là tham nhũng cả, thậm chí còn coi đấy là việc đương nhiên phải làm, ai ngơ ngác về những chuyện như vậy được coi như người từ trên trời rơi xuống; tóm lại là chưa đủ nhận thức và kỹ năng để hòa nhập cộng đồng. "Hoa hồng" nhỏ đơn giản chẳng hạn khi hướng dẫn viên du lịch dẫn khách vào một cửa hàng, anh ta sẽ bí mật nhận được một khoản lại quả theo phần trăm thỏa thuận sau khi kết thúc cuộc mua bán giữa chủ với khách. Đây là luật bất thành văn phổ biến trong ngành du lịch trên khắp thế giới, bên nào cũng vui vẻ cả nhưng ở Việt Nam, "hoa hồng" được nhiều hướng dẫn viên đội giá lên mức khiến người làm kinh doanh coi đó là kiếp nạn. Nếu khoản lại quả lên đến 30%-40%, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ và làm khó cho doanh nghiệp.


 

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG


"Hoa hồng" nhỏ cũng bao gồm trong việc mua vật tư, văn phòng phẩm, quà tặng, bảo hiểm, gói khám chữa bệnh định kỳ, tổ chức sự kiện, thuê nhân sự ngắn ngày... của các cơ quan và những chuyến du lịch nghỉ dưỡng dành cho nhân viên của mọi bộ phận. Chả ai coi khoản lại quả này là tham nhũng cả. Ai cũng đinh ninh đấy là việc đương nhiên, mình ngồi chỗ ấy thì cũng thế, miễn là phải biết điều, đừng "ăn" quá trớn là được; kẻ nào phàn nàn đúng là đồ dở hơi, vớ vẩn.

Nhiều người vẫn nghĩ nhận "hoa hồng" nhỏ xíu chả có gì phải ngượng. Thậm chí, giữa những bữa tiệc đông người, người ta còn hể hả khoe nhau mới nhận được một công việc "ngon", vì việc này "trồng được nhiều hoa hồng" hoặc khen ngợi, ngưỡng mộ một người bạn nào đó giàu lên nhanh chóng nhờ rơi vào vị trí tha hồ ăn "hoa hồng" (dù hoa hồng ấy, theo nghĩa đen hay nghĩa bóng đều không thể nhai, nuốt được). Ai không được thì ngậm ngùi cám cảnh cho cái thân phận mình, kiếp này chỉ toàn nhận hồng nhung với hồng tỉ muội vào ngày sinh nhật, đâu có được "hoa hồng" xịn như nhà người ta.

Người ta vốn chỉ sợ hãi và giấu giếm những khoản hoa hồng có thể trồng được thành "vườn hồng", còn "hoa hồng" nhỏ thậm chí có thể khoe, bởi đó chính là biểu hiện của sự khôn ngoan, tháo vát.

Trên thực tế, chẳng có mấy nơi khoan dung cho chuyện "hoa hồng" như xứ mình. Trong những vụ lùm xùm từ thiện, tôi đọc được rất nhiều bình luận kiểu như: "Chỉ ăn một, hai tỉ thì ai nói làm gì, coi như bù trừ cho công sức mình bỏ ra, còn đây là ăn cả trăm tỉ, ai mà chịu được". Hoặc trong những cuộc trà dư tửu hậu, người bình thời sự đều "đồng lòng nhất trí" rằng "Nếu cứ ăn một vài tỉ đồng thôi thì có khi chẳng sao nhưng đây là ăn dày, ăn trên xương máu của đồng bào thì mới bị chửi"...

Tuy nhiên, ranh giới giữa "hoa hồng" nhỏ ở dạng chấp nhận được (theo quan điểm của công chúng) và "hoa hồng" đột biến, loại khổng lồ, là rất mơ hồ. Chả khác nào mời bát phở sáng tái gầu thơm nức cho người ăn kiêng giảm cân mà lại nhắc là phải kiềm chế, chỉ được ăn một phần ba thôi rồi nhớ dừng lại.

Đến "luật hoa hồng"

Người đang ngồi ngóng đấu thầu mà lại chỉ được tặng phong thư cảm ơn in bằng giấy và bó hoa hồng bọc trang kim sẽ nghĩ thần kinh kẻ đấu thầu có vấn đề. Từng rất nhiều năm tôi làm việc trong khối dịch vụ thương mại, chứng kiến việc nhận "hoa hồng" không chỉ tồn tại ở khu vực công chức nhà nước (những người mà dư luận thường xuê xoa rằng làm nhà nước lương thấp nên có tí "hoa hồng" đồng ra đồng vào cũng phải, không thì họ sống bằng gì) mà là hành vi quen thuộc của cả các nhân sự có thu nhập rất cao làm việc trong các công ty tư nhân và nước ngoài. Những người được tổ chức của họ phân công tìm kiếm nhà cung ứng dịch vụ tổ chức sự kiện, du lịch, vật tư, đều được nhận một khoản "hoa hồng" ít nhất là 10% theo luật bất thành văn. Đôi khi "hoa hồng" được nâng giá đến 15%-20%, thậm chí còn nhiều hơn cả số lợi nhuận hợp đồng của những công ty tầm tầm bậc trung khiến doanh nghiệp méo mặt vì phải kiếm cách bù thêm tiền thuế cho khoản chênh lệch phát sinh ấy. Nếu không đồng ý chi "hoa hồng", tất nhiên doanh nghiệp đó sẽ mất hợp đồng. Phía bên kia tức khắc tìm được ngay một đối tác khác sẵn sàng chi đẹp. Vì thế, cơ bản là mọi doanh nghiệp khi đã tham gia thị trường đều phải hiểu "luật hoa hồng" và vô cùng vui vẻ khi "tặng" cho đối tác. Nhiều công ty nước ngoài đến Việt Nam, đặc biệt là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, vì tập quán "không hoa hồng" đã tồn tại từ lâu đời và cũng vì luật pháp bản địa sẽ xử phạt rất nặng đối với những chủ thể thương mại đưa hối lộ (chứ không chỉ riêng người nhận hối lộ) dù là đi hối lộ ở quốc gia khác nên họ thường cứng rắn từ chối "văn hóa hoa hồng". Kết quả là họ đành ngậm ngùi trắng tay thầu, dù hồ sơ có bảnh chọe hơn, công nghệ hiện đại hơn, nhân sự chuyên nghiệp và kinh nghiệm hơn, cung ứng dịch vụ, sản phẩm tốt hơn.

Ấy là về phía người "nhận hoa", còn người "tặng hoa" thì sao? Xưa nay, người Việt vốn nổi tiếng về sự thích nghi tốt và vô cùng linh hoạt trong mọi tình huống, nên họ thường sẽ sáng tạo giải pháp nhanh chóng để khiến cho công việc của mình được trôi chảy. Khởi sự, có thể là chẳng ai yêu cầu và đòi hỏi nhưng vì muốn giải quyết việc khẩn thần tốc nhất có thể, họ sẽ nghĩ ra cách tiêu cực. Vào bệnh viện, muốn người nhà được tiếp nhận nhanh chóng để khỏi phải xếp hàng và ưu tiên về dịch vụ, họ sẽ sử dụng "phong bì". Ở trường học, muốn con mình có một bảng điểm đẹp để xét tuyển thẳng vào đại học, họ sẽ dùng "quà tặng". Ở cơ quan, muốn được ưu tiên lên một vị trí mới, họ sẽ "chúc Tết" sếp. Bác sĩ nào, thầy giáo nào, lãnh đạo nào mà từ chối những món quà này, người tặng buồn hẳn đi, thậm chí ra về trong tức tối, rồi rêu rao, nói xấu. Từng rất nhiều lần, có những người biết rằng tôi thân thiết với các đại sứ quán ở Việt Nam nên nhờ làm cầu nối để giúp một số việc. Tôi từ chối thẳng thừng rằng thì là "Tây họ không nhận quà biếu, họ cũng không ưu ái mối quan hệ. Có chăng họ chỉ đón tiếp mình niềm nở hơn thôi và giúp thúc đẩy công việc nhanh hơn nhưng mọi sự vẫn phải đúng luật, đúng nguyên tắc và quy trình". Người nhờ vả lần nào lần ấy tỏ vẻ thất vọng, không vui, thậm chí còn nghĩ tôi không nhiệt tình giúp đỡ.

"Tặng hoa", "nhận hoa" lâu dần thành thói quen, thành một thứ văn hóa xấu xí mà phàm ai cũng làm vậy thì không còn thấy xấu nữa, thậm chí coi là việc đương nhiên. Làm ngược lại mới là cứng đầu, dị biệt. Bởi vậy, câu nói "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật" của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên trong vụ án gian lận điểm kỳ thi THPT quốc gia các năm 2017 - 2018 tại Hòa Bình đã thành ra nổi tiếng.

Theo Di Li (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Để bà bán phở thành chủ doanh nghiệp

Để bà bán phở thành chủ doanh nghiệp

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa, nhiều người bán phở, hủ tiếu, bánh mì... đang đóng thuế khoán sẽ chuyển qua xuất hóa đơn điện tử trực tiếp khi bán hàng. Dù còn nhiều băn khoăn, lo lắng trước giờ G nhưng có thể nói đây là thời điểm để hộ kinh doanh tiếp cận các cơ hội mới.

Không khoan nhượng với hàng giả

Không khoan nhượng với hàng giả

Chiến dịch chống hàng giả, hàng lậu, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, quy mô chưa từng có, đã được Chính phủ phát động từ giữa tháng 5 (từ ngày 15-5 đến ngày 15-6), thu hút sự quan tâm của dư luận.

Để “bộ tứ trụ cột” thể chế thực sự là đòn bẩy phát triển đất nước

Để “bộ tứ trụ cột” thể chế thực sự là đòn bẩy phát triển đất nước

(GLO)- Có lẽ, chưa bao giờ chúng ta có những buổi quán triệt, triển khai Nghị quyết của Đảng nhận được sự nhiệt tình hưởng ứng của người nghe như Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị diễn ra ngày 18-5 vừa qua.

Tránh 'vết xe đổ' khi xử lý trụ sở dôi dư

Tránh 'vết xe đổ' khi xử lý trụ sở dôi dư

Trụ sở dôi dư là một vấn đề được dư luận rất quan tâm trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính hiện nay. Xử lý trụ sở dôi dư làm sao để tránh thất thoát, lãng phí, để những tài sản công này không rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”, là một yêu cầu bức thiết.

Bán hình ảnh là quyền nhưng bán niềm tin là tội

Bán hình ảnh là quyền nhưng bán niềm tin là tội

(GLO)-Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên vừa bị bắt. Trước đó, 2 cái tên đình đám là Hằng Du Mục và Quang Linh Vlog cũng lần lượt bị khởi tố, tạm giam. 3 con người từng được xem là hình mẫu “truyền cảm hứng”, giờ đứng chung trong một vụ án liên quan đến sản xuất, phân phối, quảng bá sản phẩm sai sự thật.

Loại bỏ thực phẩm bẩn từ chiếc phong bì

Loại bỏ thực phẩm bẩn từ chiếc phong bì

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét với 5 cán bộ Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, về hành vi nhận hối lộ, liên quan đường dây sản xuất và buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng (TPCN) giả.

Đồng hành để vươn xa

Đồng hành để vươn xa

Trong bối cảnh cả nước và TPHCM đang phải ứng phó với nhiều thử thách, nỗ lực vượt khó, đòi hỏi phải có sự đồng hành, hợp tác chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền và người dân thành phố.

Giáo dục dùng roi vọt hay ngọt bùi?

Giáo dục dùng roi vọt hay ngọt bùi?

Những giọt nước mắt ân hận muộn màng, những đôi mắt thất thần, những ngón tay bấu chặt lấy mặt bàn đến tứa máu, và cả những cái cười khẩy, bất cần của học sinh phạm lỗi, đều khiến tôi - một giáo viên hơn hai mươi năm đi dạy - ám ảnh nhiều đêm.