(GLO)- Đó là dự án “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam giai đoạn 2003-2014” do Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì thực hiện và Tổ chức Hợp tác Phát triển Hà Lan (SNV) tài trợ một phần kinh phí. Mục tiêu của dự án là góp phần phát triển nông thôn thông qua việc sử dụng công nghệ khí sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi, cung cấp năng lượng sạch và rẻ tiền cho nông dân, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tạo thêm việc làm ở nông thôn, giảm nạn phá rừng và giảm phát thải khí nhà kính.
Tính đến hết năm 2013, dự án đã hỗ trợ xây dựng được hơn 133.000 công trình khí sinh học, mang lại lợi ích cho 650.000 người, đào tạo 953 kỹ thuật viên cấp tỉnh và huyện, 1.505 đội thợ xây và tổ chức 140.000 hội thảo tuyên truyền cho hàng trăm ngàn người sử dụng khí sinh học…
Ảnh: Đức Thụy |
Ở Gia Lai, dự án được Trung tâm Khuyến nông triển khai từ năm 2009, tính đến nay đã đầu tư cho 1.146 hộ xây dựng công trình hầm khí sinh học, mỗi hầm hình vòm cầu có thể tích 10-15 m3, trị giá hơn 12 triệu đồng. Hầu hết 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều được đầu tư, trong đó ưu tiên cho các vùng có mật độ dân cư đông đúc và có nhiều hộ chăn nuôi heo quy mô hoặc thiếu chất đốt. Phú Thiện, Chư Sê, An Khê và Kbang, Ia Pa, Chư Prông có số công trình được xây dựng nhiều nhất. Để triển khai dự án, Trung tâm Khuyến nông đã gởi đi đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên 22 người và 31 thợ xây cho tất cả địa phương trong tỉnh. Chính đội ngũ này trợ giúp một cách đắc lực và bảo đảm thành công của dự án. Kỹ thuật viên có trách nhiệm tuyên truyền, tư vấn và giám sát việc xây dựng công trình. Dự án còn đào tạo và cấp mã số cho thợ xây, chỉ những thợ xây được cấp chứng chỉ mới đủ điều kiện xây dựng công trình khí sinh học.
Không như một số dự án đầu tư cho khu vực miền núi trước kia, dự án khí sinh học đòi hỏi sự tích cực, tự giác tham gia đóng góp của người dân, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Mỗi công trình hoàn thành nghiệm thu, dự án sẽ hỗ trợ 1,2 triệu đồng, khoản tiền này do SNV chi trả thẳng cho chủ công trình thông qua bưu điện sau khi toàn bộ hồ sơ đã chuyển trực tuyến ra Hà Nội. Phần còn lại do chính chủ công trình bỏ ra.
Như mục tiêu đã nêu, các công trình khí sinh học do dự án triển khai mang lại nhiều lợi ích cho người dân khi sử dụng. Trong khu dân cư đông đúc, giảm được mùi hôi và bảo đảm chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ do phân trâu, bò, phân heo đã được đưa vào hầm. Các hộ không chỉ hiểu biết thêm về khí sinh học mà lợi ích trực tiếp là luôn có khí gas phục vụ đun nấu trong khi giá gas trên thị trường khá cao (trên 400.000 đồng/bình 12 kg), riêng khu vực nông thôn nhờ có hầm khí sinh học hiện nay các gia đình đã giải quyết được bài toán khó khăn về chất đốt, hạn chế nạn phá rừng lấy củi, đốt than.
Mỗi hầm khí sinh học có thể sử dụng nhiều loại nguyên liệu tươi cho ra sản lượng khí hàng ngày khá cao như: phân trâu, bò (15-32 lít/kg), phân lợn (40-60 lít/kg), phân gia cầm (50-60 lít/kg) và cả phân người (60-70 lít/kg). Nhiều hộ có chuồng chăn nuôi hàng chục con heo nên sinh lượng khí sinh học có thể sử dụng cho nhiều hộ đun nấu như hộ ông Nguyễn Văn Mạnh (106 Ngô Gia Khảm, TP. Pleiku) nấu cả rượu, hộ bà Hoàng Thị Lan (làng Ốp, TP. Pleiku) cho cả 5 hộ dùng. Hơn thế nữa, theo như Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Gia Lai-ông Trịnh Quốc Việt, cho biết hiện nay đã có hàng trăm hộ lắp thêm ống thải từ hầm vệ sinh của người, tiết kiệm được một bể phốt lại cho nhiều khí gas hơn.
Tính đến cuối năm 2013, Gia Lai có đàn trâu 14.316 con, đàn bò 351.050 con, đàn heo 433.222 con và hàng triệu con gia cầm và con số này tăng lên hàng năm. Đây chính là nguồn nguyên liệu quan trọng giúp người chăn nuôi trong tỉnh vừa chủ động chất đốt, tiết kiệm chi dùng gia đình đồng thời lại bảo đảm được môi trường sạch cho cộng đồng. Được biết dự án “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam giai đoạn 2003-2014” sẽ chấm dứt trong năm nay và sang năm 2015 tiếp tục triển khai dự án mới được tài trợ từ nhiều nguồn, hy vọng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới.
Thanh Phong