Tông cảnh sát giao thông lên nắp capo mà còn chạy tốc độ cao suốt 3 km là coi thường sức khỏe, mạng sống của người khác, ở đây là cảnh sát giao thông.
Lực lượng chức năng cùng người dân chặn bắt được tài xế bỏ chạy sau khi tông CSGT tối 26.5. Ảnh: HT |
Không chấp hành hiệu lệnh dừng kiểm tra, tài xế xe con tăng ga bỏ chạy khiến một chiến sĩ Cảnh sát giao thông ở huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) phải nhảy lên nắp capo để tránh bị xe tông trúng.
Vụ việc xảy ra khoảng 20h30 tối 26.5, khi tổ tuần tra, kiểm soát của Đội CSGT Công an huyện Hương Sơn làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 8A thuộc thị trấn Phố Châu. Tài xế Trần Trọng Phi (Sinh năm 1987), điều khiển ô tô biển kiểm soát 38A-15891.
Không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông là sai phạm.
Lao xe chạy có thể gây nguy hiểm cho cảnh sát đang ra hiệu dừng xe là sai phạm. Nếu cảnh sát không tránh kịp hay không nhảy lên nắp capo thì có thể bị xe tông.
Khi cảnh sát giao thông đã bám trên nắp capo mà vẫn lái xe chạy suốt 3 km với tốc độ cao thì không chỉ là sai phạm, mà cố ý gây nguy hiểm cho cảnh sát giao thông.
Đã có nhiều vụ người lái ô tô không chấp hành hiệu lệnh, tông cảnh sát giao thông văng lên nắp capo, có nhiều vụ người lái xe máy tông trực tiếp vào cảnh sát giao thông gây thương tích, đó là những tên côn đồ coi thường pháp luật và coi thường sức khỏe, mang sống của người thi hành công vụ.
Vụ mới đây xảy ra ngày 2.5 tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, quái xế Nguyễn Hoàng Nam tông thẳng xe máy vào thiếu tá Nguyễn Lê Hồ khiến thiếu tá Hồ bị gãy chân, xuất huyết não.
Cảnh sát giao thông dừng các phương tiện giao thông là thực thi công vụ, được pháp luật quy định. Nếu người thi hành công vụ làm trái thẩm quyền, có sai trái, nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ thì công dân có quyền phản đối, tố cáo.
Theo Thông tư 67/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, từ ngày 15.1.2020, người dân có quyền giám sát lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình.
Người cung cấp thông tin hình ảnh, clip cũng phải chịu trách nhiệm về sự trung thực của thông tin, đảm bảo công bằng cho cả hai phía. Đó là cách công dân giám sát người thi hành công vụ, và ngược lại cảnh sát giao thông cũng có quyền ghi hình, quay phim để đảm bảo thông tin, chứng cứ.
Có nhiều cách phản đối cảnh sát giao thông nếu có ai đó làm sai, nhưng phải văn minh, văn hóa, đúng pháp luật.
Tông xe vào cảnh sát giao thông, hất cảnh sát giao thông văng lên nắp capo không còn là hành vi vi phạm pháp luật giao thông thông thường mà tùy theo mức độ vi phạm và tính chất côn đồ, có thể xử lý hình sự ở mức nghiêm khắc.
Theo Lê Thanh Phong (LĐO)