Hành trình đi về phía núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước thềm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chương trình “Bạn nhỏ vùng cao xuống phố” lần 3 là một trải nghiệm hết sức đặc biệt dành cho 60 em nhỏ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn, chưa bao giờ “xuống núi” người Ca Dong, Cơ tu, Cor của 4 huyện miền núi Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Bữa cơm của trẻ em miền núi. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bữa cơm của trẻ em miền núi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một trời tình thương gửi về phía núi

Tiếp nối hai chương trình “Bạn nhỏ vùng cao xuống phố” được tổ chức mùa hè năm 2023, lần “xuống núi” dịp Tết này, các anh chị trong CLB Bạn thương nhau mong muốn các em được trải nghiệm sắm đồ Tết và không gian văn hóa Tết ở phố, bên cạnh những hoạt động vui chơi, tham quan, xem phim… Và hơn hết, mong mỏi lớn nhất của các nhà hảo tâm và thầy cô khi tổ chức chương trình, là sau khi được đặt chân xuống phố, nhìn ngắm cuộc sống rộng lớn, bao la, các em sẽ có thêm động lực để xuống phố nhiều lần nữa bằng cách theo đuổi con đường học tập.

“Chỉ có học mới có thể giúp các em có được tương lai tươi sáng hơn”, anh Nguyễn Bình Nam, Chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau, chia sẻ. Đi học hay theo đuổi ước mơ, một điều tưởng rất đỗi bình thường với học sinh ở phố, song là một sự nỗ lực của các em ở vùng cao trên hành trình đến trường tìm kiếm con chữ phải băng rừng hàng tiếng đồng hồ cùng cái bụng rỗng hay chỉ khoai sắn qua ngày.

Vậy là tròn 10 năm kể từ năm 2013, sau lần tổ chức chương trình Tết vùng cao tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam), anh kỹ sư điện của Tổng Công ty Điện lực 3 Nguyễn Bình Nam cùng các bạn trong CLB chuyển cách hoạt động. Thay vì chủ yếu tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật ở Đà Nẵng, các bạn lên kế hoạch xây dựng một ngôi trường kiên cố, khang trang hơn ở điểm trường Nước Ui (xã Trà Mai, Nam Trà My) thay cho lớp học tạm bợ dựng bằng gỗ, mái tôn thủng lỗ chỗ, bàn ghế chẳng có mấy cái lành lặn. Ở lớp học đó, tấm bảng rách chia đôi, một bên dành cho lớp 1, một bên của lớp 2, dựng trên nền một chuồng nuôi heo nền đất sình lầy, cheo leo bên triền núi.

Ban đầu dự tính chỉ làm 1 phòng học trong 3 tuần với kinh phí 50 triệu đồng. Tuy nhiên, do phát sinh thành 2 phòng học, việc vận chuyển vật liệu gặp nhiều khó khăn nên kinh phí tăng lên đến 220 triệu đồng. Hết tiền, anh Nam đánh liều đăng tải những hình ảnh lớp học tạm bợ của các em học sinh vùng cao lên Facebook cá nhân. Chỉ vài giờ chia sẻ, chương trình nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các nhà hảo tâm.

Sau khi hỗ trợ xây dựng điểm trường Nước Ui, CLB Bạn thương nhau chuyển hẳn sang công việc kêu gọi xây trường ở những vùng núi khó khăn. “Chúng tôi nghĩ chỉ có giáo dục, chỉ có con chữ mới giúp cho các em, bà con lâu bền nhất, chính các bạn nhỏ sẽ là người thay đổi vùng đất khó khăn đó, ngày một vươn lên”, anh Nam cho biết.

Hơn 10 năm qua, thông qua mạng xã hội, nhiều người bạn chưa một lần gặp mặt chung tay cùng CLB xây dựng được 17 điểm trường tại các vùng núi ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum. Những công trình này đều kiên cố, có phòng học, phòng cho các thầy cô giáo sinh hoạt, bếp, nhà vệ sinh,… Trong đó, CLB vận động hỗ trợ xây 2 phòng học với tổng kinh phí khoảng 570 triệu đồng, giúp thầy trò điểm trường Tắk Rối (Trường PT dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, Nam Trà My) không còn phải mượn nhà dân để tổ chức dạy học.

Vừa mới đưa vào sử dụng được khoảng 1 năm thì tháng 10-2020, một cơn lũ quét kinh hoàng làm sập hẳn một phòng học, phòng học còn lại cũng không bảo đảm an toàn. Để xây lại điểm trường Tắk Rối, CLB Bạn thương nhau kêu gọi được 600 triệu đồng từ các nguồn hỗ trợ, thêm 200 triệu đồng được một nhóm mạnh thường quân hỗ trợ thông qua ban giám hiệu nhà trường.

Thắp lên những nụ cười của núi

Với phương châm “Đi thật xa - Nơi thật khó - Đến tận nơi - Trao tận tay”, hoạt động tình nguyện về giáo dục miền núi của CLB Bạn thương nhau không chỉ xây trường hay tặng áo quần, sách vở cho học sinh. Các anh chị xây dựng những chương trình hỗ trợ thiết thực, dài hơi. Trong đó, “Bữa cơm miền núi” hoạt động từ năm 2014 đến nay, triển khai tại 8 điểm trường vùng núi của Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi. “Đây là chương trình hỗ trợ thêm cho các bạn nhỏ vùng núi được có những bữa ăn tươm tất hơn, có chất hơn. Do có những em học sinh nhà rất khó khăn, đi học bọc cơm trắng theo trong những bao ni-lông, đến lớp ăn trưa chỉ có muối, và rau rừng. “Bữa cơm miền núi” sẽ hỗ trợ các em có lát thịt, lát cá bổ sung…”, anh Nam cho biết.

Cái bụng ấm rồi thì đi học đều hơn. Ở điểm trường Ông Thái (thôn 4, xã Trà Dơn), một trong hai điểm trường xa nhất Nam Trà My có 12 em. Nhưng là “hỗn hợp” của lớp 1, lớp 2 và cả lớp mẫu giáo, mới được hỗ trợ bữa cơm trưa bởi cộng đồng cách đây 2 tháng, nay có thêm 3 bạn nhỏ đăng ký đi học mẫu giáo vì được ăn trưa ngon hơn! Nhiều học sinh mới lớp 1, 2 tại các điểm trường đã phải “du học” xa nhà, ở lại ăn uống nguyên tuần vì trời lạnh, mưa rừng, đường xa sạt lở, thầy cô sợ các em đi về quá nguy hiểm.

Cứ thế, “Bữa cơm miền núi” hỗ trợ đối với các điểm trường lẻ tại thôn bản hoặc các điểm trường mà học sinh chưa được hưởng chế độ từ địa phương, chưa có chế độ ăn trưa; hoặc có chế độ nhưng không đủ chi phí cho một bữa ăn đủ chất. Để tham gia chương trình, thầy cô đứng điểm tại điểm trường phải đồng ý tham gia nấu ăn, chăm lo các em và cam kết lo bữa ăn cho các em.

Anh Nguyễn Bình Nam (bên trái) trong chương trình "Mang Tết lên núi" được tổ chức ở 22 điểm trường vùng cao ở Nam Trà My - Quảng Nam, Hướng Hóa - Quảng Trị và Trà Bồng - Quảng Ngãi Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh Nguyễn Bình Nam (bên trái) trong chương trình "Mang Tết lên núi" được tổ chức ở 22 điểm trường vùng cao ở Nam Trà My - Quảng Nam, Hướng Hóa - Quảng Trị và Trà Bồng - Quảng Ngãi Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những bàn tay chìa ra, những hạnh phúc nhận về, từ sự kết nối kỳ diệu của cộng đồng dành cho các em nhỏ ở núi. Hằng tháng cứ đều đặn những yêu thương trao đi, với số tiền gần 170 triệu đồng/tháng dành cho chương trình “Đi học trên núi” được triển khai từ năm 2022. Đây là dự án dành cho các em nhỏ mồ côi, khó khăn của các trường do các mạnh thường quân hỗ trợ lâu dài cho các em với 500.000 đồng/em/tháng. Giúp các em thêm động lực đi học đều đặn và vươn lên. Với 100 em ban đầu, nay con số này là 350 em.

Đầu năm học 2023-2024, CLB Bạn thương nhau phát động gây quỹ dự án “Đi dạy trên núi”, đồng hành các giáo viên hợp đồng, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gieo chữ ở điểm trường xa xôi hẻo lánh, vùng núi cao hiểm trở. Với mức 1 triệu đồng/tháng, hiện có 17 giáo viên hợp đồng, lương mỗi tháng chỉ 3,6 đến 4,8 triệu đồng được nhận hỗ trợ.

Anh Nam cho biết, trong danh sách 22 thầy cô được các trường học gửi về, có trường hợp dạy hợp đồng 8 năm và hầu như đứng lớp ở các điểm lẻ. Sự hỗ trợ này không làm các thầy cô giàu lên, nhưng đó là nguồn động viên tinh thần lớn từ cộng đồng, xã hội. Để các thầy cô thấy rằng, mình không hề đơn độc trong sự nghiệp trồng người”. Họ là những người mang con chữ đến cho học sinh với hy vọng giáo dục là con đường căn cơ nhất để thay đổi diện mạo một vùng đất.

Tết năm nay, CLB Bạn thương nhau triển khai in bộ lịch bàn “Nụ cười của núi” và phong bao lì xì gây quỹ. Phía sau những bức ảnh do các anh chị tự chụp để làm bộ lịch là các em bé vùng cao với nụ cười rạng rỡ, hồn nhiên ấy là những đứa trẻ mồ côi, những bữa cơm thiếu trước hụt sau, những ước mơ đi học dở dang, những điểm trường gian khó… Toàn bộ doanh thu lợi nhuận sẽ đưa vào 3 chương trình “Bữa cơm miền núi”, “Đi học trên núi”, “Xây trường trên núi”. “Nụ cười của núi” sẽ tiếp thêm cho chúng ta năng lượng, sự lạc quan, như một lời động viên: chúng ta còn rất may mắn trên cuộc đời này. Những nụ cười ấy rất cần sự đùm bọc từ cộng đồng. Để rồi chúng ta cùng nhau vẽ tiếp những “nụ cười của núi”.

Có thể bạn quan tâm

Thầy Nguyễn Quang Tưởng và cô RCom H’Ni (thứ 3 từ phải sang) tâm huyết với mô hình “Làng văn hóa dân tộc”. Ảnh: T.D

Người thầy làm “sống dậy” văn hóa dân tộc thiểu số trong trường học

(GLO)- Mong muốn xây dựng môi trường giáo dục đặc thù mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, năm 2023, thầy Nguyễn Quang Tưởng-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã phục dựng thành công “Làng văn hóa dân tộc” trong khuôn viên trường học.

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.