Hành trình dệt tóc làm thiện nguyện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiến tóc tặng bệnh nhân ung thư là hành động cao đẹp đang được nhiều người quan tâm, hưởng ứng. Thế nhưng, ít ai biết rằng, đằng sau những bộ tóc giả xinh xắn được trao đi là bóng dáng thầm lặng của những con người tỉ mẩn dệt nên nó.

Từ nhỏ đã có một mái tóc rất đẹp và chưa bao giờ qua hoá chất hay tạo kiểu, bạn Mai Linh (tổ 3, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) luôn quan niệm rằng một mái tóc khỏe là minh chứng cho một sức khỏe tốt và một nguồn năng lượng tích cực của mỗi người. Do đó, năm 20 tuổi, Mai Linh quyết định hiến đi một phần tóc của mình, cũng là cách bạn trao gửi niềm tin và năng lượng tích cực đến các bệnh nhân ung thư.

Sau khi cắt đi 35 cm tóc để hiến tặng các bệnh nhân ung thư, Mai Linh cảm thấy rất thích thú và tự hào với vẻ ngoài mới lạ của mình. Ảnh: NVCC

Sau khi cắt đi 35 cm tóc để hiến tặng các bệnh nhân ung thư, Mai Linh cảm thấy rất thích thú và tự hào với vẻ ngoài mới lạ của mình. Ảnh: NVCC

Cũng sở hữu mái tóc rất dày và khoẻ, bạn Nguyễn Thị Hằng (tổ 4, phường Đống Đa, TP. Pleiku) có nguyện vọng hiến tặng nó sau khi sinh con gái đầu lòng. Hằng chia sẻ: “Trong suốt quá trình mang thai, những lúc thai giáo cho con, mình đã tâm sự với em bé rằng sẽ tặng đi mái tóc của mình để cầu cho con được bình an và may mắn, đồng thời mong con có một cuộc sống hướng thiện”. Do đó, nửa năm sau thai sản, cũng là lúc mái tóc vừa đủ dài, Hằng đã tìm đến Câu lạc bộ (CLB) Tóc Hồng Gia Lai (36 Cù Chính Lan, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) để được hỗ trợ cắt tóc và hiến tặng bệnh nhân ung thư.

Câu lạc bộ Tóc Hồng Gia Lai là nơi nhiều người hảo tâm tin tưởng và lựa chọn gửi tặng mái tóc của mình cho người bệnh ung thư. Ảnh: ĐVCC

Câu lạc bộ Tóc Hồng Gia Lai là nơi nhiều người hảo tâm tin tưởng và lựa chọn gửi tặng mái tóc của mình cho người bệnh ung thư. Ảnh: ĐVCC

CLB Tóc Hồng được anh Nguyễn Văn Kiều thành lập vào ngày 1-12-2023, với hơn 40 thành viên đến từ 20 salon tóc trên địa bàn tỉnh Gia Lai và tỉnh Đăk Lăk. Sau khi nhận tóc từ những người hiến tặng, CLB sẽ gia công thành những bộ tóc hoàn chỉnh và tổ chức trao tặng cho những bệnh nhân ung thư có mong muốn được nhận tóc.

Anh Kiều tâm sự: Từ ngày bước chân vào nghề làm tóc, anh đã có 3 năm nhận tóc từ khách hàng để mang tới bệnh viện. Tuy nhiên, khi chỉ là một mắt xích nhỏ lẻ, anh không chắc chắn được rằng số tóc mình gửi đến rồi sẽ đi về đâu. May mắn thay, qua một buổi chia sẻ về những hoài bão của mình, anh Kiều đã được Wina Wigs-nhà sản xuất và chế tác tóc giả từ tóc thật hỗ trợ xử lý tóc thô và gia công miễn phí. “Bên cạnh phần tóc được hiến tặng, chi phí để gia công một mái tóc giả hoàn chỉnh có thể từ 1,5-1,7 triệu đồng/bộ”-anh Kiều bộc bạch.

Tiếng lành đồn xa, CLB Tóc Hồng ngày càng quy tụ thêm nhiều thành viên hơn. Các salon hỗ trợ nhận tóc trải đều ở TP. Pleiku và các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai, thậm chí có cả những salon đến từ tỉnh Đăk Lăk. Sau khi hiến tóc tại salon, người tặng tóc sẽ được hỗ trợ cắt, tạo kiểu miễn phí và còn được nhận bộ ấn phẩm đến từ CLB, bao gồm: 1 bằng chứng nhận và 1 phong thư đựng phần tóc của mình.

Ngoài ra, CLB còn nhận được sự yêu mến, chung sức của nhiều nhà hảo tâm thông qua những phần quà nhỏ mang cả giá trị về vật chất và tinh thần dành cho các bệnh nhân ung thư, hay những bộ dầu gội, dầu xả tặng kèm giúp bệnh nhân có thể dễ dàng chăm sóc bộ tóc giả của mình.

Ngoài lựa chọn cắt tóc trực tiếp tại salon, mọi người còn được hướng dẫn cách tự cắt tóc tại nhà và gửi tóc đến CLB. Ảnh: ĐVCC

Ngoài lựa chọn cắt tóc trực tiếp tại salon, mọi người còn được hướng dẫn cách tự cắt tóc tại nhà và gửi tóc đến CLB. Ảnh: ĐVCC

Để chắc chắn số tóc đến được tận tay các bệnh nhân, CLB đã trực tiếp liên hệ với các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Gia Lai để có thể tự tay trao tặng những món quà của mình.

Ngoài địa bàn tỉnh Gia Lai, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27-7) vừa qua, CLB đã tổ chức chương trình thăm và trao tặng quà cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum với 11 bộ tóc giả và 15 phần quà. Không dừng ở đó, CLB Tóc Hồng Gia Lai luôn mong muốn có thể kết nối được với các bệnh nhân ở các tỉnh thành xa hơn nữa để trao gửi những bộ tóc giả yêu thương.

Câu lạc bộ Tóc Hồng Gia Lai thăm và tặng quà bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum. Ảnh: ĐVCC

Câu lạc bộ Tóc Hồng Gia Lai thăm và tặng quà bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum. Ảnh: ĐVCC

Để có thể tạo dựng được niềm tin cho cả bệnh nhân và các nhà hảo tâm, anh Kiều tự hào chia sẻ: “Tuy chỉ là một CLB, nhưng ở mọi khâu mình đều tổ chức rất chặt chẽ. Thông tin về người hiến tóc, khối lượng tóc hiến đều được sao kê lại một cách chi tiết.

Mỗi quý (3 tháng), tổng số tóc từ các thành viên sẽ được gửi về văn phòng đại diện ở Pleiku để tổng hợp và gửi đến đơn vị gia công. Mỗi bộ tóc giả trung bình sẽ tương đương với khoảng 330gr-370gr tóc. Do đó, câu lạc bộ luôn nắm được số lượng bộ tóc giả được hoàn thành.

Tương tự với đầu ra, những bộ tóc được tặng hay tồn kho, và thông tin bệnh nhân nhận tóc đều được sao kê lại rõ ràng, chi tiết”.

Bên cạnh đó, để tạo sự công khai, minh bạch trong quá trình làm việc, các hoạt động nhận tóc đều phải đứng trên danh nghĩa CLB. Một vài trường hợp thành viên đăng bài truyền thông với tư cách cá nhân, CLB đều chấm dứt hợp tác.

Quy trình làm việc rõ ràng, chặt chẽ và minh bạch của CLB Tóc Hồng Gia Lai. Ảnh: ĐVCC
Quy trình làm việc rõ ràng, chặt chẽ và minh bạch của CLB Tóc Hồng Gia Lai. Ảnh: ĐVCC

Ngày 5-7-2024, Câu lạc bộ Tóc hồng Gia Lai đã chính thức trực thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Gia Lai. Với sự bảo trợ và định hướng của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh, Ban chủ nhiệm CLB tin rằng sẽ ngày càng giúp đỡ được nhiều bệnh nhân ung thư và còn có thêm những hoạt động thiết thực hơn nữa đối với những hoàn cảnh khó khăn.

Thông tin chi tiết những salon thành viên thuộc Câu lạc bộ Tóc Hồng Gia Lai. Ảnh: ĐVCC

Thông tin chi tiết những salon thành viên thuộc Câu lạc bộ Tóc Hồng Gia Lai. Ảnh: ĐVCC

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp với mô hình cà phê bán... không gian làm việc

Khởi nghiệp với mô hình cà phê bán... không gian làm việc

Thay vì chỉ bán thức uống, một chủ quán đã tìm ra hướng đi mới: bán không gian làm việc ngay trong quán cà phê của mình. Với mức phí chỉ 25.000 đồng/4 tiếng đồng hồ, khách hàng có thể thoải mái sử dụng chỗ ngồi, wifi, ổ điện miễn phí và tận hưởng một môi trường yên tĩnh để học tập, làm việc.

Em Nguyễn Lê Gia Huy (bìa phải, học sinh Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Pleiku) cùng bạn học tập, làm việc nhóm tại một quán cà phê. Ảnh: H.B

Xu hướng kinh doanh “cafe work”

(GLO)- Bám sát xu hướng làm việc, học tập của khách hàng, nhiều quán cà phê tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tiếp cận mô hình kinh doanh “cafe work”, tích hợp giữa yếu tố tiện ích dịch vụ và không gian phù hợp với nhu cầu, nhịp sống hiện đại.

Chị Lê Thị Luyên trao đổi với anh Đinh Klet-Bí thư Chi Đoàn làng Dơ Nông Ó về mô hình tủ sách pháp luật điện tử của Đoàn xã Kông Htok. Ảnh: R.H

“Thủ lĩnh” thanh niên ở Kông Htok

(GLO)- Trong vai trò “thủ lĩnh” thanh niên cùng tinh thần trách nhiệm và sự sáng tạo, chị Lê Thị Luyên-Bí thư Đoàn xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã có nhiều đóng góp trong công tác Đoàn, góp phần thay đổi nhận thức và đời sống của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ở địa phương.

Website “Kết nối tri thức” Góp phần phát triển văn hóa đọc cho học sinh

Website “Kết nối tri thức” góp phần phát triển văn hóa đọc cho học sinh

(GLO)- Nhận thấy nhiều bạn trẻ thường xuyên sử dụng các thiết bị công nghệ nhưng lại ít áp dụng cho việc tìm đọc sách, nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku) đã nghiên cứu và xây dựng website “Kết nối tri thức” nhằm sử dụng công nghệ để kết nối, nâng cao hiệu quả đọc sách.

Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025: Không giới hạn số tổ hợp xét tuyển ngành Giáo dục Mầm non

Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025: Không giới hạn số tổ hợp xét tuyển ngành Giáo dục Mầm non

(GLO)- Tại Thông tư số 06/2025/TT-BGDĐT ngày 19-3-2025 sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo không giới hạn số tổ hợp xét tuyển để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cho học sinh đến từ các vùng, miền khác nhau.