Hàng loạt dự án xí đất 'vàng' ven biển Đồng Hới rồi bỏ hoang

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hàng loạt dự án nghỉ dưỡng với diện tích “khủng” nằm vị trí đắc địa ở ven các biển đẹp tại TP.Đồng Hới (Quảng Bình) án binh bất động nhiều năm; gây ra sự lãng phí, mất mỹ quan đô thị và bức xúc cho người dân...

Nhiều dự án nghỉ dưỡng ven biển Nhật Lệ bị bỏ giữa chừng. Ảnh: TRƯƠNG QUANG NATR
Nhiều dự án nghỉ dưỡng ven biển Nhật Lệ bị bỏ giữa chừng. Ảnh: TRƯƠNG QUANG NATR
Những dự án này nằm ven các biển: Bảo Ninh, Nhật Lệ, Quang Phú, là các bãi biển đẹp tại TP.Đồng Hới. Trong một không gian nhỏ nhưng quá nhiều dự án dở dang, có nhiều dự án kéo dài trên dưới 10 năm trời đến nay vẫn chưa hoàn thành, thậm chí còn chưa khởi công xây dựng.
Xin đất “vàng” rồi để đó
Nổi lên là dự án Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Bảo Ninh của Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quảng Bình được UBND tỉnh Quảng Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư và cho thuê đất từ năm 2009. Dự án nằm ngay trung tâm du lịch biển Bảo Ninh, hướng từ cầu Nhật Lệ chạy thẳng ra, kế ngay bên Quảng trường biển Bảo Ninh. Dự án đang chậm tiến độ theo cam kết của nhà đầu tư.
Tháng 10.2018, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình có thông báo chủ trương tiếp tục triển khai đầu tư dự án. Đến tháng 11.2018, Sở KH-ĐT cấp giấy chứng nhận điều chỉnh lần thứ nhất cho dự án với diện tích 4,25 ha, tổng vốn đầu tư gần 425 tỉ đồng, thời gian hoàn thành tháng 9.2020.
Trong cuộc làm việc vào đầu năm nay với chủ đầu tư, UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu nhà đầu tư cam kết, thu xếp nguồn vốn, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng trước ngày 30.9 để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Thế nhưng, ghi nhận của PV Thanh Niên ngày 9.7 cho thấy, dự án đang xây dựng phần thô, khối lượng công việc còn quá lớn nên việc hoàn thành theo tiến độ rất khó khả thi.
Dự án xây dựng khu khách sạn sinh thái của Công ty CP Delta tại xã Quang Phú cũng đội sổ về thời gian ì ạch. Dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2007 với diện tích hơn 4,7 ha, tổng vốn hơn 3,4 triệu USD. Theo Sở KH-ĐT Quảng Bình, dự án đã được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư; trong đó yêu cầu thời gian khởi công chậm nhất trong quý 2/2019, hoàn thành đưa dự án vào sử dụng chậm nhất 24 tháng kể từ ngày khởi công. Nhưng đến này 9.7, tại dự án này vẫn là bãi đất trống.
Một dự án trên 10 năm khác là Khu du lịch Indochina Quảng Bình Resort tại xã Quang Phú của Công ty CP Đông Dương Miền Trung, được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2009 với diện tích hơn 7,1 ha, tổng vốn 150 tỉ đồng. Năm 2018, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình đồng ý cho phép tiếp tục đầu tư dự án. Theo tiến độ mới, dự án phải hoàn thành tối thiểu 50% tổng mức đầu tư dự án trong thời hạn 3 năm (trước ngày 30.7.2021) và hoàn thành dự án đưa vào hoạt động trước ngày 31.12.2022.
Xây giữa chừng để phơi mưa nắng
Tại xã Quang Phú còn nhiều dự án khác tương tự như trên. Kế đó, dải đất vàng chạy dọc đường Trương Pháp ven biển Nhật Lệ (P.Hải Thành) cũng bị án ngự nhiều công trình nghỉ dưỡng lổm nhổm bê tông cốt thép.
Tại bán đảo Bảo Ninh, nơi được ví như hòn ngọc của Quảng Bình cũng dang dở hàng loạt dự án nghỉ dưỡng ngàn tỉ với những cái tên rất kêu như dự án khách sạn 5 sao Pullman của Công ty CP Du lịch Hà Nội - Quảng Bình (sát dự án Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Bảo Ninh). Dự án này được UBND tỉnh Quảng Bình cấp quyết định chủ trương đầu tư và cho thuê đất vào năm 2016, diện tích hơn 5,8 ha với quy mô khối khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng hàng trăm phòng ngủ, kèm các dịch vụ khác; tổng vốn đầu tư 1.100 tỉ đồng, thời gian hoàn thành vào cuối năm 2019. Nhưng đến nay dự án mới thi công phần thô của khối khách sạn và các hạng mục công trình phụ trợ khác. Đầu năm nay, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức làm việc để yêu cầu nhà đầu tư cam kết lần cuối về thời hạn triển khai, hoàn thành dự án. Tại thời điểm kiểm tra, tổng giá trị đã thực hiện chỉ khoảng 300 tỉ đồng, công trường đang tạm dừng thi công. Để đẩy nhanh tiến độ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH-ĐT có văn bản đốc thúc tiến độ và UBND tỉnh cũng đã có văn bản đốc thúc tiến độ lần 2. Tuy nhiên hiện khối nhà khách sạn vẫn chưa được thi công trở lại.
Gần đó nữa là dự án Khu ẩm thực Phú Ninh và khu nghỉ dưỡng Phú Ninh của Công ty TNHH Phú Ninh với tổng diện tích hơn 2,8 ha. Trong đó, dự án khu ẩm thực hơn 8.600 m2 được cấp quyết định chủ trương đầu tư năm 2015 và điều chỉnh năm 2018 với tổng vốn đầu tư hơn 123 tỉ đồng; còn khu nghỉ dưỡng hơn 2 ha được cấp ciấy chứng nhận đầu tư năm 2014 với tổng vốn hơn 130 tỉ đồng, đến năm 2018 được điều chỉnh vốn lên hơn 288 tỉ đồng, tiến độ hoàn thành vào 31.12.2020. Cả 2 dự án này đang trong thời gian được gia hạn sử dụng đất. Tuy nhiên, thời gian còn lại để hoàn thành không còn nhiều, dự án vẫn chưa khởi công nên đứng trước nguy cơ lại chậm tiến độ.
Tiếp đó là dự án Khu resort Golden City của Công ty CP Golden City với hơn 8,5 ha đất ven biển, tổng vốn hơn 357 tỉ đồng, được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư năm 2017. Tháng 4.2019, Sở KH-ĐT Quảng Bình có quyết định giãn tiến độ dự án: thời gian khởi công trước 30.6.2019, hoàn thành trước 31.12.2020 nhưng đến nay cũng chỉ là khu đất trống. Được biết, chủ đầu tư đã nộp hồ sơ xin điều chỉnh tiến độ và điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Theo chủ đầu tư, do xây dựng khu resort tiêu chuẩn 5 sao nên mất nhiều thời gian thiết kế ý tưởng và thiết kế bản vẽ thi công và có sự thay đổi về các quy định thủ tục; mặt khác, dự án còn vướng giải phóng mặt bằng.
Được biết, theo quy định, từ thời điểm tiến độ cam kết, khi chậm thì sẽ được kéo dài tổng thời gian đến 4 năm; nếu trên đất có tài sản đã đầu tư thì việc giải quyết cũng rất mất thời gian và bế tắc. Và với rất nhiều lý do, hàng loạt dự án xí phần ở Quảng Bình hiện vẫn treo chưa có điểm kết thúc.
Ngày 9.7, trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Sở TN-MT Quảng Bình cho hay, hiện các cơ quan chức năng của tỉnh vẫn đang theo dõi, kiểm tra, đốc thúc các dự án chậm tiến độ. Dự án nào chây ì và đủ yếu tố thì sẽ phải thu hồi.
Theo Trương Quang Nam (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.