Giữ tiền ở lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Anh bạn tôi đang làm trong cơ quan Nhà nước ở Đà Nẵng đã phải bỏ việc để đi chữa bệnh mắt. Anh bị glôcôm thể mi, gây viêm mắt rất nặng, thị lực giảm dần cả hai bên, chạy chữa khắp nơi.

Một hôm, có người tư vấn anh sang Singapore khám, phẫu thuật. Có bệnh thì vái tứ phương, thế là anh bay sang đảo quốc sư tử, đến bệnh viện (BV) tư nhân nọ đóng tiền khám.

Sau nhiều khâu chuyên môn được tiến hành nhưng mắt không có dấu hiệu tốt lên; ngược lại, tốn kém rất nhiều, đụng đâu cũng phải chi tiền, mỗi chuyện tư vấn tái khám đã mất 400 SGD, thấy không ổn, anh quyết định về nước. Lúc ấy, người phụ trách cơ sở y tế bên Singapore bảo rằng: Tình trạng bệnh này, ở Việt Nam chữa được, chỉ do bên bạn làm dịch vụ không tốt thôi.

Bệnh nhân kể trên là một trong hàng chục ngàn người Việt Nam ra nước ngoài trị bệnh, ít nhất 1 lần mỗi năm. Thống kê chưa đầy đủ của ngành y tế cho biết mỗi năm người Việt tiêu tốn khoảng 2-3 tỉ USD ra nước ngoài khám chữa bệnh, thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Con số này trên thực tế chắc chắn lớn hơn nhiều.

Tựu trung ở mấy nguyên nhân chính: cơ sở y tế trong nước chật chội, quá tải; trình độ bác sĩ và trang thiết bị, kỹ thuật chưa thật tốt; chất lượng phục vụ bệnh nhân "nhà giàu" chưa xứng tầm; không bảo đảm bí mật hồ sơ bệnh án.

Nhìn ra vấn đề này, trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bộ Y tế chọn 5 BV hạng đặc biệt và đề xuất nâng cấp lên thành BV hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế. Cụ thể, BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV Trung ương Quân đội 108, BV Chợ Rẫy và BV Trung ương Huế.

Theo Bộ Y tế, khi được nâng cấp, 5 BV mang "tầm vóc khu vực châu Á - Thái Bình Dương" này sẽ có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt, nhằm giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài điều trị, đồng thời thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam.

Thực tế, mấy năm qua, những BV tuyến cuối, trình độ cao kể trên đã thu hút khá đông bệnh nhân từ các nước láng giềng. Những BV này tập hợp được nhiều chuyên gia y - dược hàng đầu và bác sĩ đa khoa - chuyên khoa bậc thầy, đầu tư mua sắm trang thiết bị tân thời, làm chủ được hầu hết các kỹ thuật y tế cực kỳ phức tạp mà trước đây phải nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài. Những thế mạnh này tạo nên sức hút cho y tế Việt Nam, nhất là các BV danh tiếng, trong thời gian tới.

Nhưng sau đề xuất của Bộ Y tế, còn một số vấn đề phải đặt ra: Tại sao TP HCM không thiếu nguồn lực đầu tư, dân số đông, mức chi tiêu cao, khách nước ngoài đến theo diện du lịch - sức khỏe nhiều, nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng tốt khá lớn…, mà chỉ có 1 BV được chọn để đề xuất đầu tư, nâng cấp (BV Chợ Rẫy)? Liệu có sát với thực tế hay chưa?

Ngoài ra, đừng quên cải tiến mạnh mẽ chất lượng phục vụ. Thái độ của nhân viên y tế, bác sĩ rất quan trọng đối với quyết định chi tiền của người có nhu cầu khám chữa bệnh, nhất là bệnh nhân "nhà giàu". Và, để thu hút ngoại tệ, đồng thời giữ tiền ở lại trong nước, cần đẩy mạnh truyền thông - quảng bá, dễ nhất là học cách làm của Singapore.

Có thể bạn quan tâm

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

Từ một thôn nghèo, người dân Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (H.Đồng Văn, Hà Giang) đã biết áp dụng mô hình kinh doanh homestay và đặc biệt là sử dụng các nền tảng số như Agoda, Booking và Facebook để quảng bá, thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế.

Tính mạng con người là trên hết

Tính mạng con người là trên hết

Can dự vào sức khỏe của ai đó là điều mà những người có lương tri tối thiểu đều hết sức cân nhắc và thận trọng về trách nhiệm đạo đức cũng như trách nhiệm pháp lý. Vậy cớ sao lại cứ để tình trạng cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không phép và vận hành sai quy định?

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.