Emagazine

Gieo mầm cồng chiêng trong trường học

E-magazine Gieo mầm cồng chiêng trong trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
 
 

Sau 3 tháng miệt mài truyền dạy cho các em học sinh khối lớp 3 của Trường Tiểu học số 1 Ia Băng (huyện Đak Đoa), 2 nghệ nhân Alip, Anênh cũng có thể nở nụ cười khi nhìn đội chiêng trình diễn trong buổi lễ tổng kết. Từng đôi chân trần nhỏ bé nhịp nhàng theo tiếng chiêng mà không còn bị vấp váp hay lỡ nhịp. Tham gia truyền dạy cồng chiêng cho nhiều thế hệ thanh-thiếu niên trong xã, nhưng đây là lần đầu nghệ nhân Alip dạy chiêng cho các em học sinh ở độ tuổi chưa lên 10. Ông cho hay: “Mọi thứ đều là bài học vỡ lòng với các cháu, từ cách cầm dùi, cầm chiêng đến tư thế đánh sao cho đúng, cho đẹp. Chưa kể tất cả các cháu đều là “đôi tai mới” với âm nhạc cồng chiêng. Để đánh được bài chiêng truyền thống trong lễ “Mừng lúa mới”, mình phải giải thích ý nghĩa bài nhạc, sau đó hát đi hát lại giai điệu cho các cháu cảm nhận, nhẩm thuộc rồi mới bắt tay vào tập luyện. Trẻ con ham chơi, ít tập trung nên phải rất kiên nhẫn với chúng”.

 

Suốt 3 tháng duy trì lớp học văn hóa này, 2 nghệ nhân chính là cuốn “giáo trình” đặc biệt. Ngoài kỹ năng truyền dạy sao cho dễ hiểu, vốn liếng tri thức ở họ chính là kho báu. Không chỉ dạy cho các em biết cầm cái cồng, cái chiêng, đánh cho đúng từng nốt nhạc, các nghệ nhân còn giúp cho thế hệ măng non hiểu về nghệ thuật trình diễn, truyền thống văn hóa.

 

Cô Nguyễn Thị Liên-Hiệu trưởng nhà trường-thông tin: “Đặc thù của trường có rất đông học sinh dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Jrai. Vì vậy, truyền dạy cồng chiêng là cánh cửa giúp các em hiểu và yêu di sản văn hóa dân tộc, từ đó có ý thức bảo vệ và gìn giữ. Để đảm bảo duy trì sĩ số lớp học cồng chiêng gồm 50 học sinh khối lớp 3, chúng tôi phân công giáo viên chủ nhiệm đưa đón các em ở các điểm trường về trường chính để tập luyện. Có điểm trường cách trường chính 5 km nhưng các em đều có mặt đông đủ trong suốt 3 tháng học. Nhà trường trích kinh phí thường xuyên để hỗ trợ các em bữa ăn trong các buổi tập. Sau lớp học này, nhà trường sẽ đề xuất mua một bộ cồng chiêng để các em tập luyện thêm, đồng thời duy trì hoạt động này trong học sinh các khối lớp”.

 

Đưa cồng chiêng vào trường học được ngành chức năng huyện Đak Đoa chú trọng từ hàng chục năm nay. Bà Đặng Thị Hoài-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện-cho biết: “Từ năm 2012 đến nay, huyện đã mở 10 lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh-thiếu niên, trong đó có 6 lớp dạy đánh cồng chiêng trong các trường tiểu học và THCS có đông học sinh dân tộc thiểu số, mỗi lớp duy trì từ 50 đến 55 học sinh. Hoạt động truyền dạy cồng chiêng trong nhà trường nếu không có sự phối hợp của ngành Giáo dục sẽ rất khó thực hiện hiệu quả. Nhiều trường sau khi tổng kết lớp học đã mua cồng chiêng để các em sinh hoạt văn hóa trong các giờ ngoại khóa”.

 

Ngoài Đak Đoa, nhiều địa phương khác cũng đã đưa cồng chiêng vào giờ học ngoại khóa, nhất là ở các trường dân tộc nội trú. Ngay từ khi thành lập năm 1999, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Păh đã tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng cho học sinh. Đó là việc làm mà không phải trường nào cũng duy trì được. Thầy Nguyễn Trọng Vinh-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Học sinh ở nội trú nên rất ít có cơ hội được tham gia các hoạt động văn hóa tại buôn làng. Do đó, việc đưa sinh hoạt cồng chiêng của người Bahnar, Jrai nói riêng và một số sinh hoạt văn hóa của các dân tộc khác vào nội dung hoạt động của trường là một hình thức giáo dục, giúp các em có ý thức trân trọng và tình yêu với văn hóa truyền thống”.

 

Theo đó, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Păh đã mời đội ngũ nghệ nhân giỏi về truyền dạy và hình thành đội chiêng với các thành viên nòng cốt. Những hạt nhân này lại tiếp tục truyền đạt cho những học sinh khóa sau, nhất là các em đầu cấp.

 

Em Rơ Châm Điêm-học sinh lớp 9-chia sẻ: Em tập luyện cồng chiêng từ đầu năm lớp 6. Đến nay, em có thể trình diễn nhiều bài nhạc chiêng như: “Chư Păh chiến thắng”, “Mừng Tây Nguyên vào mùa”, “Mừng lúa mới”… Em là hạt nhân nòng cốt của đội chiêng tham gia biểu diễn trong nhiều sự kiện của huyện; đồng thời truyền đạt kỹ năng đánh chiêng cho các em học sinh khóa sau. “Sinh hoạt cồng chiêng trở thành hoạt động văn hóa không thể thiếu với học sinh các khối lớp dịp cuối tuần. Vừa rồi, em cùng toàn đội tham gia trình diễn trong lễ khai mạc Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya. Em rất vui vì đội cồng chiêng học sinh được rất nhiều du khách chụp ảnh cùng”.

 

Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: “Hàng năm, vào dịp hè hoặc trước thềm năm học mới, chúng tôi đều mời nghệ nhân đến chỉnh chiêng. Chiếc nào hỏng sẽ nhờ nghệ nhân tư vấn mua bổ sung, đảm bảo bộ cồng chiêng luôn sẵn sàng để các em tập luyện, sinh hoạt trong năm học mới. Văn hóa sẽ hình thành nên con người, là hành trang để các em hội nhập và bước ra thế giới. Bây giờ, các em có thể chưa ý thức đầy đủ nhưng mai này bước ra xã hội, các em sẽ biết ơn, trân trọng hơn di sản văn hóa của dân tộc mình”.

 

Vấn đề đưa cồng chiêng vào trường học đã được đặt ra tại 2 hội thảo quốc gia và quốc tế về cồng chiêng do Viện Văn hóa nghệ thuật (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) tổ chức tại TP. Pleiku các năm 2009, 2018. Các ý kiến đều đồng tình, khẳng định sự cấp thiết phải đưa âm nhạc và giá trị  không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên giáo dục cho thế hệ trẻ-những chủ nhân tương lai của di sản. Nhưng trao truyền theo phương thức nào cho hiệu quả thì vẫn còn là vấn đề cần tiếp tục bàn.

 

Trên thực tế, đã có những giáo trình giảng dạy cồng chiêng được đưa vào trường chuyên nghiệp, trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Năm 2015, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai) đã thực hiện thành công đề tài khoa học cấp tỉnh “Phương pháp dạy và học cồng chiêng của đồng bào Bahnar, Jrai trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Đề tài này đã áp dụng vào thực tế thông qua giáo trình giảng dạy cồng chiêng với thời lượng 60 tiết học. Nội dung các tiết học đi sâu tìm hiểu nguồn gốc và các loại cồng chiêng của người Bahnar, Jrai; vai trò cồng chiêng trong đời sống; hệ thống các nghi lễ của dân tộc bản địa và thực trạng việc bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng và âm nhạc cồng chiêng…

 

Thạc sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Ánh-Trưởng khoa Văn hóa-Nghệ thuật (Trường Cao đẳng Gia Lai) cho biết, giáo trình dạy và học cồng chiêng được giảng dạy từ năm 2015. Cũng từ đó đến nay, mỗi năm, Khoa phối hợp với trung tâm văn hóa-thông tin-thể thao các huyện mở 5-6 lớp truyền dạy cồng chiêng trong các trường phổ thông và thanh-thiếu niên ở cộng đồng.

 

Tính khả thi của phương thức trao truyền di sản văn hóa cồng chiêng qua giáo trình chỉ có thể đạt được khi đội ngũ giáo viên có khả năng truyền dạy, có năng lực, sự hiểu biết và kỹ năng thực hành. Còn dựa vào đội ngũ nghệ nhân-những “báu vật nhân văn” thì cũng không bảo đảm lâu dài do phần lớn họ đều lớn tuổi. Trong bối cảnh đó, dù chưa có chương trình phối hợp tổng thể từ cấp quản lý là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, song nhiều trường đã tìm ra những phương thức hữu hiệu để trao truyền di sản văn hóa cho thế hệ trẻ.

 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh: “Cồng chiêng có sự khác nhau ở từng vùng, hay ở làng này đã khác ở làng kia. Điều đó tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của di sản này. Do đó, hãy để cồng chiêng được trao truyền lại cho thế hệ trẻ một cách tự nhiên, bảo tồn trong sự phát triển, trong không gian mở mang tính thời đại của loại hình văn hóa dân gian. Mỗi phương thức truyền dạy cồng chiêng hiện nay đều có những mặt tích cực, vấn đề cuối cùng và quan trọng nhất là có thể bảo tồn và phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất các giá trị của di sản cồng chiêng. Do đó, đưa cồng chiêng vào trường học, dù theo phương thức nào, cũng rất đáng trân trọng, cho thấy sự chủ động của các địa phương, các cấp, các ngành trong việc chung tay bảo vệ, gìn giữ một hệ giá trị đã trường tồn để cồng chiêng có cơ hội phát triển trong cuộc sống hôm nay”.

 
 

Có thể bạn quan tâm

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

(GLO)- Trong suốt 10 năm người lính tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế, có người may mắn trở về, người đến giờ vẫn còn nằm lại trên đất bạn. Nhưng, như lời một người lính trở về thì “một cuộc sống trung thực và can đảm không cho phép chúng ta sống hời hợt, đại khái”.

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 2: Nghĩa tình lính trận

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 2: Nghĩa tình lính trận

(GLO)- Điều gì đã gắn kết những người lính tình nguyện Việt Nam để làm nên khúc khải hoàn trên chiến trường K? Đó có phải là tình đồng đội thiêng liêng, cao cả; là sự giúp đỡ vô tư, trong sáng và cũng đầy ân tình đối với người dân nước bạn, thậm chí với cả người ở phía bên kia chiến tuyến?

Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

E-magazineXây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

(GLO)- Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, một số doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân đang bước đầu áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại.

Khúc hoan ca làng chài

E-magazineKhúc hoan ca làng chài

(GLO)-

Từ dăm con thuyền dạt trôi giữa mênh mông sông nước Sê San ngày nào đã hình thành 1 làng chài với hơn 30 hộ dân. Hôm nay, làng chài trên dòng Sê San đã đổi vận từ con cá và du lịch.

Xuất khẩu nông sản: Tín hiệu lạc quan

E-magazineXuất khẩu nông sản: Tín hiệu lạc quan

(GLO)- Sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt tay vào sản xuất kinh doanh. Năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhận được nhiều đơn hàng hơn so với năm ngoái. Đây là tín hiệu lạc quan, kỳ vọng tạo đột phá cho ngành xuất khẩu nông sản của tỉnh trong năm 2024.
Cô gái 9X và hành trình đạp xe xuyên Á

E-magazineCô gái 9X và hành trình đạp xe xuyên Á

(GLO)- Đang yên đang lành với công việc có thu nhập cao tại TP. Hồ Chí Minh, cô gái quê Gia Lai Trương Mỹ Châu (SN 1990) quyết định “đặt xuống mọi thứ” để thực hiện chuyến xuyên Việt, rồi xuyên Á bằng xe đạp.

Chàng trai Bahnar dẫn nước về làng

E-magazineChàng trai Bahnar dẫn nước về làng

(GLO)-Xuân này tròn 3 năm kể từ lúc dân làng Hrach (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro) đón nguồn nước ngọt lành từ đỉnh núi Bok Ưng về tưới mát cả một vùng khô cằn. Câu chuyện về chàng trai Đinh Hmach dẫn nguồn nước về làng được đồng bào Bahnar nơi đây truyền tai nhau như một kỳ tích.