Giao thông mở lối kết nối phát triển-Kỳ cuối: Mở đường vươn ra "biển lớn"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ việc mở đường cộng với những chương trình, dự án do Nhà nước đầu tư ở các địa phương, bộ mặt nông thôn cũng như cuộc sống của người dân nhanh chóng khởi sắc. Những con đường nhỏ sẵn sàng kết nối với các cung đường lớn để “vươn khơi ra biển lớn”. Đặc biệt, việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương của tỉnh Gia Lai về xây dựng tuyến đường cao tốc Pleiku-Quy Nhơn đã mở ra cơ hội để “rừng và biển” ngày một gần hơn.

Kết nối tương lai

Dự án đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông có chiều dài 32,75 km với tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng đang gấp rút hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công. Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-nhận định: Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ kết nối vào tuyến đường liên huyện khác. Không chỉ tạo sự liên kết vùng khó với vùng thuận lợi, tuyến đường còn mở ra hướng vận tải mới nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

Mặt khác, để khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương và khu vực, tỉnh đã đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông có tính liên kết vùng giữa Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Việc đề xuất kết nối tỉnh lộ 668 (Gia Lai) kết hợp với tỉnh lộ 695 (Đak Lak) hình thành tuyến giao thông liên tỉnh dài 45 km sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các xã phía Đông Bắc của tỉnh Đak Lak với Đông Nam của tỉnh Gia Lai. Tuyến đường nối Gia Lai-Phú Yên có chiều dài 135 km được quy hoạch là quốc lộ 19E sẽ là tuyến giao thông kết nối quan trọng, có ý nghĩa trong công tác cứu hộ cứu nạn trong bão lũ, đồng thời gắn phát triển kinh tế-xã hội khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 19 đang triển khai sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông từ Pleiku đi một số địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận. Ảnh: Minh Nguyễn
Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 19 đang triển khai sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông từ Pleiku đi một số địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận. Ảnh: Minh Nguyễn



Cùng các tuyến đường đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng trước đó, dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 25 đã góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, gia tăng tính kết nối giữa các vùng, huyện, tỉnh trong khu vực. Đây là công trình giao thông trọng điểm kết nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng duyên hải Nam Trung Bộ, là cầu nối trung chuyển giữa đường Hồ Chí Minh và đường Trường Sơn Đông. Ông Trần Quang Ngại (làng Ia Jút, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) cho hay: “Đường sá giờ rộng rãi, thông thoáng hơn trước, người dân mừng lắm. Không những đi lại thuận tiện mà hàng hóa cũng được thông thương thuận lợi, giá vận chuyển giảm so với trước”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện thì khẳng định: Việc hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 25 đã tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế-xã hội. Phần lớn địa bàn tuyến đường đi qua điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống. Do đó, khi được cải tạo, nâng cấp không chỉ giúp cải thiện việc đi lại mà còn tạo động lực quan trọng thúc đẩy các địa bàn vùng khó phát triển; đồng thời là điểm tựa tạo nên tính liên kết giữa các địa phương trong tỉnh và gia tăng kết nối với các tỉnh lân cận.

Bên cạnh đó, dự án nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 19 (Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên) đang triển khai sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông từ Pleiku đi một số địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận. Dự án có tổng chiều dài 143,6 km đi qua 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Gia Lai có chiều dài 126,6 km, mức đầu tư dự kiến là 3.000 tỷ đồng. Dự kiến năm 2013, công trình sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng. Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm được kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội cho các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak cũng như hoạt động giao thương trên trục Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Phú (xã Cư An, huyện Đak Pơ) cho hay: “Nhìn công nhân triển khai làm đường, bà con ở đây ai cũng phấn khởi. Chúng tôi cho họ sử dụng nhờ điện, nước, coi như góp chút ít công sức để tuyến đường sớm hoàn thành”.

Mở đường “đưa biển lên rừng”

Sự đầu tư mang tính chiến lược, đột phá đã thổi “làn gió mới” không chỉ giúp Gia Lai từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, liên kết vùng chặt chẽ với các địa phương trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước, từ đó giúp thông thương hàng hóa, giảm thiểu thời gian đi lại, đảm bảo trật tự an toàn giao thông mà còn tạo đòn bẩy quan trọng giúp địa phương phát triển kinh tế-xã hội ngày càng bền vững.

Các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Kbang được quan tâm đầu tư đấu nối với đường tỉnh, quốc lộ phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của người dân. Ảnh: Minh Nguyễn
Các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Kbang được quan tâm đầu tư đấu nối với đường tỉnh, quốc lộ phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của người dân. Ảnh: Minh Nguyễn


Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến giao thông quốc gia kết nối với các tỉnh khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung qua 6 tuyến quốc lộ có chiều dài 723 km. Hệ thống quốc lộ được kết nối hoàn chỉnh vào 10 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 372 km cùng hệ thống giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư đã tạo điều kiện cho các địa phương trong tỉnh thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Việc đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường liên huyện đã hình thành và phát triển các đô thị, điểm dân cư mới, giúp liên kết giữa các vùng thuận lợi với những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời cũng làm giảm tải, giảm chi phí vận chuyển so với các tuyến vận tải cũ.

Ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải khẳng định: Những năm qua, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, các trục quốc lộ, tỉnh lộ được đầu tư, nâng cấp; các tuyến đường liên huyện, đường vành đai đô thị được mở mới; đường huyện, xã được triển khai thực hiện theo quy hoạch của ngành giao thông và các địa phương. Trong đó, nhiều công trình huyết mạch quan trọng đã được Trung ương và địa phương quan tâm đầu tư, nâng cấp; một số công trình trọng điểm đã và đang đầu tư đến năm 2025 với tổng nguồn vốn khoảng 10.000 tỷ đồng. Đây đều là những tuyến giao thông huyết mạch tạo điều kiện để các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới kết nối với các vùng thuận lợi; tạo nên trục giao thông liên hoàn, phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.

Đặc biệt, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 5-2022, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đã đề xuất Chính phủ bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2026-2030 hoặc giao các bộ, ngành trung ương giúp tỉnh Gia Lai tìm đối tác để sớm triển khai tuyến cao tốc Pleiku-Quy Nhơn trước năm 2030. Trước đó, lãnh đạo 3 tỉnh Gia Lai, Bình Định, Kon Tum đã có tờ trình chung gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét cho xây dựng tuyến cao tốc này. Dự kiến đây là tuyến đường cao tốc được quy hoạch, kết nối khu vực duyên hải miền Trung-Tây Nguyên có 4 làn xe với tổng mức đầu tư dự kiến 56.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay ODA, thu hút từ các thành phần kinh tế với nhiều hình thức như PPP, BOT, BT... Trong đó, giai đoạn 1 của dự án từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ có 2 làn xe (giải phóng mặt bằng 4 làn xe) với tổng kinh phí 40.000 tỷ đồng; giai đoạn 2 của dự án từ năm 2026 đến 2030 sẽ đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường theo quy hoạch 4 làn xe.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh hồi tháng 5-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, hạ tầng giao thông còn bất cập khiến việc kết nối Gia Lai và Tây Nguyên với khu vực xung quanh, các cảng biển còn khó khăn. Do vậy, Gia Lai cần khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên, có vị trí quan trọng trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. “Trung ương sẽ cùng với Gia Lai tìm đối tác triển khai đầu tư cao tốc Pleiku-Quy Nhơn theo hướng dự án hợp tác công tư. Tỉnh thực hiện nhiệm vụ cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tiết kiệm ngân sách, tham gia bố trí nguồn vốn cho dự án này để có đường ra biển nhanh chóng, thuận tiện”-Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Trao đổi với P.V, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải khẳng định: Tuyến cao tốc Pleiku-Quy Nhơn có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Khi tuyến đường hình thành sẽ tạo trục cao tốc thông qua hệ thống các cảng biển của khu vực duyên hải miền Trung kết nối Biển Đông với khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, vươn xa hơn là với các nước Thái Lan, Myanmar.

“Đây cũng là tuyến đường cao tốc ngang kết nối các tuyến cao tốc dọc là cao tốc Bắc-Nam phía Đông và cao tốc Bắc-Nam phía Tây, góp phần hoàn chỉnh mạng đường bộ cao tốc Việt Nam. Ngoài ra, tuyến cao tốc này còn tạo điều kiện để Gia Lai và Bình Định khai thác các quỹ đất dọc tuyến, quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị kết nối, tạo nguồn thu tăng ngân sách cho các địa phương”-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải nhấn mạnh.

 

 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.