Giang hồ cưỡng chiếm đất công: Những phi vụ gây phẫn nộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi 'nhảy' vô lĩnh vực nhà đất ở TP.Phan Thiết (Bình Thuận), 'vợ chồng N.Đ' và đám đàn em giang hồ là nỗi ám ảnh của nhiều người, nhất là người dân và chính quyền ở P.Mũi Né.
 
Xây tường bao kiên cố, chòi canh trong các khu đất công bị cưỡng chiếm ở Mũi Né. Ảnh: H.L
Như Thanh Niên số ra ngày 11.5 phản ánh, từ năm 2017, khi “nhảy” vô lĩnh vực nhà đất ở TP.Phan Thiết (Bình Thuận), “vợ chồng N.Đ” và đám đàn em giang hồ là nỗi ám ảnh của nhiều người, nhất là người dân và chính quyền ở P.Mũi Né.
P.Mũi Né (TP.Phan Thiết) với đất đai có giá trị cao bởi lợi thế là thủ phủ du lịch, trở thành địa bàn trọng điểm mà T.T.N.N (43 tuổi) và T.V.Đ (44 tuổi, cùng ngụ TP.HCM; nhiều người dân TP.Phan Thiết thường gọi là “vợ chồng N.Đ”) tác oai tác quái trong việc ngang nhiên cưỡng chiếm đất công.
Nghi vấn về sự chống lưng cho “vợ chồng N.Đ” từng được dư luận bức xúc đặt ra, khi nhiều đơn thư của cán bộ cấp cơ sở gửi lên cấp trên đều “rơi vào im lặng”.
Cụ thể, trong nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo có trường hợp ông Nguyễn Văn T., nguyên trưởng KP.Long Sơn (P.Mũi Né). Ông T. là người chứng kiến nhiều hành vi vi phạm pháp luật của “vợ chồng N.Đ”, sau đó đã có hơn 10 lá đơn gửi đến Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết, Công an TP.Phan Thiết, Công an tỉnh Bình Thuận, và nhiều cơ quan chức năng khác, đề nghị phải xử lý hình sự theo đúng quy định pháp luật đối với hành vi cưỡng chiếm đất công.
Thế nhưng, cho đến nay các vụ cưỡng chiếm đất công vẫn “rơi vào im lặng”. Bản thân ông T. là trưởng KP.Long Sơn, nhưng bị sức ép từ gia đình do “vợ chồng N.Đ” đe dọa, nên đã phải viết đơn xin nghỉ việc.
 
Ngày 23.9.2017 có hàng chục giang hồ, dùng mã tấu được “vợ chồng N.Đ” đưa đến Mũi Né tranh chấp đất với dân địa phương
Dùng côn đồ uy hiếp người tố cáo
Theo điều tra của PV Thanh Niên, “vợ chồng N.Đ” từng thuê hàng chục “giang hồ” từ nơi khác đến Mũi Né để “xử” những người dân tố cáo và dám “tranh chấp” đất với mình.
Cụ thể, ngày 27.8.2017, “vợ chồng N.Đ” thuê nhiều “tay anh chị” đến KP.Long Sơn để chặt phá cây tràm trong rừng PAM (rừng trồng bằng nguồn vốn tài trợ của chương trình lương thực thế giới).
Khi cán bộ khu phố đến ngăn chặn, thì “vợ chồng N.Đ” ngang nhiên nói đây là đất được nhà nước giao cho mình làm dự án bến xe. Các anh Hồ Văn Đoan, Bùi Văn Ốm và Nguyễn Ngọc Anh (người dân địa phương) có ra ngăn cản, lập tức bị các đàn em của “vợ chồng N.Đ” hăm dọa, gây gổ. Cán bộ phường sau đó chỉ đến lập biên bản rồi ra về.
Sau đó 2 ngày (29.8.2017), “vợ chồng N.Đ” đã cho xe ủi san phẳng hàng ngàn mét đất rừng PAM gần với nhà ông Phạm Ngọc Ánh (KP.Long Sơn, P.Mũi Né). Cũng trong ngày này, “vợ chồng N.Đ” đã ủi chiếm khu đất rộng khoảng 600 m2 ở KP.Long Sơn. Khi bị cán bộ khu phố ra sức ngăn chặn, ngày 5.9.2017, bà N. đã gọi điện cho ông T., trưởng KP.Long Sơn chửi bới, đe dọa, yêu cầu phải xóa hết clip bằng chứng, nếu không sẽ cho “giang hồ thanh toán”. Tất cả các vụ việc đều có biên bản lưu tại P.Mũi Né. Trong đơn tố cáo của trưởng KP.Long Sơn gửi TP và tỉnh từ ngày 23.9.2017 cũng đều liệt kê từng vụ cụ thể.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 21.9.2017, bà N. còn dẫn đầu, kéo theo khoảng 10 “tay anh chị” lăm lăm mã tấu đến nhà ông Hồ Văn Đoan (KP.Long Sơn) đòi “xử” vợ chồng ông này vì tố cáo và dám tranh chấp đất với mình.
Nhận được hung tin, Phó chủ tịch UBND P.Mũi Né Nguyễn Văn Vũ (nay là Chủ tịch UBND P.Mũi Né) và công an khu vực đến hiện trường can ngăn. Khi các cán bộ này chưa đến nơi, nhóm người của “vợ chồng N.Đ” đã tới nhà bà Nguyễn Thị Lợi để truy tìm con trai bà này đòi “xử” vì dám ngăn cản việc ủi đất của mình. Không dừng lại, cả nhóm sau đó còn đến nhà ông Nguyễn Văn Tài để hăm dọa gia đình ông này cũng vì dám tranh chấp đất với mình.
Theo những nạn nhân bị “vợ chồng N.Đ” uy hiếp, đe dọa, cặp vợ chồng này chủ động tranh chấp vô cớ để cưỡng chiếm, bởi “vợ chồng N.Đ” từ nơi khác đến, làm gì được giao đất hay có quyền sở hữu đất cạnh đất của người dân mà đòi tranh chấp.
Ngày 22.9.2017, một số “tay anh chị” không rõ địa chỉ, bất ngờ lao vào quán của ông Đoàn Ngọc Ánh (sát khu đất “vợ chồng N.Đ” san ủi trái phép ở KP.Long Sơn) đánh tới tấp chủ quán. Một lát sau thì thấy chồng của bà N. là T.V.Đ đứng trước cửa quán. Khi cảnh sát khu vực đến can ngăn không được đã phải bắn 3 phát súng chỉ thiên, băng nhóm giang hồ của “vợ chồng N.Đ” mới bỏ đi. Vụ này sau đó được Công an P.Mũi Né ghi nhận bằng biên bản và báo cáo Công an TP.Phan Thiết, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả xử lý.
 
Nạn nhân bị băng nhóm “vợ chồng N.Đ” đánh gãy tay phải
Không dừng ở đây, tối hôm sau (23.9.2017), một chiếc ô tô 16 chỗ biển số Bà Rịa - Vũng Tàu và chiếc xe 7 chỗ của “vợ chồng N.Đ” chở theo khoảng 20 “đàn em”, tay cầm dao, mã tấu đỗ xịch ngay cổng quán cà phê Hải Yến (KP.Long Sơn). Liền sau đó, các tên côn đồ xông vào quán cà phê truy sát anh Nguyễn Văn Tâm đang ngồi trong quán. Rất may anh Tâm đã chạy thoát ra phía sau, lẩn trốn vào trong rừng tràm. Sau đó, hàng chục côn đồ đã thủ sẵn mã tấu, tụ lại ăn nhậu ngay tại khu đất khoảng 5.000 m2 mà “vợ chồng N.Đ” đang tranh chấp với người dân địa phương để “tử thủ”. Riêng vụ việc này, vào thời điểm đó Thanh Niên từng phản ánh, nhưng đến nay cũng “rơi vào im lặng”.
Leo thang hành vi ngông cuồng
Cũng trong buổi sáng 23.9.2017, hàng chục cán bộ Công an TP.Phan Thiết, cảnh sát cơ động của Công an tỉnh Bình Thuận, lực lượng thanh niên xung kích dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Đỗ Ngọc Điệp (hiện đã bị cách chức và bị khởi tố trong vụ án sai phạm đất đai khác - PV) và 1 Phó trưởng công an TP.Phan Thiết đến hiện trường đưa băng giang hồ này và “vợ chồng N.Đ” về Công an P.Mũi Né để giải quyết. Thế nhưng sau đó, sự tác oai tác quái của băng nhóm giang hồ này tiếp tục leo thang trong sự phẫn nộ, lo lắng của nhiều người dân địa phương.
Theo tố cáo của chị Trần Thị Đình Hương (27 tuổi, trú KP.11, P.Mũi Né), chị làm thuê cho một dự án du lịch có đất giáp ven đường Hòn Rơm. Chiều 20.3.2020, chị cùng một số anh em công nhân đang làm việc trong đất dự án, thì có khoảng 30 người, tay đều cầm hung khí dưới sự chỉ huy của bà N. hung hăng đuổi công nhân để đánh, vì cho rằng chiếm đất của bà N.
Băng nhóm của “vợ chồng N.Đ” đập phá nát nhà và đồ đạc của dự án. Riêng chị Hương bị một tên đàn em của “vợ chồng N.Đ” đánh gãy tay phải. “Tôi có đơn yêu cầu công an xử lý hình sự, nhưng đến nay không ai giải quyết cho tôi”, chị Hương bức xúc.
Vụ ngông cuồng đánh người này, Công an P.Mũi Né cũng có lập biên bản, hồ sơ sau đó gửi Công an TP.Phan Thiết xử lý theo thẩm quyền, nhưng đến nay chưa có động thái mới. Vụ việc chiều 20.3.2020 diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật như vậy, nhưng cơ quan chức năng chẳng những không thể xử phạt hay khởi tố “vợ chồng N.Đ” cùng “băng nhóm giang hồ” được thuê, mà cặp vợ chồng này đến nay đã cưỡng chiếm cả đất ở đây, xây hàng rào kiên cố, xây nhà và treo bảng “Trung tâm mua bán bất động sản” trước sự bất bình và phẫn nộ của người dân địa phương.
(còn tiếp)
Thách thức cán bộ và công an phường
Trong một clip mà người dân cung cấp, bà N. (đầu đội mũ cối), đứng trong một căn nhà dựng tạm, tay cầm gậy hung hăng chỉ thẳng vào mặt cán bộ địa chính phường và Công an P.Mũi Né, to tiếng quát “mày coi chừng tao”. Khi biên bản lập không được ai ký, cán bộ công an nói “để về báo cáo với trưởng công an phường để báo lên công an thành phố”, thì bà N. lớn tiếng thách thức “nhiều thằng rồi đó, mày cứ báo cáo lên tỉnh luôn đi”.
Bà Nguyễn Thị L., nguyên Bí thư Chi bộ KP.Long Sơn, bức xúc cho rằng việc để cho “vợ chồng N.Đ” suốt thời gian dài cưỡng chiếm đất công, xúi giục người khác tranh chấp đất, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội là có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Còn ông Bùi Văn O., người dân KP.Long Sơn bị “vợ chồng N.Đ” cưỡng chiếm 210 m2 đất, bức xúc: “Tôi sinh ra lớn lên ở đây từ nhỏ. Cuộc sống bà con đang bình yên, giờ thì ngày nào cũng nghe tranh giành đất đai với nó, lo một ngày nào đó đất nhà mình sẽ bị nó tranh chấp, không thể hiểu nổi. Mà nó từ nơi khác đến chứ đâu phải người địa phương ở đây”. Vì quá bất bình, ông O. cũng làm đơn tố cáo, nhưng cũng không được giải quyết.

Thanh Niên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.