Gian nan cuộc chiến chống lãng phí

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã ban hành Chương trình tổng thể cấp tỉnh và chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp nhà nước triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trong giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là năm 2020, chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng.

 Đẩy mạnh cải cách hành chính để giảm gánh nặng ngân sách và chi phí của người dân. Ảnh: Phương Linh
Đẩy mạnh cải cách hành chính để giảm gánh nặng ngân sách và chi phí của người dân. Ảnh: Phương Linh


Về việc lập, phân bổ và giao dự toán ngân sách, trong năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương ngay từ khâu lập dự toán và giữ lại phần tiết kiệm ở các cấp ngân sách với số tiền 225 tỷ đồng. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và thực hiện Công văn số 8299/BTC-NSNN của Bộ Tài chính, tỉnh đã cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác còn lại của năm 2020 và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên 8 tháng còn lại của năm 2020 với tổng kinh phí 102,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, qua công tác thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành trên địa bàn tỉnh trong năm 2020, ngành chức năng đã giảm trừ 4,7 tỷ đồng. Ngoài ra, qua công tác đấu thầu, tỉnh cũng đã tiết kiệm gần 0,7 tỷ đồng. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong năm, UBND tỉnh chỉ đạo kiên quyết thu hồi diện tích nhà, đất sử dụng cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định và trụ sở cũ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới…

Cùng với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí về ngân sách nhà nước và tài sản công, trong năm 2020, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo siết chặt quản lý, sử dụng đất; quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản; tiết kiệm điện năng; đẩy mạnh cải cách hành chính để giảm gánh nặng ngân sách và chi phí của người dân.

Tuy đạt được một số kết quả, song trên thực tế, chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn chưa được triển khai sâu rộng và có hiệu quả trong hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Vì vậy, việc thực hành tiết kiệm vẫn chưa theo kịp với tình trạng lãng phí đang diễn ra với nhiều hình thức, nhiều cấp độ, tại nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cả đối với người dân.

Tại các cơ quan nhà nước, tình trạng lãng phí nguồn nhân lực vẫn đang diễn ra với các hình thức như: đi muộn-về sớm, tranh thủ việc công để làm việc cá nhân, bố trí nhân lực không phù hợp với vị trí việc làm. Cùng với đó là lãng phí trong sử dụng tài sản công như: điện nước, xe công vụ, văn phòng phẩm... Mặc dù các thủ tục hành chính đã được cải cách một bước, nhưng vẫn còn gây phiền hà, lãng phí tiền bạc, công sức của người dân. Về tài sản công, toàn tỉnh có hàng trăm hội trường cơ quan với sức chứa lớn nhưng chỉ sử dụng vài lần trong năm.

Đặc biệt, tình trạng lãng phí trong đầu tư công và xây dựng cơ bản đã trở thành vấn đề nhức nhối hiện nay. Theo đó, nhiều dự án chậm tiến độ gây lãng phí ngân sách nhà nước và ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tuy tình trạng lãng phí diễn ra rất gay gắt và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có hiệu lực trong nhiều năm qua, song việc xử lý vi phạm còn rất hạn chế. Trên phạm vi cả nước, số vụ án vi phạm quy định Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đưa ra xét xử không nhiều. Điều đó cho thấy, cuộc chiến chống lãng phí đang gặp nhiều cản ngại. Muốn chống lãng phí đòi hỏi phải kết hợp nhiều biện pháp đồng bộ cùng với nhiều lực lượng tham gia và với quyết tâm chính trị rất cao.

Liên quan đến công tác chống lãng phí, tại Hội nghị cán bộ toàn tỉnh nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh-cho rằng: Tình trạng lãng phí đang diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành cần quyết liệt triển khai chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, cùng với phòng-chống tham nhũng, các cơ quan báo chí cần đi đầu trong đấu tranh chống lãng phí để góp phần xây dựng tỉnh nhà phát triển vững mạnh.

 

 DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Một vấn đề bao trùm được các đại biểu Quốc hội quan tâm, trước hết là chúng ta nên triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược nhằm giải quyết các thách thức phát triển, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa.

Phục hồi và tăng tốc

Phục hồi và tăng tốc

Sau hơn 1 tháng bão số 3 (Yagi) đổ bộ, tàn phá các tỉnh phía Bắc, những hậu quả nặng nề đã được cơ quan chức năng thống kê với mức thiệt hại ước tính trên 81.500 tỷ đồng, tác động tiêu cực đáng kể đến tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3 và kéo theo cả năm 2024 sẽ giảm 0,15%.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.