Giảm thiểu ô nhiễm do rác thải y tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ tháng 2-2019 trở lại đây, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê đưa vào vận hành máy xử lý rác thải hấp, nghiền, tiệt trùng bằng hơi nước. Trung tâm Y tế các huyện Kbang và Krông Pa cũng đã sử dụng công nghệ này trong xử lý chất thải rắn y tế (CTRYT), góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường so với sử dụng lò đốt như trước đây.
Xử lý chất thải bằng công nghệ không khói
Trước đây, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê sử dụng lò đốt để xử lý CTRYT. Mỗi lần lò đốt vận hành, một lượng khói đáng kể lại thải ra môi trường gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh. Bác sĩ Trương Minh Cẩn-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-cho biết: Việc “nhả khói” từ lò đốt chất thải y tế trước đây gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân khu vực gần bệnh viện bức xúc dẫn đến khiếu nại liên tục. Tuy nhiên, từ tháng 2-2019, từ nguồn vốn dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2, vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Trung tâm đã được trang bị máy xử lý rác thải hấp, nghiền, tiệt trùng bằng hơi nước. Máy vận hành hiệu quả, đặc biệt không thải khói ra môi trường. “Từ đó đến nay, Trung tâm không còn bị khiếu nại về việc thải khói gây ô nhiễm như trước”-bác sĩ Cẩn nói.
Máy xử lý rác thải hấp, nghiền, tiệt trùng bằng hơi nước tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê không thải khói khi vận hành, không gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: N.N
Máy xử lý rác thải hấp, nghiền, tiệt trùng bằng hơi nước tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê không thải khói khi vận hành, không gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: N.N
Bình quân mỗi ngày, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê thu gom 60-80 kg CTRYT bao gồm cả kim tiêm và chai lọ thủy tinh với nhiều hóa chất hoặc hợp chất nguy hại cùng nhiều mầm bệnh. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho hay: “Với công nghệ hấp, nghiền, tiệt trùng bằng hơi nước, quá trình xử lý CTRYT trở nên đơn giản hơn. Bên cạnh ưu điểm không thải khói khi vận hành thì các CTRYT sau khi xử lý cũng đảm bảo vô trùng, an toàn khi thải ra môi trường”. Ngoài ra, người trực tiếp vận hành cũng giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Anh Đinh Duy Tuế-cán bộ phụ trách xử lý rác thải tại đơn vị này chia sẻ: “Chất thải rắn y tế đưa vào xử lý được máy nghiền cắt, băm nhỏ tạo khả năng cho hơi nước thâm nhập hoàn toàn, đảm bảo tất cả các chất thải tiếp xúc trực tiếp với hơi nóng đều được khử trùng. Sau khi xử lý, rác thải y tế được thu gom, xử lý như chất thải thông thường. Trung bình mỗi ngày, máy có thể xử lý khoảng 100 kg CTRYT. Với công nghệ không khói, người trực tiếp vận hành máy không phải hít khói độc như trước đây”.
Ngoài Chư Sê, Trung tâm Y tế các huyện Kbang và Krông Pa cũng được đầu tư máy xử lý chất thải y tế tương tự. Bác sĩ Đinh Viết Bửu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Pa-thông tin: Năm 2019, từ nguồn vốn dự án ADB, Trung tâm được trang bị máy xử lý rác thải hấp, nghiền, tiệt trùng bằng hơi nước. Việc đưa máy vào vận hành đã góp phần tích cực bảo vệ môi trường, giảm lượng khói độc hại thải ra.
Chung tay giảm thiểu chất thải nhựa
Từ giữa tháng 8-2019 đến nay, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng phong trào giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế. Phong trào này không chỉ lan tỏa trong cán bộ, nhân viên mà còn được bệnh nhân và người nhà cùng chung tay thực hiện. 
Bác sĩ Trương Minh Cẩn cho hay: Trung tâm hưởng ứng phong trào giảm thiểu chất thải nhựa bắt đầu từ những việc nhỏ nhất là không sử dụng sản phẩm chai nước nhựa trong các buổi hội họp cơ quan; dần thay thế bao giấy để gói đựng thuốc thay cho bao ni lông. Trung tâm cũng tuyên truyền nhân viên giảm thiểu chất thải nhựa trong sinh hoạt hàng ngày, đồng thời vận động bệnh nhân và người nhà cùng hưởng ứng nhằm giảm thiểu đáng kể lượng chất thải nhựa ra môi trường.
Bác sĩ Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế-cho biết: Ngành Y tế rất quan tâm vấn đề này và chỉ đạo các cơ sở y tế đảm bảo xử lý rác thải y tế đúng quy trình, an toàn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 cơ sở y tế được trang bị máy xử lý rác thải hấp, nghiền, tiệt trùng bằng hơi nước; các đơn vị còn lại thì đều được trang bị lò đốt xử lý CTRYT. Bên cạnh đó, ngành cũng tích cực chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nói chung, môi trường y tế nói riêng.
 NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.