Bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống con người. Để bảo vệ môi trường, mỗi người không nhất thiết phải làm những việc lớn lao mà hãy bắt đầu bằng việc thay đổi thói quen rất nhỏ trong đời sống hàng ngày.

Ảnh: Hà Phương
Ảnh: Hà Phương


Chị Nguyễn Thị Tùng-người có gần 20 năm làm công nhân Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai-cho biết: “Dù ở bất cứ nơi nào, nếu như mỗi chúng ta ai cũng ý thức được việc vứt rác bừa bãi làm ô nhiễm môi trường sống thì sẽ hình thành cho mình thói quen bỏ rác đúng nơi quy định. Làm như thế thì môi trường xung quanh chúng ta sẽ sạch hơn, những người làm vệ sinh môi trường như tôi sẽ đỡ vất vả hơn”.

Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của chúng ta. Chở bạn gái đi chơi tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) cùng với nhóm bạn, anh Phạm Thanh Minh (tổ 7, thị trấn Đak Đoa) bộc bạch: “Tôi cùng bạn gái mang theo một cặp ly sứ để uống cà phê tự làm đựng trong bình giữ nhiệt. Sau khi uống xong, tôi lấy khăn đùm 2 cái ly lại rồi mang về”. Khi được hỏi lý do vì sao làm như vậy, anh Minh cho biết: “Tôi đi đâu cũng nghe cuộc vận động “Nói không với rác thải nhựa” nên nói với bạn gái mua cặp ly sứ mang đi uống cà phê hoặc những thứ khác khi cần. Dùng xong mình lại rửa sạch sẽ, vừa không xả thải ra môi trường mà vừa tiện lợi”.

Đồng quan điểm với anh Minh, nhiều người bạn trong nhóm của anh cũng cho biết, họ sống ở thị trấn Đak Đoa, nhiều khi thấy rác thải ni lông bay khắp nơi, rồi bụi bẩn, rác thải khác nên rất khó chịu. Vì vậy, họ quyết định tự thay đổi bản thân trước để mọi người thay đổi theo.

Một nhóm bạn trẻ ở Pleiku cũng dự định sẽ tổ chức thu dọn rác thải ở các khu vực trọng điểm để thành phố xanh-sạch-đẹp hơn. Anh Huỳnh Hữu Phú (phường Yên Đổ) chia sẻ: “Tôi mới có dịp đưa khách du lịch về lại quê hương. Khi ngắm cảnh Biển Hồ nước, du khách nói cảnh đẹp nhưng rác dưới lòng hồ vẫn nhiều, gây ô nhiễm, mất mỹ quan. Vì vậy, tôi muốn cùng các bạn trẻ chung tay thu dọn rác thải để bảo vệ môi trường”.

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, mỗi chúng ta đã góp phần làm cho đường làng, ngõ phố xanh-sạch-đẹp. Hành động tích cực của mỗi người là thông điệp lan truyền đến người dân ý thức văn minh bảo vệ môi trường. Mỗi người dân ngoài việc tự nâng cao ý thức không xả rác bừa bãi còn có trách nhiệm phát hiện, tố giác, lên án các hành vi xả rác thải gây ô nhiễm môi trường sống.

 

 HÀ PHƯƠNG

 

Có thể bạn quan tâm