(GLO)- Lần đầu tiên tại tỉnh ta, Sở Công thương đã đứng ra tổ chức Hội nghị kết nối giữa ngân hàng với các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm hỗ trợ nguồn vốn dự trữ hàng hóa Tết cho doanh nghiệp. Đây được xem là giải pháp mới “đột phá” trong việc bình ổn thị trường, giá cả dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Tín hiệu vui cho doanh nghiệp
Với mức lãi suất cho vay thấp hơn 7% (mức lãi suất vay ngắn hạn hiện nay), sẽ là nguồn hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết.
Ảnh: Lê Lan |
Theo ông Điền Nguyên-Phó phòng khách hàng bán lẻ Ngân hàng Vietcombank Gia Lai thì trong tháng 12, ngân hàng đang có chương trình cho vay ưu đãi dịp Tết. Trong đó, đối tượng doanh nghiệp bán buôn sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi. Tùy thuộc từng ngành hàng, thời gian vay và mức xếp hạng doanh nghiệp sẽ tương ứng với mức lãi suất phù hợp, thấp nhất sẽ là 5,5%.
Còn theo bà Võ Thị Nhược Thủy-Giám đốc Ngân hàng Sacombank-Chi nhánh Gia Lai thì năm 2015, Sacombank Chi nhánh Gia Lai cũng đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi trên địa bàn tỉnh với 300 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp và hơn 300 tỷ đồng dành cho nông nghiệp nông thôn với mức lãi suất chỉ từ 6,5% trở lên. Từ tháng 9-2015, đơn vị cũng đã triển khai gói cho vay sản xuất ưu đãi cuối năm. Riêng đối với cho vay doanh nghiệp tham gia bình ổn giá dịp cuối năm, sau cuộc họp chi nhánh sẽ trình lên hội sở để có mức lãi suất thấp hơn nữa.
Trong khi đó, theo đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Gia Lai thì ngân hàng là đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh, ngân hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp nhiều năm nay và cam kết sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay với lãi suất thấp nhất.
Là một công ty có nhu cầu vốn lớn, ông Ngô Tấn Giác-Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Thu Hà phấn khởi cho biết: “Lần đầu tiên nghe được ngân hàng hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp công ty rất mừng, vì thực tế lượng hàng bán 2 tháng Tết bằng 6 tháng bình thường nên việc lo vốn đối với công ty khá chật vật. Vì vậy, chương trình sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc vay vốn, chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết”. Cũng vui mừng không kém, ông Huỳnh Văn Phong-đại diện Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai hy vọng sau Hội nghị sẽ có sự phối hợp tốt hơn, bởi trên phương diện doanh nghiệp thì Tết là cơ hội và cũng là tiền đề kinh doanh cho cả năm 2016.
Vẫn cần có Quỹ bình ổn giá
Để có giá tốt, giá bình ổn thực sự thì tỉnh cần phải có Quỹ bình ổn giá. (ảnh minh họa) |
Rõ ràng với mức lãi suất hỗ trợ mà các ngân hàng đưa ra sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc vay vốn chuẩn bị hàng hóa dịp Tết. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp thì hội nghị triển khai tại thời điểm này vẫn hơi muộn, trước Tết chỉ một tháng trong khi hầu hết các đơn vị đã chuẩn bị xong nguồn hàng, tập kết về kho.
Bên cạnh đó, ngoài ngân hàng Vietconbank thì hầu hết các ngân hàng khác trên địa bàn đều chưa đưa ra chương trình và mức lãi suất cụ thể khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ. “Hiện công ty đã chuẩn bị xong nguồn hàng, hơn nữa thời gian cho vay với mức lãi suất thấp lại áp dụng quá ngắn (chỉ 2 tháng) nên công ty không thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này. Đề nghị nếu năm sau còn chương trình thì nên triển khai trước Tết khoảng 4 tháng”-ông Ngô Tấn Giác cho biết thêm. Còn với đại diện Công ty TNHH một thành viên Bùi Thị Năm thì nguyện vọng của doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng cho biết chương trình cụ thể vì hiện nay đơn vị vẫn vay với mức lãi suất 7%...
Đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp của Sở Công thương, thế nhưng theo ông Bùi Quốc Bình-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku thì thông qua Hội nghị chỉ mới giải quyết được nguồn vốn để mua hàng dự trữ, đảm bảo nguồn hàng không để khan hàng sốt giá. Nhưng để có giá tốt, giá bình ổn thực sự thì tỉnh cần phải có Quỹ bình ổn giá. Bởi nếu doanh nghiệp vay được vốn từ nguồn quỹ bình ổn-không lãi suất thì mới mạnh dạn ôm hàng, do các nhà cung cấp đòi hỏi phải chuyển tiền trước thì mới chốt giá. Hiện Gia Lai vẫn chưa có Quỹ bình ổn giá trong khi các tỉnh lân cận như Kon Tum, Đak Lak đều đã có Quỹ bình ổn giá.
Lê Lan