Giải bài toán an ninh nguồn nước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nước là sự sống, xuyên suốt cả quá trình cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. Việc phân phối tài nguyên nước ngày càng trở nên cấp thiết.
Việt Nam có tổng nguồn cung cấp nước thường xuyên trên đầu người thuộc mức trung bình của thế giới. Hơn 60% lượng nước ở Việt Nam chủ yếu là từ sông Hồng và sông Mê Kông đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Dự đoán đến năm 2025, lượng nước cho đầu người ở Việt Nam chỉ còn khoảng 3.100 m3, thuộc mức dưới trung bình.
Quản lý xuyên biên giới
Nguồn nước ngày càng khan hiếm, nhất là phụ thuộc vào chế độ điều tiết từ hệ thống thủy điện của các nước ở thượng lưu cùng với chất lượng ngày một xấu đi do tác động của thiên tai và nhân tai là nỗi lo kép về an ninh nguồn nước.
 
Vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long nay đã phải đối mặt với nạn hạn hán Ảnh: VÂN DU
Để bảo đảm an ninh nguồn nước, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần quan tâm đến chiến lược phát triển tài nguyên nước theo nguyên lý quản lý lưu vực sông từ công tác khảo sát, đánh giá, giám sát cả về số lượng và chất lượng nước xuyên biên giới để có kế hoạch chủ động ứng phó trong bài toán tổng thể về an ninh nguồn nước. Về khoa học công nghệ, cần tăng cường diễn đàn hợp tác quốc tế, yêu cầu các nước ở thượng lưu cấp những số liệu điều tra cơ bản và quy trình vận hành hệ thống thủy điện theo mùa kiệt và mùa lũ.
Cần xem xét nghiêm túc yếu tố biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng cao. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã cảnh báo vấn đề này ở Nam Á và Đông Nam Á sẽ thuộc mức độ cao trong tương lai. Nguy cơ sẽ là nhiễm mặn nguồn nước ngày càng lan rộng về mặt địa lý và trầm trọng về mặt nồng độ muối, đến lúc nguồn nước không còn thích hợp cho mục đích sinh hoạt. Đây thực sự là vấn đề khó khăn. Có công nghệ để xử lý lượng muối trong nước uống nhưng sẽ rất tốn kém.
Đánh giá lại quy trình xử lý
Hiện hàng vạn hộ dân Hà Nội đang khốn đốn vì sự cố nước nhiễm dầu trong những ngày qua. Dù là loại chất hữu cơ gì đi nữa thì cũng cho thấy công nghệ hay dây chuyền xử lý nước mặt của nhà máy có vấn đề. Nước mặt luôn có hàm lượng các chất hữu cơ cao do chất thải của sinh vật sống trong nước, xác động thực vật thối rữa, chất thải từ dân cư... Nếu hàm lượng các chất hữu cơ không được xử lý triệt để thì đến khâu sử dụng clo để tiệt trùng, clo sẽ phản ứng với các chất hữu cơ và tạo ra sản phẩm clo hữu cơ rất độc hại.
Công nghệ xử lý của nhà máy cấp nước có thể xử lý được các chất hữu cơ nhưng đó chỉ là các chất hữu cơ đơn giản dễ phân hủy chứ các POPs (bao gồm cả hóa chất bảo vệ thực vật) thì chắc chắn không nhà máy xử lý nước cấp nào đầu tư công nghệ xử lý, vì nguồn nước có nhiễm các chất này chắc chắn không được phép sử dụng cho sinh hoạt của người dân.
Nhân vụ nước nhiễm dầu này, cần rà soát đánh giá lại quy trình và chất lượng xử lý nước của các nhà máy. Các phương pháp xử lý nước sinh hoạt thường nhằm 2 mục đích chính: Thứ nhất, loại chất rắn lơ lửng, tức là biến nước đục thành nước trong, thường bằng cách dùng phèn chua (alum) để làm đông tụ (coagulation), rồi làm lắng, sau đó lọc nước qua một lớp cát, để loại một số chất nhiễm bẩn và mầm bệnh bám theo chất lơ lửng. Thứ hai, khử mầm bệnh chủ yếu bằng clo (quy trình chlorination). Một số nhà máy xử lý nước dùng ozone thay cho clo (tuy tốn kém hơn).
Riêng đối với nước ngầm, vì thường có sắt hòa tan, cần làm cho sắt kết tủa trước quy trình lọc. Việc kết tủa sắt diễn ra khi nước tiếp xúc với không khí. Cũng có thể dùng phương pháp hóa - lý để kết tủa sắt nhưng tốn kém hơn. 
Giải pháp tối ưu
Trước đây, chính sách về nước tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào việc phát triển và khai thác tài nguyên, trong đó đề cao việc xây dựng và nâng cao hiệu quả của các công trình cơ sở hạ tầng. Do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tầm nhìn và chiến lược sử dụng tài nguyên nước ở Việt Nam bắt buộc phải quan tâm đặc biệt đến an ninh nguồn nước đã được luật hóa. Quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông, kết hợp các giải pháp công trình với phi công trình trên nền tảng thích nghi vẫn là giải pháp tối ưu cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở nước ta.
Tiến sĩ Tô Văn Trường (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Một vấn đề bao trùm được các đại biểu Quốc hội quan tâm, trước hết là chúng ta nên triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược nhằm giải quyết các thách thức phát triển, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa.

Phục hồi và tăng tốc

Phục hồi và tăng tốc

Sau hơn 1 tháng bão số 3 (Yagi) đổ bộ, tàn phá các tỉnh phía Bắc, những hậu quả nặng nề đã được cơ quan chức năng thống kê với mức thiệt hại ước tính trên 81.500 tỷ đồng, tác động tiêu cực đáng kể đến tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3 và kéo theo cả năm 2024 sẽ giảm 0,15%.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.