Giá xăng, dầu giảm; giá hàng hóa, dịch vụ vẫn neo cao: Cần phối hợp xử lý kịp thời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức tọa đàm “Xăng, dầu giảm giá; hàng hóa không giảm-Thực trạng và giải pháp". Tại buổi tọa đàm, các vị khách mời là chuyên gia, nhà quản lý đã nêu nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó có đề cập đến vấn đề phối hợp xử lý kịp thời giữa các bộ ngành để bảo đảm tính bền vững.

Có độ trễ nhưng không thể quá lâu

Phát biểu tại buổi tọa đàm “Xăng, dầu giảm giá; hàng hóa không giảm-Thực trạng và giải pháp" vào chiều 4-8, bà Đinh Thị Nương-Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, mặc dù giá xăng, dầu đã giảm lần thứ 4 liên tiếp nhưng đối với hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng tác động của giá xăng, dầu vẫn neo cao là do cần có thời gian và “độ trễ” để điều chỉnh. “Sau khi giá xăng dầu giảm, các đơn vị sản xuất kinh doanh tiến hành rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán giảm theo xăng dầu thời gian vừa qua”-bà  Đinh Thị Nương phân tích.

Quang cảnh buổi tọa đàm (ảnh: TTXVN)
Quang cảnh buổi tọa đàm (ảnh: TTXVN)



Cũng theo bà Nương, để giải quyết tình trạng giá cả hàng hóa neo cao, trước đó Bộ Tài chính đã tham mưu các biện pháp tăng cường quản lý điều hành giá và đã trình Chính phủ ban hành công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ giá cả dịch vụ khi giá xăng dầu giảm trong các kỳ điều hành vừa qua.

Tuy đồng tình với ý kiến của bà Đinh Thị Nương nhưng chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng giải thích thêm: Khi giá xăng, dầu giảm, nếu doanh nghiệp giảm ngay giá mặt hàng thì sau này sẽ khó điều chỉnh khi có biến động (tăng) về giá nhiên liệu. Song, ông Lực cũng nhấn mạnh: Độ trễ không thể là hàng tháng hay mấy tháng, mà chỉ sau một vài tuần là phải điều chỉnh ngay. “Cơ quan chức năng cũng cần sát tình hình hơn nữa, có các biện pháp xử lý kịp thời, không để người dân cảm thấy nản lòng, kiến nghị nhiều mà không được xử lý”-ông Lực đề xuất.

Cũng trước tình hình giá xăng, dầu giảm liên tiếp nhưng giá dịch vụ vận tải chưa giảm, ông Trần Bảo Ngọc-Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông-Vận tải) giải thích, có nhiều yếu tố hình thành nên giá thành dịch vụ, nên khi có một yếu tố biến động, những đơn vị kinh doanh đều phải tính toán lại. Đối với vận tải taxi, còn phải thực hiện kê khai giá với Sở Giao thông-Vận tải, điều chỉnh đồng hồ tính tiền, in lại tờ niêm yết giá... nên có độ trễ nhất định. Tuy nhiên, ông cũng đồng tình với quan điểm “không nên trễ quá”. “Khi nhiên liệu-một yếu tố chiếm đến 30-40% chi phí cấu thành-đã giảm giá mà doanh nghiệp chưa kịp giảm hoặc giảm chậm là không đúng”-ông Ngọc thừa nhận.

Cần phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan

Theo bà Đinh Thị Nương-Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31-7-2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết và kịp thời tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành giá và kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại theo mục tiêu dưới 4% Chính phủ đề ra.
Đồng thời, các cơ quan tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông và công khai minh bạch về giá để cho người tiêu dùng hiểu, theo dõi, giám sát và hạn chế những thông tin gây thất thiệt, hoang mang cho người tiêu dùng và gây bất ổn cho thị trường.

Về phía Bộ Giao thông-Vận tải, ông Trần Bảo Ngọc cũng cho biết, Bộ tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh, đặc biệt các điều kiện kinh doanh vận tải, điều kiện nào không còn cần thiết, phù hợp thì cắt giảm để tiết giảm chi phí cho các đơn vị kinh doanh vận tải và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng tình với các giải pháp mà Bộ Tài chính và Bộ GTVT đang thực hiện trong công tác quản lý giá, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhìn nhận: Việc tăng giá hay giảm giá trong cơ chế thị trường là tất nhiên và trong bối cảnh hiện nay việc này có thể sẽ diễn ra thường xuyên. Do đó, bên cạnh những giải pháp kiểm tra, kiểm soát hay các chế tài xử phạt, ông Vũ Vinh Phú cho rằng cần cải tiến các thủ tục kê khai giá, dán tem nhanh hơn để vừa đáp ứng nhu cầu chung cho xã hội và cũng để thuận tiện cho doanh nghiệp kinh doanh.

“Tất cả các hoạt động phải đồng bộ, như trong chuỗi cung ứng hàng hoá, trong đó có cả xăng dầu. Chúng ta phải tiết kiệm chi phí, luôn luôn đổi mới sáng tạo nhằm thực hiện mục tiêu chung của Chính phủ là kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Cuối cùng, tôi cho rằng, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành cũng như sự tuyên truyền của các cơ quan báo chí, làm thế nào dần dần chúng ta xây dựng nếp tự giác hơn trong vấn đề lên-xuống giá. Chúng ta cần lưu ý hơn những vấn đề trên, coi như một trận đánh để rút kinh nghiệm cho những lần sau”-ông Phú nói.

 


HUỲNH LÊ (tổng hợp)
 

 

Có thể bạn quan tâm

Chiêu trò nguy hại

Chiêu trò nguy hại

Những ngày vừa qua, một cuộc tranh cãi đã diễn ra trên mạng xã hội, bắt nguồn từ nhiều ý kiến cá nhân trước một hoạt động của doanh nghiệp. Cuộc tranh cãi đã trở nên ồn ào, gây nhiều phản ứng hơn khi xuất hiện một làn sóng định hướng thông tin bằng phương pháp seeding.

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...

Rạng rỡ Việt Nam

Rạng rỡ Việt Nam

Hôm nay, người dân TPHCM cùng cả nước hân hoan Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, trong niềm vui, tự hào và xúc động dâng trào.

Để giang sơn gấm vóc mãi mãi yên bình, cường thịnh

Để giang sơn gấm vóc mãi mãi yên bình, cường thịnh

(GLO)- Nửa thế kỷ hòa bình thống nhất là nửa thế kỷ xây dựng lại non sông từ vỡ vụn chiến tranh. Vượt qua những trở lực từ bên ngoài, dám nhìn nhận những sai lầm nội tại, chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới và đạt được những thành tựu mà 40 năm trước, nhiều người không thể hình dung.

Hòa bình cho tất cả chúng ta

Hòa bình cho tất cả chúng ta

Trong những ngày cả nước hướng về đại lễ của dân tộc, câu chuyện hào hùng được tiếp nối qua bao thế hệ, người trẻ hôm nay kể về niềm tự hào bằng ngôn ngữ thế hệ gen Z, gen Y, những video, hình ảnh, bài viết ngập sắc cờ đỏ sao vàng phủ kín mạng xã hội.

Tương lai viết nên từ bản lĩnh văn hóa

Tương lai viết nên từ bản lĩnh văn hóa

Di sản nếu không được số hóa, không được kể lại theo cách của thời đại sẽ dần bị đứt gãy trong trí nhớ cộng đồng. Một thế hệ lớn lên không thấy được những giá trị đã tạo nên cội nguồn sẽ khó tìm thấy niềm tự hào, khó kiến tạo tương lai có chiều sâu văn hóa.