(GLO)- Sự giảm giá liên tục với biên độ rộng của một số mặt hàng nông sản đã ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của tỉnh. Mặt hàng chủ lực đóng góp chính vào kim ngạch vẫn là cà phê, tuy nhiên sản lượng và giá trị đều sụt hơn một nửa…
Ảnh: Cao Nguyên |
Được xem là mặt hàng có sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất trong nhiều năm liền, nhưng từ đầu năm đến nay cà phê liên tục có biến động mạnh về giá, chủ yếu theo chiều hướng giảm. Thời điểm đầu vụ, giá cà phê nhân thu mua nội địa khoảng 41.000 đồng-42.000 đồng/kg, giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.970 USD/tấn. Song đến thời điểm này, giá cà phê thu mua nội địa đã giảm hơn 12%, xuống mức 36.000 đồng-37.000 đồng/kg và giá xuất khẩu bình quân hiện còn khoảng 1.700 USD/tấn.
Kết thúc niên vụ cà phê 2014-2015 đã 4 tháng, song giá mặt hàng này vẫn đang ở mức thấp nên không kích thích nông dân và doanh nghiệp kinh doanh cà phê bán ra thị trường. Cùng với đó, sản lượng thu hoạch cà phê giảm đến gần 30% so với niên vụ trước do mất mùa. Rồi một số công ty con đứng chân trên địa bàn tổ chức gom hàng về công ty mẹ khiến thị phần bị thu hẹp, nguồn hàng trở nên khan hiếm hơn.
Trong năm 2014, chỉ riêng doanh nghiệp FDI là Công ty Louis Dreyfus Commodities Việt Nam đã đóng góp đến 50% trên tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh thì trong những tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp này đã giảm rất mạnh đến hơn 77% so với cùng kỳ năm trước, mà nguyên nhân là do không tìm được nguồn hàng để thu mua. |
Đến cuối tháng 7-2015, sản lượng xuất khẩu cà phê chỉ đạt 64.783 tấn, tương đương kim ngạch 117,59 triệu USD (giảm 63,77% về lượng, và giảm 66,42% về giá trị). Là mặt hàng vẫn đóng vai trò chủ lực, nhưng thời điểm này cà phê chỉ chiếm 56%/tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, trong khi những năm trước khoảng 70%-80%.
Xếp hạng sau cà phê là mì lát với sản lượng 46.972 tấn, tương đương 10,6 triệu USD, mặt hàng này cũng giảm gần 39% về lượng và 44% về giá trị. Mủ cao su đạt 3.945 tấn, tương đương 6,2 triệu USD (giảm gần 42% về lượng và 53% về giá trị do giá xuất khẩu bình quân giảm 19% so với cùng kỳ năm 2014). Riêng gỗ tinh chế đạt 6,92 triệu USD. Các doanh nghiệp gỗ khá thuận lợi trong việc mua nguyên liệu do nguồn gỗ nhập khẩu từ Campuchia, Lào đã được đưa vào tiêu thụ trong nội địa, làm giảm chi phí đầu vào và nâng cao giá trị xuất khẩu trên một đơn vị sản phẩm.
Theo báo cáo của Sở Công thương, đến cuối tháng 7-2015 kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh là 210 triệu USD (đạt 47,7% kế hoạch). Trên thực tế, nhiều năm qua xuất khẩu của tỉnh cũng đạt nhiều thành tích đáng kể. Hiện các doanh nghiệp của tỉnh đã mở rộng thị trường ra gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Một số doanh nghiệp đã tập trung đầu tư phát triển theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến để gia tăng giá trị hàng hóa, chủ động đầu ra nhằm vươn tới các thị trường lớn. Song, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn đang gặp không ít khó khăn, thị trường nhập khẩu của đối tác co lại bởi nhu cầu nhập thành phẩm lớn hơn, rồi tín dụng ngân hàng chưa cung ứng đủ và kịp thời, tình trạng thiếu vốn vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp…
Thảo Nguyên