Gia Lai tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực phẩm dịp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Thực hiện đợt cao điểm về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, lực lượng chức năng đã và đang tập trung lực lượng kiểm tra toàn diện trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Mới đây, qua một thời gian theo dõi, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế-Công an tỉnh kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thực phẩm của ông Vũ Thanh Tiến (địa chỉ tại thôn 1, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở có 3 tủ đông lạnh chứa tổng cộng 681 kg thịt. Toàn bộ số thịt này không có bao bì đóng gói.

Qua làm việc, ông Vũ Thanh Tiến khai mua số hàng hóa trên từ nhiều nơi để chuẩn bị đưa đi tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 thì bị phát hiện. Toàn bộ số hàng này, ông Tiến không cung cấp hóa đơn hay chứng từ gì để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.

Tiêu huỷ 681 kg thịt không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: Cục Quản lý thị trường Gia Lai.
Tiêu huỷ 681 kg thịt không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ảnh: Cục Quản lý thị trường Gia Lai.

Với những vi phạm trên, đoàn kiểm tra đã hoàn chỉnh hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Vũ Thanh Tiến 77,5 triệu đồng; đồng thời, ngày 10-1 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiến hành tiêu hủy 681 kg thịt nói trên đã bốc mùi hôi thối.

Đây là vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm đã bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý trong thời gian triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết.
Theo ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, Tết là thời điểm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao. Để kịp thời ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.
Cục sẽ kiểm tra trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung kiểm tra địa bàn trọng điểm, tuyến trọng điểm, chú trọng các tuyến Pleiku-Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Pleiku đi các tỉnh phía Bắc, TP. Hồ Chí Minh và ngược lại, nhằm ngăn chặn hoạt động tàng trữ, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng đưa vào nội địa để tiêu thụ. Tập trung xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm đang tồn tại trên địa bàn. Tập trung công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán, các cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, sẽ chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, bộ đội Biên phòng… thường xuyên kiểm tra trên trên khâu lưu thông, tăng cường công tác quản lý địa bàn đối với các kho hàng, địa điểm tập kết hàng hóa, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm…

Các vụ vi phạm an toàn thực phẩm chủ yếu là vi phạm chủ yếu là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa nhập lậu. Ảnh: V.T
Các vụ vi phạm an toàn thực phẩm chủ yếu là vi phạm chủ yếu là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa nhập lậu. Ảnh: V.T

Riêng trong năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã xử lý 103 vụ vi phạm an toàn thực phẩm; phạt tiền hơn 556 triệu đồng. Đồng thời, tịch thu 360 kg hạt trân châu, 110 kg táo khô, 7.050 cái bánh, 11.000 sản phẩm kẹo các loại, 45 chai rượu ST Remy, 78 sản phẩm dầu ăn các loại, 400 bì chuối sấy các loại, 222 thùng táo tươi. Buộc tiêu hủy 612 kg thực phẩm tươi sống các loại; 550 bì bánh tráng trộn không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh hàng hóa nhập lậu…

Lực lượng Cảnh sát Kinh tế-Công an tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 78 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với số tiền 272 triệu đồng; chuyển cơ quan có thẩm quyền xử phạt 19 vụ với số tiền 128 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy nhiều hàng hóa vi phạm.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm-Sở Y tế đã thực hiện 1 đoàn thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, kết quả đã thanh tra 28 cơ sở, phát hiện và xử lý 9 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng.

Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai kiểm tra (đợt 1) năm 2023 đối với 35 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Kết quả kiểm tra có 7/35 cơ sở xếp loại A; 11/35 cơ sở xếp loại B; 17/35 cơ sở không thẩm định (cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận HACCP, ISO còn hiệu lực; cơ sở ngừng/tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh...). Thành lập 2 đoàn thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tiến hành thanh tra và xử lý 76 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản, xử phạt vi phạm hành chính hơn 65 triệu đồng.

Có thể bạn quan tâm

Để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, Siêu thị Co.op Mart Pleiku đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm. Ảnh: V.T

Chủ động nguồn hàng phục vụ Tết

(GLO)- Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp tại Gia Lai đã chủ động nguồn hàng để phục vụ người tiêu dùng với mức giá bình ổn.

Các chủ thể OCOP đã lên thiết kế mẫu hộp quà tặng Tết. Ảnh: V.T

Sản phẩm OCOP vào mùa phục vụ Tết

(GLO)- Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, trong đó có các sản phẩm OCOP thường tăng rất cao. Thời điểm này, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, thiết kế mẫu mã bao bì phục vụ nhu cầu tiêu dùng và mua làm quà tặng dịp Tết.