Gia Lai: Quan tâm đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, cấp ủy các cấp luôn quan tâm chỉ đạo đối với công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của hệ thống chính trị ở cơ sở và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, các cấp, các ngành đã không ngừng củng cố, nâng cao về số lượng và chất lượng mọi mặt của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị của tỉnh. Qua đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đã có sự phát triển đáng kể về số lượng, chất lượng; tham gia ngày càng đông đảo trong hệ thống chính trị ở địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có trên 4.200 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số đang công tác trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp cấp huyện, cấp tỉnh, chiếm khoảng 12,8% tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh (32.649 người). Các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả.

 

Việc tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được quan tâm chỉ đạo. Ảnh: T.N
Việc tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được quan tâm chỉ đạo. Ảnh: T.N

Việc tạo nguồn, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, nhất là người Bahnar, Jrai được quan tâm chỉ đạo. Các ngành, các cấp thường xuyên xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số sau khi tuyển dụng; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để họ được rèn luyện, trưởng thành qua thực tiễn. Có thể khẳng định, những năm qua, các cấp, các ngành đã thực hiện nghiêm túc quy định cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc Bahnar, Jrai trong các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh theo tinh thần Chỉ thị số 47-CT/TU, ngày 4-6-1998 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đảm bảo tỷ lệ 10% trong tổng số biên chế ở cấp tỉnh và 15% ở cấp huyện. Với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy các cấp, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy, đại biểu HĐND và giữ các chức vụ chủ chốt các cấp ngày càng tăng.
 

Nhiệm kỳ 2015-2020, trong tổng số 55 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 6 đồng chí là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 10,9%. Nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh có 80 đại biểu có 22 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 27,5%; đối với cấp huyện, trong số 606 đại biểu HĐND có 211 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 34,8%; ở cấp xã, trong số 5.985 đại biểu HĐND có 2.401 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 40%.

Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm. Tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, khuyến khích con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường học tập. Đồng thời, mở các lớp đào tạo cán bộ nguồn người dân tộc thiểu số bổ sung cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức địa phương. Các cấp, các ngành liên quan tích cực phối hợp triển khai mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cấp huyện và cấp xã, trong đó đa số là cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức và nội dung phù hợp. Nhờ đó, chất lượng của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao, từng bước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Ngoài ra, căn cứ chỉ tiêu được Trung ương phân bổ hàng năm, tỉnh đã cử nhiều cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng cao cấp lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và an ninh, quốc phòng đối tượng I, II tại các trường và các học viện…

Thiết nghĩ, để việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số được thuận lợi và ngày càng có hiệu quả, thời gian đến, Trung ương cần có cơ chế ưu tiên đào tạo, nhất là về chính sách hỗ trợ khi được cử đi đào tạo đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia học tập để nâng cao trình độ nhằm tạo nguồn cán bộ tại chỗ về lâu dài. Xem xét, đổi mới chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, thi cử đối với người dân tộc thiểu số tại chỗ ở các địa phương hoặc giao cho các địa phương quy định cơ chế tuyển dụng riêng cho người dân tộc thiểu số nhằm tạo nguồn cán bộ tại chỗ có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu công tác chuyên môn theo kịp tình hình phát triển về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của địa phương trong tình hình mới.

Ngọc Hải

Có thể bạn quan tâm

Quang cảnh hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024 huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: 19/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch năm 2024

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Ngọc Ngô chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: Đăng Vũ

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đại hội Đảng các cấp

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị giao ban trực tuyến các cơ quan khối Đảng tỉnh và các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy diễn ra vào chiều 4-12.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: P.D

Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

(GLO)- Sáng 3-12, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương đã chủ trì hội nghị giao ban khối MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý IV-2024, định hướng nhiệm vụ công tác trọng tâm quý I-2025.