Mùa mưa kéo dài, những con đường dẫn vào Làng Thanh niên lập nghiệp Ia Mơr lầy lội khó đi. Chúng tôi theo chân đoàn công tác của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah vào Ia Mơr, nơi đơn vị được giao nhiệm vụ trồng mới 3.000 ha cao su trong 3 năm (2010-2013). Đứng ở Làng Thanh niên lập nghiệp Ia Mơr mới thấy sự gian khó trong việc đưa cây cao su vào vùng đất này. Trước mắt chúng tôi, xen kẽ những tán rừng khộp là các bờ lô cao su thẳng hàng đã 4 tầng lá được trồng từ năm 2010 cùng với diện tích vừa trồng trong mùa mưa 2011.
Chăm sóc cao su. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Cây cao su đang sinh trưởng phát triển tốt, với tỷ lệ cây sống đạt 94%. Cùng với việc đưa cán bộ kỹ thuật đến đây, Nông trường đã tuyển dụng đồng bào dân tộc địa phương của xã vào làm việc dài hạn với mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/tháng giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định.
Ông Siu Hoằn, làng Krông, xã Ia Mơr phấn khởi cho hay: “Trước đây khi chưa có nông trường cao su, hầu hết người dân trong làng chỉ biết làm lúa rẫy, mì… chỉ tạm đủ ăn. Từ ngày được nhận vào làm công nhân chăm sóc bảo vệ cao su, được hướng dẫn kỹ thuật, dân làng dần dần thích nghi và phấn khởi với công việc mới mẻ này. Riêng gia đình tôi nhận 4 ha chăm sóc từ năm 2010 đến nay, cây phát triển rất tốt. Mừng lắm vì không còn lo thiếu đói nữa”.
Ông Nguyễn Thế Sỹ- Giám đốc Nông trường cho biết: “Qua 2 năm triển khai dự án tại vùng đất Ia Mơr, với sự chỉ đạo và động viên kịp thời của cấp trên, cán bộ, công nhân nông trường khắc phục khó khăn đưa cây cao su vào đây phát triển, chắc chắn kinh tế sẽ bền vững trong những năm tới”.
Có thể nói, dự án phát triển cao su tại khu vực Làng Thanh niên lập nghiệp Ia Mơr đang trong giai đoạn trồng, kiến thiết cơ bản nhưng đã đem lại tín hiệu khả quan về sự phát triển của cây cao su trên vùng đất khó. Trong những năm tới khi diện tích cao su đi vào khai thác ổn định, sẽ giúp mảnh đất vùng biên Ia Mơr thay da đổi thịt.